Dòng sự kiện:
Tranh cãi room tín dụng; TPDN lại vắng bóng BĐS; Ngân hàng rầm rộ báo lãi...
24/07/2022 10:30:50
Ngân hàng bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý 2/2022, tranh cãi về room tín dụng, Nở rộ “sàn cỏ” chứng khoán quốc tế... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.

Cơ chế room tín dụng

Sau bao mong ngóng của thị trường, cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước chính thức khẳn định không nới room tín dụng trong năm nay. Điều này đồng nghĩa, ngân hàng và doanh nghiệp sẽ phải “ăn dè”, cố gắng xoay xở trong room tín dụng ít ỏi còn lại nửa cuối năm dù nhu cầu về vốn là không nhỏ. Cũng từ đây, câu chuyện về cơ chế room tín dụng lại được đặt ra.

Trong 11 năm qua, cơ chế cấp “room” đã trở thành công cụ đắc lực bậc nhất để Ngân hàng Nhà nước dễ dàng kiểm soát tăng trưởng tín dụng, nợ xấu, kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nắn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, góp phần ổn định vĩ mô… Trong bối cảnh hiện tại, khi áp lực với lạm phát, tỷ giá vô cùng lớn, NHNN càng có lý do để giữ lại cơ chế điều hành room tín dụng.

Tới nay, vốn đầu tư của nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào tín dụng, với tỷ lệ vốn tín dụng/GDP hiện thuộc nhóm cao nhất thế giới (124%). Hơn nữa, các ngân hàng vẫn đứng trước rủi ro kỳ hạn bởi huy động chủ yếu là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vay trung, dài hạn là chính; sức khỏe của hệ thống ngân hàng vẫn chưa như mong đợi. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ tiềm ẩn) trong hệ thống ngân hàng lên tới 6,3%.

Với tình hình đó, nếu để tín dụng tăng “thả cửa”, thì các ngân hàng sẽ phải đối mặt với những rủi ro mang tính hệ thống.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng nói, cơ chế cấp room tín dụng mà cơ quan này đang thực hiện là không hề cứng nhắc, tiêu chí cấp room tín dụng cũng khá khoa học. Cụ thể, nhà điều hành đã căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng để xếp hạng và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, có điều chỉnh linh hoạt.

Trên thực tế, dù cơ chế room tín dụng thuận lợi cho nhà điều hành, nhưng có thể lại gây khó cho tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.

Với Ngân hàng Nhà nước, nhiều năm qua, bên cạnh kiểm soát cung tiền, room tín dụng được cơ quan này sử dụng như một “củ cà rốt” nhằm buộc các ngân hàng thương mại phải nâng cao chất lượng hoạt động, nắn vốn vào lĩnh vực ưu tiên. Rất có thể, cơ quan này lo ngại rằng, một khi củ cà rốt đó không còn, thì chiếc gậy quản lý sẽ giảm hiệu lực. Nếu bỏ cơ chế cấp room tín dụng, nhiều ngân hàng có thể lại lao vào cuộc đua tăng tín dụng, tăng lãi suất, từ đó khó giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Song dưới góc độ của các tổ chức tín dụng, cơ chế room tín dụng vẫn là biện pháp hành chính, nặng tính xin - cho, làm giảm tính chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh hàng năm. Doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo vì không biết khi nào ngân hàng thương mại bị cạn room.

Ngân hàng Nhà nước từng bày tỏ lo ngại rằng, việc bỏ cơ chế cấp room có thể khiến tín dụng tăng vọt, bởi tổng room tín dụng mà các ngân hàng thương mại đăng ký hàng năm thường cao gấp đôi mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể điều hành tín dụng thông qua các công cụ kỹ thuật như Hệ số An toàn vốn (CAR), Chỉ số LTD (dư nợ tín dụng/vốn huy động), Chỉ số thanh khoản, Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn… Đồng thời, có thể điều tiết lượng tiền cung ra thị trường thông qua điều chỉnh lãi suất điều hành.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Hệ số CAR hiện được ngân hàng trung ương nhiều nước sử dụng rất hiệu quả khi điều tiết tín dụng, theo đó, những ngân hàng yếu sẽ phải tăng bộ đệm rủi ro nếu muốn tăng trưởng tín dụng và ngược lại. “Cây gậy” này vừa có tính hiệu lực cao, vừa mang tính thị trường hơn.

Hiện tại, dù không hài lòng, nhưng các ngân hàng thương mại vẫn phải “thông cảm” với Ngân hàng Nhà nước về cơ chế điều hành room tín dụng với lý do là nhằm đảm bảo mục tiêu chung, cao nhất là mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và vì an toàn hệ thống.

Cũng do giải pháp hành chính trên đang được sử dụng khá hiệu quả, nên khó có thể kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước thay đổi cơ chế room tín dụng vào lúc này. Tuy vậy, để hài hòa quan hệ, lợi ích trên thị trường, cũng như để đảm bảo công bằng, sẽ không thể kéo dài mãi cơ chế room tín dụng, bởi ngoài Việt Nam và Trung Quốc, hầu như không còn quốc gia nào trên thế giới áp dụng cơ chế room tín dụng.

Báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, trong 2 tuần đầu tháng 7/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 2,85 tỷ đồng.

Công ty cổ phần tài chính điện lực (EVN Finance; mã chứng khoán: EVF) là doanh nghiệp phát hành nhiều nhất với 1,725 tỷ đồng trái phiếu xanh riêng lẻ, chiếm 61% tổng giá trị.

Đặc biệt, EVF là tổ chức đầu tiên phát hành trái phiếu xanh tại thị trường Việt Nam dựa trên nguyên tắc trái phiếu xanh do Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) công bố. Đợt phát hành này nhận được bảo lãnh thanh toán một phần dài hạn với giá trị 50 triệu USD (tương đương tối đa 1.150 tỷ đồng) từ GuarantCo. Trái phiếu phát hành có kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 6.75/năm.

Hai đợt phát hành còn lại đến từ VCB và BIDV: VCB phát hành 100 tỷ đồng trái phiều kỳ hạn 15 năm và BIDV phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm.

Tính từ đầu năm đến 15/7/2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng đạt 8,996 tỷ đồng, giảm 6,14%, chiếm khoảng 5% tổng giá trị phát hành; giá trị phát hành TPDN riêng lẻ là hơn 172 nghìn tỷ đồng, giảm 33%, chiếm 95% tổng giá trị phát hành.

Như vậy, trong nửa đầu tháng 7, ngân hàng và công ty tài chính lại độc chiếm phát hành trái phiếu doanh nghiệp. doanh nghiệp bất động sản sau khi dè dặt khởi động lại thị trường trái phiếu hai tháng qua, nay lại tiếp tục “án binh bất động”.

Theo dữ liệu của FiinGroup, tính đến hết tháng 6/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận giá trị phát hành đạt 27,8 nghìn tỷ đồng trên thị trường sơ cấp, giảm hơn 28% so với tháng trước và giảm gần 72% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 180 nghìn tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong quý II/2022 tiếp tục suy giảm khi tổng số đợt phát hành trong quý chỉ đạt 16 đợt, giảm 63% số đợt trong quý I, tương ứng với giá trị gần 8,6 nghìn tỷ, giảm sâu tới 79% so với quý trước.


Theo FiinGroup, về quy mô, tổ chức tín dụng và các nhà phát triển bất động sản vẫn là những nhà phát hành lớn nhất thị trường, khi chiếm lần lượt 44% và 27% cơ cấu phát hành, cho thấy sự suy giảm đáng kể của ngành BĐS khi cơ cấu của ngành này chiếm 37% trong năm 2021 và là ngành có giá trị phát hành lớn nhất trong năm.

Theo dữ liệu của FiinGroup, tính đến hết tháng 6/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận giá trị phát hành đạt 27,8 nghìn tỷ đồng trên thị trường sơ cấp, giảm hơn 28% so với tháng trước và giảm gần 72% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 180 nghìn tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong quý II/2022 tiếp tục suy giảm khi tổng số đợt phát hành trong quý chỉ đạt 16 đợt, giảm 63% số đợt trong quý I, tương ứng với giá trị gần 8,6 nghìn tỷ, giảm sâu tới 79% so với quý trước.

Theo FiinGroup, về quy mô, tổ chức tín dụng và các nhà phát triển bất động sản vẫn là những nhà phát hành lớn nhất thị trường, khi chiếm lần lượt 44% và 27% cơ cấu phát hành, cho thấy sự suy giảm đáng kể của ngành BĐS khi cơ cấu của ngành này chiếm 37% trong năm 2021 và là ngành có giá trị phát hành lớn nhất trong năm.

Trước đó, dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thống kê cho thấy, trong tháng 6/2022 (tính từ đầu tháng đến 24/06/2022), có 1 đợt phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 100 triệu USD của Công ty cổ phần VinGroup và 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị là 18.210 tỷ đồng

Nở rộ “sàn cỏ” chứng khoán quốc tế siêu lợi nhuận

Vô số sàn tự xưng “chứng khoán quốc tế”, forex quốc tế như StockX, Qbig Invest, Hnxet.com, FinQ, ArgusFX, MTTrading, Orin globals… mọc lên như nấm, hoạt động rầm rộ, nhắm vào những nhà đầu tư nhẹ dạ, cả tin.

Mới đây, anh Trần Quốc Vinh được gọi điện mời tham gia sàn chứng khoán Hà Nội HNXet.com. Các đối tượng quảng cáo, đây là trang web giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tỷ suất sinh lời cao và rất an toàn vì được Nhà nước quản lý. Thậm chí, trang web này còn có logo của HNX. Tuy nhiên, khi truy cập trang web, anh biết ngay đây là trang web lừa đảo khi không có thông tin nào được đưa ra.


Không phải ai cũng tỉnh táo như anh Vinh. Ông Nguyễn T. (Cà Mau) cho hay, qua Facebook, năm ngoái, ông bị một số đối tượng lừa tham gia sàn StockX với lợi nhuận 200 - 600%. Đầu tiên, một nữ môi giới tên Hân tiếp cận ông qua mạng xã hội, mời chào mở thử tài khoản sẽ được tặng ngay 3 triệu đồng. Nửa tin nửa ngờ, ông tải ứng dụng về và nạp thử 5 triệu đồng, ai ngờ ngay lập tức sàn tặng 3 triệu đồng và ông rút về thành công cả lãi là 8 triệu đồng.

Thấy lãi cao, rút tiền về thành công nhanh chóng, ông T. đã nạp tổng cộng 6 lần vào tài khoản với tổng số tiền đầu tư 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đầu năm nay, khi số tiền lời lên đến 4 tỷ đồng, ông thực hiện yêu cầu rút tiền, thì sàn không cho và yêu cầu đóng 20% thuế (800 triệu đồng).

“Lúc đó, tôi đã nghi ngờ lừa đảo nên không đồng ý, song nhân viên sàn dọa sẽ đóng băng tài khoản nếu không thực hiện lệnh rút. Với hy vọng gỡ gạc, tôi vay mượn 800 triệu đồng nạp vào tài khoản, nhưng sàn vẫn loanh quanh không cho rút và chặn số điện thoại, đóng tài khoản của tôi. Lúc này, tôi mới biết bị lừa”, ông T. nói.

Phản ánh với Báo Đầu tư, nhiều nhà đầu tư cũng cho biết, đã bị một số sàn “quốc tế” như Qbig Invest, Hnxet.com, FinQ, MTTrading, Rosystyle Wealthe Limited, Orin globals… lừa đảo với các chiêu thức tương tự. Anh Trần Văn Vạn (Ý Yên, Nam Định) là một ví dụ.

“Sau khi nghe dụ dỗ của môi giới sàn ArgusFX, tôi đã nạp 20.000 USD (hơn 460 triệu đồng) vào tài khoản của Hoàng Văn Mạnh, Lê Hải Long để tham gia đầu tư. Trong quá trình đầu tư, tôi kiếm được số tiền lời hơn 250.000 USD (gần 5,8 tỷ đồng). Song khi tôi thực hiện lệnh rút tiền, sàn thông báo từ chối và yêu cầu nộp phí 15% (tương đương 860 tỷ đồng) thì mới cho rút. Khi tôi kiên quyết không nộp và dọa kiện, sàn lập tức đóng băng tài khoản của tôi, chặn mọi liên lạc trên Zalo, Facebook”, anh Vạn kể.

Chiêu thức mà các sàn lừa đảo Hnxet.com, FinQ, MTTrading, Rosystyle Wealthe Limited, Orin globals… đang thực hiện không hề mới. Đây là các ứng dụng lừa đảo cho phép chủ sàn can thiệp trực tiếp tài khoản của khách hàng. Nhà đầu tư giao dịch trên sàn này thực chất là chơi với chủ sàn, chứ không phải giao dịch cổ phiếu trên sàn quốc tế như họ lầm tưởng. Vì thế, toàn bộ tiền thua hay thắng của nhà đầu tư đều do chủ sàn tự điều khiển. Sau khi chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan công an.

Các chiêu thức lừa đảo trên được các bộ, ngành cảnh báo liên tục nhiều năm gần đây. Từ năm ngoái đến nay, hàng loạt sàn forex, tiền ảo, đánh bạc, chứng khoán quốc tế… quy mô hàng ngàn tỷ đồng đã bị lực lượng công an triệt phá. Dấu hiệu lừa đảo của các sàn này cũng rất rõ: sàn quốc tế nhưng trang web chủ yếu là thông tin tiếng Việt, số tài khoản nhận tiền cũng là của người Việt, địa chỉ công ty chủ yếu ở các quốc đảo vốn được mệnh danh là thiên đường trốn thuế... Tuy vậy, do thiếu hiểu biết và bị lòng tham che mờ, nhiều nhà đầu tư vẫn sập bẫy.

Cuối tháng 6/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cảnh báo nhà đầu tư về các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế. Cơ quan này “chỉ mặt” một số sàn mạo danh chứng khoán quốc tế như BE Exchange, DK-Trade, FTXtrade.com, LCM, Multibankfx… đang mời chào nhà đầu tư Việt. Theo thông tin từ cơ quan cảnh sát điều tra và đơn từ khiếu nại của nhà đầu tư, một số đối tượng đã thực hiện can thiệp vào giá mã chứng khoán thông qua ứng dụng do các đối tượng này vận hành, dẫn đến nhà đầu tư bị thua lỗ, rồi lợi dụng chiếm đoạt tiền đầu tư của họ.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi cho rằng, trên thực tế, không có hình thức đầu tư nào mang lại lợi nhuận 200-600%. Phần lớn nhà đầu tư khi nhận được mời chào tham gia đầu tư các sàn lừa đảo này đều nghi ngờ là sàn lừa đảo. Tuy vậy, tâm lý của nhà đầu tư là muốn tham gia chớp nhoáng, đánh nhanh rút gọn, song các đối tượng lừa đảo còn “lừa nhanh, rút gọn” hơn. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư khi phát hiện mình bị lừa thì đã quá muộn.

Hàng loạt ngân hàng rầm rộ báo lãi

Tuần qua, một số ngân hàng tiếp tục báo lãi nửa đầu năm 2022, tiêu biểu là:

* VPBank báo lãi hơn 15.300 tỷ đồng, đạt trên 50% kế hoạch năm

VPBank cho biết 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế tăng 70% so với cùng kỳ, đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tương đương 52% kế hoạch năm.


Dư nợ tín dụng ngân hàng hợp nhất đạt 436 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng mẹ là 14,3%, cao hơn mức trung bình 9,35% toàn ngành. Thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 31,6 nghìn tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập từ lãi tăng ổn định, nhờ tín dụng tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2021. Tương tự, thu nhập thuần từ phí tăng ấn tượng 34,5% so với 6 tháng đầu năm 2021 khi ghi nhận gần 2.800 tỷ đồng, do tăng doanh thu từ hoạt động thanh toán, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, quản lý tài khoản và dịch vụ thẻ. Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng tính đến cuối tháng 6 là 20,6%, nằm trong top thấp nhất thị trường hiện nay.

* Techcombank báo lãi trước thuế đạt 14,1 nghìn tỷ đồng

Techcombank báo lãi trước thuế 14.100 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng quý II, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 7.321 tỷ đồng, tăng 8% so với quý liền trước và cao hơn 22% so với cùng kỳ.

Năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu thu về 27.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 16% so với năm 2021. Như vậy, sau nửa đầu năm, nhà băng này đã hoàn thành 52% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng tài sản cân đối với nguồn vốn của Techcombank đạt khoảng 623.700 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng dư nợ tín dụng tại ngân hàng mẹ đạt 421.200 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2021.

Trên báo cáo hợp nhất, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân đã tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 205.400 tỷ đồng và chiếm gần 47% danh mục tín dụng của ngân hàng.

* MSB: Trích lập dự phòng giảm 88% giúp lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng

Không còn khoản thu nhập bất thường, lợi nhuận thuần của MSB giảm so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, trích lập dự phòng giảm tới gần 88% giúp lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tiếp tục tăng.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022.

Lũy kế 6 tháng, thu nhập lãi tuần của MSB đạt 4.023 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021, nguyên nhân là tín dụng tăng mạnh. Tính tới cuối tháng 6/2022, tổng cho vay khách hàng của MSB đạt gần 110.500 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Nhu cầu tín dụng tăng trưởng với sự gia tăng đáng kể của dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, tăng 28% và dư nợ tín dụng cấp cho khách hàng doanh nghiệp tăng khoảng 18% so với cùng kỳ.

Lãi thuần từ dịch vụ 6 tháng của ngân hàng đạt 580 tỷ đồng giảm 73,6%. Năm 2021, MSB ghi nhận 1 khoản thu phí từ hợp đồng hợp tác bán Bancassurance với Prudential và được tính vào quý 2/2021. Nếu loại bỏ khoản thu bất thường này thì hoạt động dịch vụ của MSB vẫn tăng trưởng so với năm 2021.

Kinh doanh ngoại hối là mảng khởi sắc mạnh mẽ nhất. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 561 tỷ đồng, tăng 180%; Lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng lên 661 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 8,4 tỷ đồng.

Mặc dù lợi nhuận thuần 6 tháng giảm sút so với năm ngoái song do dự phòng rủi ro giảm gần 88% chỉ còn 55 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng, ngân hàng vẫn ghi nhận gần 3.336 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 7% so với cùng kỳ.

Tác giả: T.L

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến