Quy mô thị trường TPDN có sự tăng trưởng trong thời gian gần đây nhưng còn nhỏ so với quy mô của kênh tín dụng ngân hàng.
Từ định hướng hạn chế ngân hàng cho vay trung, dài hạn và đầu tư TPDN
Các ngân hàng - người mua chính các TPDN trước đây - ngày càng bị hạn chế hơn khi mua TPDN và cho vay trung, dài hạn. Một khoản đầu tư vào TPDN hoặc một khoản cho vay trung, dài hạn sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn (mức tối đa sẽ giảm còn 40% từ năm 2019 từ mức 45% hiện nay). Thêm vào đó, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định chặt chẽ hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm nên các ngân hàng phải cân nhắc giữa việc rót tiền vào doanh nghiệp với việc cho vay khách hàng cá nhân (vốn có thể phân tán rủi ro và đạt được tỷ suất sinh lời cao hơn nhờ lãi suất cao).
Trên thực tế, đến cuối quí 3/2018, nhiều ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng nên khó có thể cung cấp thêm vốn cho doanh nghiệp qua hình thức cho vay lẫn mua TPDN. Ngoài ra, Thông tư 15/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 2/8 cũng yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đầu tư TPDN và nghiêm cấm các ngân hàng mua TPDN để đảo nợ.
Định hướng điều hành của NHNN hạn chế các ngân hàng thương mại (NHTM) đầu tư vào TPDN và cho vay trung, dài hạn là hoàn toàn phù hợp với chức năng của kênh dẫn vốn này. Một nền kinh tế lành mạnh phải bao gồm ba kênh dẫn vốn chính là ngân hàng, bảo hiểm và thị trường chứng khoán, trong đó nguồn vốn trung, dài hạn được cung ứng chủ yếu qua thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, việc cung ứng vốn (cả vốn ngắn hạn lẫn trung, dài hạn) cho nền kinh tế hiện nay vẫn tập trung ở hệ thống NHTM. Trên thị trường chứng khoán, thị trường cổ phiếu đã phát triển tương đối, trong khi thị trường TPDN hiện vẫn khá èo uột.
Tính đến cuối năm 2017, dư nợ của thị trường TPDN tương đương 6,19% GDP, tăng so với quy mô của năm 2011 (3,31% GDP). Khối lượng phát hành bình quân giai đoạn 2011 - 2017 khoảng 49.000 tỉ đồng/năm, trong đó khối lượng phát hành năm 2017 gấp hơn 10 lần so với năm 2011. Mặc dù quy mô thị trường TPDN có sự tăng trưởng trong thời gian gần đây nhưng còn nhỏ so với quy mô của kênh tín dụng ngân hàng (tương đương 130% GDP). Dư nợ thị trường TPDN Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 20 - 50% GDP của các nước trong khu vực và chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế.
Đến sự mở rộng đối tượng tham gia đầu tư TPDN
Các hạn chế của thị trường TPDN Việt Nam hiện nay được nhiều chuyên gia nhắc tới chính là vấn đề minh bạch, sự thiếu vắng một cơ quan xếp hạng tín nhiệm và tính thanh khoản của thị trường. Nếu ngân hàng hay các nhà đầu tư tổ chức lớn thường có đủ năng lực và điều kiện để thẩm định doanh nghiệp trước khi mua trái phiếu, thì nhà đầu tư cá nhân lại không thể làm điều này. Nhà đầu tư cá nhân cũng bị hạn chế về nguồn vốn khi các đợt phát hành TPDN thường đòi hỏi mức vốn đầu tư tối thiểu cao và thời gian nắm giữ dài. Những rào cản này khiến cho các đợt phát hành TPDN trước đây thường chỉ nhắm đến các ngân hàng và một số nhà đầu tư tổ chức.
Nhưng có một thực tế trong thời gian gần đây là sản phẩm TPDN được bán rộng rãi hơn tới nhiều đối tượng. Trái chủ của nhiều doanh nghiệp ngoài ngân hàng còn có công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và rất nhiều nhà đầu tư cá nhân.
Nguồn vốn trung, dài hạn từ các ngân hàng bị hạn chế buộc các doanh nghiệp phải tìm cách phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu cho các nhà đầu tư khác. Trong bối cảnh ấy, ngân hàng từ vai người cho vay trở thành đối tác tư vấn, đại lý phát hành TPDN. Thông thường, khi phát hành chứng khoán nói chung và TPDN nói riêng, doanh nghiệp chỉ cần thuê một công ty chứng khoán (CTCK) làm nghiệp vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành và môi giới. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, sự tham gia của các ngân hàng vào các thương vụ phát hành TPDN ngày càng phổ biến.
Lợi thế của ngân hàng là có lượng khách hàng gửi tiền lớn. Thay vì tư vấn cho khách hàng gửi tiền, ngân hàng giới thiệu cho khách hàng mua TPDN và ngân hàng sẽ thu được phí môi giới. Nguồn thu nhập này càng có ý nghĩa hơn nếu ngân hàng đang dư thừa nguồn huy động hoặc trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu chính là khách hàng vay của ngân hàng (giúp doanh nghiệp có được nguồn vốn kinh doanh trong điều kiện bị hạn chế cho vay trung, dài hạn). Mô hình ba bên (doanh nghiệp - CTCK - NHTM) vì thế đang dần trở nên quen thuộc trong các đợt phát hành TPDN, còn đối tượng mua TPDN được mở rộng hơn thay vì chỉ tập trung vào các ngân hàng và nhà đầu tư tổ chức như trước đây.
Trong một lần trao đổi với báo giới gần đây, lãnh đạo của ngân hàng Techcombank (hiện là nhà thu xếp TPDN số 1 tại Việt Nam và cũng đang dẫn đầu thị phần môi giới trái phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM) nói rõ định hướng của ngân hàng là giảm thiểu rủi ro từ hoạt động cho vay trung, dài hạn. Thay vào đó, nếu doanh nghiệp có nhu cầu vốn trung, dài hạn, Techcombank sẽ làm đầu mối tư vấn, thu xếp và phân phối để phát hành TPDN. Tính đến cuối tháng 10-2018, Techcombank đã phân phối hơn 45.000 tỉ đồng TPDN iBond (trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân) cho hơn 15.000 khách hàng cá nhân. Tốc độ tăng trưởng doanh số bán TPDN iBond so với cùng kỳ năm 2017 là 81%.
Cấu trúc trái phiếu phù hợp với nhà đầu tư cá nhân
Cách làm phổ biến trong quy trình phát hành TPDN theo mô hình ba bên hiện nay là CTCK sẽ thực hiện nghiệp vụ tư vấn, thẩm định doanh nghiệp, còn ngân hàng sẽ đóng vai trò chính trong việc tìm kiếm, giới thiệu khách hàng mua trái phiếu. Do đa phần khách hàng gửi tiền của ngân hàng là khách hàng cá nhân nên cấu trúc TPDN được thiết kế phù hợp với đối tượng này.
Cụ thể, mệnh giá trái phiếu và lượng vốn đầu tư tối thiểu được giảm xuống khoảng 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/hợp đồng, tương đương với số tiền tiết kiệm của phân khúc khách hàng đại chúng.
Kỳ hạn của trái phiếu vẫn từ khoảng 2-5 năm nhưng khách hàng có thể không cần giữ đến ngày đáo hạn. Khi cần rút vốn, khách hàng có thể sử dụng trái phiếu để vay cầm cố ngắn hạn tại ngân hàng, bán trên sàn chứng khoán đối với các trái phiếu đã niêm yết, hoặc bán lại cho CTCK.
Để đảm bảo tính hấp dẫn, lợi suất của các trái phiếu này luôn cao hơn lãi suất tiết kiệm. Tiền lãi được trả định kỳ sáu tháng hoặc một năm/lần, giúp khách hàng có dòng tiền đều đặn và có thể sinh lời kép trên số tiền lãi định kỳ nhận được.
Đi kèm với việc đưa TPDN tới đại chúng, hiện đã có nhiều doanh nghiệp niêm yết trái phiếu trên sàn chứng khoán. Số liệu thống kê từ Sở giao dịch chứng khoán TPHCM cho thấy, đã có tổng cộng 10 doanh nghiệp niêm yết 45 loại TPDN trên sàn này.
Ngoài việc mua trái phiếu, các nhà đầu tư còn có thể tham gia vào các quỹ đầu tư trái phiếu. Ưu điểm nổi trội của hình thức đầu tư vào quỹ đầu tư trái phiếu là sự đa dạng hóa danh mục đầu tư với nhiều loại trái phiếu khác nhau, sự minh bạch do quỹ được giám sát bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị kiểm toán độc lập, thanh khoản linh hoạt (có thể rút vốn định kỳ hàng tuần), không cần vốn lớn (tối thiểu 1 triệu đồng), trong khi lợi tức vẫn đảm bảo cao hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng. Hiện có khoảng bảy quỹ mở trái phiếu trong nước đang hoạt động, kèm theo đó còn có một số quỹ cân bằng kết hợp đầu tư cả cổ phiếu lẫn trái phiếu.
Cần hiểu rõ rủi ro khi đầu tư
Sự phát triển của thị trường TPDN hiện nay đang giúp giảm sự lệ thuộc vào nguồn vốn của ngân hàng, hướng đến mục tiêu dư nợ thị trường TPDN đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030. Đối với các nhà đầu tư, đây là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong điều kiện thị trường cổ phiếu giảm, giá nhà đất tăng cao và lãi suất gửi ngân hàng thấp. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý đến một số vấn đề khi tham gia thị trường này.
Thứ nhất là rủi ro mất vốn của TPDN hoàn toàn khác với một khoản tiền gửi ngân hàng (vốn có rủi ro mất vốn thấp do được đảm bảo bởi bảo hiểm tiền gửi và ít có khả năng Nhà nước cho phá sản ngân hàng trong giai đoạn hiện nay). Nếu chẳng may doanh nghiệp phát hành phá sản, thứ tự thanh toán của TPDN đứng sau các khoản nợ nhân viên, nợ bảo hiểm xã hội, nợ có tài sản bảo đảm… và chỉ xếp trên chủ sở hữu doanh nghiệp nên rủi ro của nhà đầu tư rất cao. Cần lưu ý rằng mặc dù được CTCK hoặc ngân hàng tư vấn, giới thiệu nhưng CTCK và ngân hàng hoàn toàn không có nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp bất trắc xảy ra.
Thứ hai là vấn đề tài sản bảo đảm. Khi ngân hàng và các nhà đầu tư tổ chức lớn cho vay hoặc mua TPDN, họ thường yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm kèm theo (có thể bảo đảm toàn bộ hoặc một phần). Giá trị và tính thanh khoản của tài sản bảo đảm giúp giảm rủi ro cho người cho vay và vì thế cũng giúp giảm lãi suất. Tuy nhiên, các TPDN phát hành cho khách hàng cá nhân hiện nay thường không có tài sản bảo đảm nên rủi ro được đẩy lên cao, có thể không còn tương xứng với phần lãi suất tăng thêm.
Thứ ba là vấn đề phân tích, đánh giá đối với doanh nghiệp phát hành. Mặc dù thông tin phát hành trái phiếu có trong bản cáo bạch công bố khi phát hành, nhưng khi các CTCK, ngân hàng tư vấn, phân phối cho cá nhân nhỏ lẻ thì rất khó để phân tích cho một nhà đầu tư cá nhân thông thường hiểu và tiếp cận tình hình kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp. Một số nhà đầu tư cá nhân có thể tự tìm hiểu thông tin nhưng chủ yếu vẫn là tin tưởng vào đơn vị tư vấn. Việc theo dõi thông tin của doanh nghiệp sau phát hành cũng là chuyện cần quan tâm.
Trong lúc chờ đợi các quy định pháp lý được hoàn thiện, các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp phát hành, ưu tiên đầu tư vào các TPDN có công bố thông tin đầy đủ và định kỳ, và tất nhiên là cần hiểu rõ những rủi ro đằng sau mức lãi suất cao của TPDN.
Rủi ro mất vốn của TPDN hoàn toàn khác với một khoản tiền gửi ngân hàng (vốn có rủi ro mất vốn thấp do được đảm bảo bởi bảo hiểm tiền gửi và ít có khả năng Nhà nước cho phá sản ngân hàng trong giai đoạn hiện nay). |
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy