Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4, TP.HCM trở thành địa phương có số ca lây nhiễm lớn nhất cả nước, số ca mắc công bố mỗi ngày gần đây cũng luôn cao nhất.
Tối 4/7, thành phố ghi nhận thêm 599 trường hợp sau 24h, nâng tổng số lên hơn 6.000 ca (từ 27/4), đứng đầu trong 51 tỉnh, thành có ca mắc, vượt Bắc Giang.
Giai đoạn đầu, TP.HCM mất 51 ngày để vượt ngưỡng 1.000 ca nhiễm (từ 27/4 đến 16/6). Sau đó, cứ khoảng mỗi 4 ngày, số ca mắc lại tăng từ 2.000 lên 3.000, rồi lên 4.000. Và chỉ vài ngày đầu tháng 7, từ ngày 1/7 đến 3/7, TP.HCM vượt mốc 5.000 ca, đến ngày 4/7 vượt 6.000 ca.
Đáng lưu ý, những ca mắc mới gần đây, ngoài những trường hợp trong khu cách ly, phong tỏa thì số ca chưa rõ nguồn lây có ngày đã ở mức 3 con số.
Điển hình như ngày 3/7 ghi nhận kỷ lục 714 ca trong 24h, thì có đến 106 trường hợp ngoài cộng đồng và được phát hiện qua sàng lọc tại các cơ sở y tế.
TP.HCM đang dồn tổng lực lấy mẫu xét nghiệm, truy vết tìm F0 còn ở ngoài cộng đồng. Ảnh: Trương Thanh Tùng
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM mới đây, thành phố đang trải qua 2 đợt dịch: đợt 1 từ 26/5 đến 14/6 với sự bùng phát của chuỗi nhóm truyền giáo Phục Hưng; đợt 2 từ 15/6 đến nay với nhiều chuỗi dịch trong cộng đồng.
Đặc biệt, từ ngày 15/6, các ca bệnh được ghi nhận chủ yếu ở khu nhà trọ, cụm dân cư, khu công nghiệp, tòa nhà văn phòng. Đây là những nơi nguy cơ rất cao, cùng với biến chủng Delta khiến sự lây lan tăng mạnh.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, mỗi ngày có từ 25-62 ca phát hiện qua khám sàng lọc, tổng cộng đã có 530 trường hợp phát hiện trong bệnh viện. Đó là các ca chỉ điểm, từ đó tiến hành truy vết lại các ổ dịch ở các khu nhà trọ, cơ sở sản xuất, chợ đầu mối…
Trưa 4/7, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thông tin, trong quá trình bệnh viện xét nghiệm RT-PCR cho tất cả nhân viên thì phát hiện có 4 ca dương tính và đều đã được tiêm vắc xin.
Hiện thành phố có 8 chuỗi lây đáng chú ý với hơn 500 ca. Ngoài ra, thành phố tạm đóng cửa hơn 100 chợ và 60 siêu thị, siêu thị mini…
Thần tốc truy F0 đúng hướng
Khi phát hiện ra một công nhân Công ty Nidec Sankyo, khu công nghệ cao TP.HCM (ở TP Thủ Đức) dương tính qua khám bệnh tại Bệnh viện Quân y miền Đông, tối 2/7, ngành y tế test nhanh hơn 3.000 công nhân và phát hiện 91 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Sau đó công ty này đã cho dừng hoạt động sản xuất từ 17h ngày 3/7 đến hết ngày 5/7 để tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch.
Đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao cũng thông tin, ngành y tế đã “bóc tách” được nhóm có nguy cơ cao để tránh lây nhiễm chéo.
Ngoài ra, trong những ngày qua, một số khu vực trong diện phong tỏa khi chưa thấy đảm bảo an toàn, nhà chức trách lập tức “lệnh” nới thời gian phong tỏa. Điển hình, quận Bình Tân tiếp tục gia hạn phong tỏa đối với khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc thêm 7 ngày, kể từ 0h ngày 4/7. Trước đó, khu vực này đã áp dụng phong tỏa từ ngày 20/6.
Tương tự, chợ đầu mối Hóc Môn cũng đóng cửa thêm 11 ngày, tới 0h ngày 15/7, thay vì chỉ đến ngày 4/7.
Trong cuộc họp gần đây giữa lãnh đạo TP.HCM với Trung ương, Bộ Y tế nhấn mạnh thành phố phải tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm. Năng lực ở đây không phải là số lượng xét nghiệm mà là khâu tổ chức xét nghiệm để làm sao không bỏ sót F0.
Trong ngày 3/7, TP.HCM ưu tiên chuyển sang lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 100.000 học sinh và cán bộ coi thi tốt nghiệp THPT 2021, nhằm tạo tâm lý yên tâm cho thí sinh cũng như phụ huynh.
Cao điểm xét nghiệm và điều tra, truy vết, khoanh vùng
Thành phố hiện đang tập trung, chủ động và quyết liệt thực hiện 9 nhóm giải pháp trong đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch bệnh từ 29/6 đến 10/7.
Hôm nay đã bước sang ngày thứ 5/12, thành phố đã có những thay đổi trong công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng. Các quận, huyện và TP Thủ Đức đang tăng cường thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong cộng đồng để truy tìm F0.
Đảm bảo 100% ca F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin và các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ; các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Trên cơ sở đó, sẽ quyết định việc điều chỉnh phạm vi phong tỏa.
TP.HCM tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho hàng trăm nghìn người tới tận khu phố. Hình ảnh chờ lấy mẫu tại phường An Lạc, quận Bình Tân. Ảnh: Trương Thanh Tùng
Chiều 4/7, tại cuộc họp của các ngành liên quan, Phó Chủ tịch TP Ngô Minh Châu cho biết, sẽ thành lập Trung tâm điều hành xét nghiệm Covid-19 do một Phó Chủ tịch phụ trách.
Qua đó, ông Châu nhấn mạnh lãnh đạo các quận, huyện cần bình tĩnh, việc xét nghiệm và truy vết, khoanh vùng cần được tổ chức khoa học, nhịp nhàng hơn.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam đề xuất tổ chức lại 2 quy trình, gồm: Quy trình tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 và Quy trình tổ chức điều tra, truy vết các trường hợp liên quan ca nhiễm.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin, tại cuộc họp chiều 3/7, theo báo cáo của Sở Y tế, thành phố đã có khả năng lấy 1,4 triệu mẫu/ngày; năng lực xét nghiệm đạt tới 450.000 xét nghiệm cho mẫu gộp.
"Đây là con số chúng tôi rất tin tưởng thời gian tới khi chúng ta lựa chọn những vùng trọng tâm, trọng điểm; sử dụng nhuần nhuyễn test nhanh, test khẳng định Realtime RT-PCR, TP.HCM sẽ sớm kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh việc cách ly trường hợp F1 tại nhà là rất cần thiết. Thời gian tới, TP.HCM cũng xây dựng kế hoạch có thể sẽ sử dụng công thức 14+14. Nghĩa là những F1 sau 14 ngày cách ly tập trung sẽ được khảo sát nơi lưu trú, nếu đủ điều kiện như quy định của Bộ Y tế, họ sẽ tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày để giảm tải cho khu cách ly tập trung.
Đồng thời, Chủ tịch TP.HCM chỉ đạo thành lập Ban Quản lý các khu cách ly tập trung để xử lý các vấn đề liên quan đến khu cách ly; yêu cầu ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phối hợp với Sở Y tế thẩm định 22 doanh nghiệp đăng ký vừa sản xuất vừa cách ly, hoàn thành trước 5/7.
Về công tác điều trị, hiện 5.000 giường đã gần hết công suất. TP.HCM chỉ đạo triển khai kịch bản hơn 10.000 giường và đang xây dựng kế hoạch 15.000 giường.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu thành phố thực hiện tốt, đồng đều các biện pháp phòng, chống dịch, quyết tâm để đến cuối tháng 7, dịch bệnh giảm rõ, giảm sâu và sang tháng 8, có thể khống chế dịch bệnh.
Hiện thành phố có 8 chuỗi lây đáng chú ý với hơn 500 ca. Cụ thể: chuỗi tại nhà máy Công ty Nidec Sankyo ở Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức; chuỗi tại công ty có trụ sở ở tòa nhà trong hẻm 42 đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh; chuỗi tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch; chuỗi cửa hàng Satra Food (địa chỉ 20-22 Châu Văn Liêm, phường 10, quận 5); chuỗi liên quan chợ đầu mối Hóc Môn - chợ Sơn Kỳ - chợ Tân Hương; chuỗi liên quan chợ Bình Điền, quận 8; chuỗi vựa ve chai Đề Thám, quận 1; chuỗi liên quan Công ty Lạc Tỷ An Lạc, quận Bình Tân. |
Tác giả: Đức Bảo
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy