Dòng sự kiện:
Trái phiếu doanh nghiệp địa ốc ảm đạm sau vụ Tân Hoàng Minh
28/08/2022 06:36:59
Từ đầu tháng 8, thị trường chỉ ghi nhận một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với giá trị 1.000 tỷ đồng.

Số liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ghi nhận từ đầu tháng 8 đến nay, thị trường chỉ ghi nhận 8 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được công bố với tổng giá trị 3.810 tỷ đồng.

Trong đó, phần lớn doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ đầu tháng 8 vẫn là các ngân hàng thương mại với giá trị 2.510 tỷ đồng (chiếm 52,6% tổng giá trị phát hành), đứng đầu là Vietcombank với khối lượng phát hành 1.500 tỷ đồng.

Nhóm bất động sản dù đứng thứ hai về giá trị phát hành nhưng chỉ có một doanh nghiệp là Công ty CP Fuji Nutri Food, phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn một năm.

Trước đó, trong tháng 7, thị trường cũng chỉ ghi nhận duy nhất doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ là Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An với giá trị phát hành 210 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 8.996 tỷ đồng, giảm 6% (chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 201.002 tỷ đồng, giảm 39% (chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành).

Kể từ tháng 4 đến nay, sau những động thái chấn chỉnh nghiêm của cơ quan quản lý từ vụ việc hủy 9 lô trái phiếu liên quan Tập đoàn Tân Hoàng Minh, việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản càng trở nên ảm đạm.

Nếu so với giá trị phát hành đạt 10.832 tỷ đồng của tháng 7/2021, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của nhóm bất động sản trong tháng 7 năm nay đã giảm tới 98%.

Theo các chuyên gia, tiếp tục phát hành trái phiếu là một trong những giải pháp giúp các doanh nghiệp bất động sản tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ trái phiếu. TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia, cho biết từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 540.000 tỷ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trước tình hình này, doanh nghiệp có hai cách để xử lý.

"Một là mời công ty tư vấn, công ty kiểm toán rà soát lại tài chính và mạnh dạn phát hành tiếp trái phiếu để đáo hạn. Vượt qua được nợ, mới có cơ hội tồn tại lâu dài trong thị trường", TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất.

 Tác giả: Thanh Thương

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến