Dòng sự kiện:
Trái chiều lãi suất tiết kiệm tháng 5
28/05/2021 17:36:40
Lãi suất tiết kiệm đang có xu hướng tăng tại một số ngân hàng vừa và nhỏ, trong khi đó, mặt bằng tại nhóm nhà băng cỡ lớn gần như không thay đổi hoặc giảm nhẹ so với tháng 4.

Thị trường tiền tệ tháng 5 đang ghi nhận xu hướng trái ngược trong hoạt động huy động vốn của các ngân hàng qua kênh tiền gửi. Trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) đã giữ nguyên biểu lãi suất tiền gửi từ tháng 2, thì mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng tại một số ngân hàng thương mại cỡ vừa và nhỏ.

Cụ thể, biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân áp dụng từ 27/5 của SHB ghi nhận mức tăng 0,1-0,3 điểm % ở hầu hết kỳ hạn so với tháng trước.

Lãi suất tăng tại một số ngân hàng

Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng tăng từ 3,35-3,65%/năm lên 3,4-3,8%/năm. Tương tự, các kỳ hạn 6-11 tháng tại ngân hàng này đều được tăng 0,2 điểm %, hiện dao động ở mức 5,2-5,5%/năm.

Tại kỳ hạn 12 tháng, SHB niêm yết lãi suất huy động tăng 0,1 điểm %, lên 5,7%/năm khi gửi tại quầy và tăng 0,35 điểm % khi gửi online, lên 6,15%/năm.

Với các kỳ hạn dài 24-36 tháng, lãi suất tiết kiệm tại đây hiện ở mức 6,3%/năm với tiền gửi tại quầy và 6,5%/năm với tiền gửi qua kênh online, đều tăng 0,3 điểm % so với tháng trước.

Tương tự, Sacombank cũng áp dụng biểu lãi suất tháng 5 với xu hướng tăng 0,1-0,3 %/năm tại hầu hết kỳ hạn gửi so với tháng 4.

Lãi suất tiền gửi đang có xu hướng tăng tại một số ngân hàng cỡ vừa và nhỏ. Ảnh: Hoàng Hà.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi 1 tháng tại đây đã tăng 0,1 điểm % so với tháng 4, hiện ở mức 3,2%/năm. Trong khi đó, các kỳ hạn 2-6 tháng được tăng 0,2 điểm %, hiện ở mức 3,5-5%/năm.

Với các kỳ hạn dài hơn, Sacombank tăng 0,3 điểm % so với tháng 4, hiện lần lượt ghi nhận ở 5,1%/năm (kỳ hạn 7-8 tháng); 5,2%/năm (9-11 tháng); và 5,7%/năm (12 tháng).

Nhà băng này chỉ tăng 0,1 điểm % cho các kỳ hạn dài trên 1 năm. Trong đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Sacombank hiện ở mức 6,95%/năm áp dụng với kỳ hạn 13 tháng, nhưng đi kèm điều kiện số tiền gửi tối thiểu 500 tỷ đồng/tài khoản.

Biểu lãi suất tiền gửi mới công bố của TPBank cũng bổ sung thêm gói tài khoản Đắc Lộc với lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, tăng 0,5 điểm % so với tiết kiệm thường. Đây cũng là lần đầu tiên nhà băng này thay đổi biểu lãi suất kể từ tháng 2.

Trái ngược với xu hướng tăng lãi suất của nhóm ngân hàng kể trên, một số nhà băng tư nhân cỡ lớn lại giảm lãi suất huy động giai đoạn này, tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn.

Diễn biến trái ngược tại VPBank, Techcombank

VPBank mới đưa ra biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ 25/5 với xu hướng giảm 0,1-0,3 điểm % tại hầu hết kỳ hạn.

Cụ thể, tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại đây hiện hưởng lãi suất 3,18-3,58%/năm tùy số tiền gửi, giảm so với mức 3,25-3,65%/năm hồi tháng 4. Tương tự, tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại đây đang hưởng lãi suất 4,7-5,2%/năm; kỳ hạn 12 tháng hưởng 5-5,5%/năm… cùng giảm 0,1 điểm %.

Tuy vậy, VPBank tại tăng 0,1 điểm % tiền gửi kỳ hạn 3 tháng đợt này, hiện phổ biến ở mức 3,6-3,95%/năm. Hiện lãi suất tiền gửi cao nhất tại ngân hàng này là 6,4%/năm, áp dụng với kỳ hạn 36 tháng và số tiền gửi trên 50 tỷ đồng.

Một nhà băng khác giảm lãi suất đợt này là Techcombank, nhưng mức giảm tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn.

Trong đó, tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng tại đây đã giảm từ 2,9-3,2%/năm xuống 2,8-3,1%/năm, áp dụng với cả nhóm khách hàng thường và ưu tiên. Tương tự, tiền gửi kỳ hạn 3-5 tháng tại đây hiện nhận mức lãi 3-3,4%/năm, cũng thấp hơn 0,1 điểm % so với tháng trước.

Trong khi đó, các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng trở lên tại đây không thay đổi so với tháng 4. Hiện lãi suất cao nhất tại Techcombank là 5,6%/năm, áp dụng với khách hàng ưu tiên gửi tiền 36 tháng.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán BVSC cho biết lãi suất huy động trung bình tại các ngân hàng đã có xu hướng tăng nhẹ tại 2 kỳ hạn 6 và 12 tháng. Tuy nhiên, diễn biến tăng chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng có vốn hoá nhỏ, trong khi nhóm vốn hoá lớn vẫn duy trì mặt bằng lãi suất huy động không đổi so với các tháng trước.

Theo các chuyên gia, diễn biến tăng lãi suất huy động tại một số ngân hàng thời gian qua chỉ mang tính cục bộ. Thực tế cho thấy nhóm ngân hàng quốc doanh và tư nhân cỡ lớn, mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp và tương đương các tháng trước.

Theo SSI Research, tín dụng tăng trưởng mạnh giai đoạn vừa qua đã khiến thanh khoản các ngân hàng thương mại bớt dư thừa. Vì vậy, một số ngân hàng đã phải tăng huy động vốn và kéo tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng đến 22/4 đạt 2,32% so với đầu năm, cao hơn rất nhiều so với mức 0,54% tại ngày 19/3.

Việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động kể trên có thể nhằm phục vụ mục đích huy động vốn tăng thêm này.

Tuy vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng nguồn cung tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng vẫn rất ổn định, đặc biệt sẽ có một lượng tiền lớn được bơm ra từ các giao dịch bán ngoại tệ có kỳ hạn, thực hiện trong tháng 7-8 tới. Vì vậy, sẽ chưa có áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, lãi suất có thể tăng lại từ đầu quý III khi dịch bệnh được kiểm soát và tín dụng tiếp tục tăng tốc.

Tác giả: Quang Thắng

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến