Tranh luận về lợi - hại thuỷ điện
Không thể phủ nhận những lợi ích lớn từ thủy điện như đóng góp một phần quan trọng vào nhu cầu năng lượng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, khi ngập lụt nghiêm trọng diễn ra ở miền Trung, vấn đề an toàn của các đập, hồ thủy điện cũng như việc vận hành xả lũ một lần nữa được đặt ra.
Có hai luồng ý kiến lớn: Luồng ý kiến thứ nhất là ủng hộ chủ trương phát triển thuỷ điện, giải quyết vấn đề năng lượng và phát triển. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng cần hạn chế tối đa thuỷ điện nhỏ, vì đây là nguyên nhân gây “lũ chồng lũ”. Vừa qua, mưa lớn kéo dài cộng với nhiều hồ thủy lợi, thủy điện xả tràn làm nhiều khu dân cư ở miền Trung thêm ngập lụt, chia cắt.
Tại tọa đàm, câu chuyện thủy điện có gây thêm lũ lại tiếp tục "nóng" lên, PGS. TS. Vũ Thanh Ca - giảng viên Đại học Tài nguyên và Môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo - cho biết: Thiên tai ngày càng có xu hướng gia tăng do biến đổi khí hậu.
Miền Trung đã và đang trải qua những khó khăn vô cùng lớn do lũ lụt. Nhiều người nói thuỷ điện là nguyên nhân khiến tình trạng lũ thêm trầm trọng, tuy nhiên ông Ca cho rằng, không có đập thủy điện, lũ vẫn thế thậm chí cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện, lũ cao hơn rất nhiều.
Các diễn giả tham dự tọa đàm về “Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt”.
Vị chuyên gia cũng nhận định Việt Nam không phải là nước phát triển quá nhiều thuỷ điện. Thậm chí, so với thế giới, số lượng thuỷ điện của Việt Nam chưa thấm vào đâu.
Để làm rõ hơn thuỷ điện có gây thêm lũ, ông Vũ Thanh Ca đề cập tới quy trình xả lũ của đập thủy điện. Cụ thể, khi mưa về, hồ xả nước tới mức đón lũ. Nước trong hồ dâng lên vượt một mức nào đó thì hồ bắt đầu xả nước để giảm tốc độ nước dâng trong hồ. Lưu lượng xả nước tăng theo mực nước trong hồ.
Khi mực nước trong hồ đạt tới ngưỡng thứ 2, hồ xả nước với lưu lượng bằng lưu lượng nước về hồ. Lúc đó có thủy điện hay không có thủy điện lượng nước về hạ lưu vẫn thế. Thủy điện không xả quá lượng nước về vì nó vẫn cần tích nước phục vụ phát điện.
Theo ông Ca, nước trong hồ là tài sản của các công trình thuỷ điện. Mưa lớn thì bắt buộc phải xả nước ra, nhưng xả nhiều nhất cũng chỉ bằng mức lũ về.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nêu ra một loạt tác động không thể phủ nhận trong quá trình thực hiện các dự án thuỷ điện như: Lợi dụng phá rừng lấy gỗ, ảnh hưởng đến thuỷ sinh, việc đào đất làm hồ sẽ tạo nên sự bất ổn định có thể gây nên sạt lở một số khu vực, ảnh hưởng cấu trúc địa chất…
"Theo đánh giá của các tổ chức ở các nước phát triển, không báo cáo nào chỉ ra tác hại của thuỷ điện là gây lũ lụt" - ông Ca nói. Ông Ca cho biết bản thân không ủng hộ phát triển nhiều thủy điện, thay vào đó phát triển các dạng năng lượng khác. Khi phát triển bất kỳ một dự án thuỷ điện nào, ông Ca cho rằng cũng cần hết sức thận trọng trong thiết kế thi công, đánh giá tác động môi trường.
Việt Nam còn khoảng hơn 800 thuỷ điện, sắp tới sẽ tiến hành rà soát lại
Với tư cách là diễn giả tại tọa đàm, ông Nguyễn Tài Sơn - chuyên gia về thuỷ điện cũng nói thuỷ điện không gây ra thêm lũ. Theo vị này, tất cả các thiệt hại vừa qua tại trận lũ lụt lịch sử của miền Trung là vô cùng đau lòng. Điều đáng tiếc theo ông Sơn, địa hình miền Trung dốc hẹp, chủ yếu là các hồ thuỷ điện nhỏ, việc xây được các hồ to có dung tích lớn chống lũ là vô cùng khó khăn.
Về phía đại diện Bộ Công Thương, ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - khẳng định: Thời gian vừa qua, Bộ này không xem xét bổ sung bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên kể từ năm 2016.
Theo thông tin từ vị này, Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh rà soát lại quy hoạch thủy điện, loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 472 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện, đây là các dự án có chiếm nhiều diện tích đất hoặc có ảnh hưởng lớn đến môi trường, kinh tế, xã hội. Hiện còn khoảng hơn 800 thuỷ điện các loại, trong đó có hơn 600 đang vận hành.
Ông Quân cũng khẳng định những dự án thuỷ điện nhỏ dưới 3MW là dừng, là loại bỏ khỏi quy hoach. Ngoài ra các dự án thủy điện có ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường, vấn đề an toàn dân sinh vùng hạ du… cũng hầu hết đã được rà soát loại bỏ khỏi quy hoạch.
"Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ yêu cầu các tỉnh có chương trình đánh giá, rà soát với tất cả các dự án trên địa bàn mình để có kế hoạch phát triển về sau, đề ra hướng phát triển thời gian tới" - ông Quân nói.
Sau phần tham luận của các diễn giả có mặt tại tọa đàm, rất nhiều ý kiến, trong đó không ít người là các chuyên gia “chất vấn” nhiều câu hỏi liên quan đến tác động tiêu cực của thuỷ điện.
Nhiều ý kiến cho rằng, không thể nói thuỷ điện vô can bởi việc phá rừng làm thủy điện sẽ khiến dòng chảy lớn hơn, mạnh hơn. Thậm chí, về lý thuyết các hồ chứa sẽ giảm lũ nhưng trong quá trình vận hành liệu có xảy ra các vấn đề khác không đúng quy trình. Cũng có ý kiến đặt ra về tốc độ lũ lớn hơn khi tiền hành xả lũ ở các thuỷ điện.
Hầu hết ý kiến đều cho rằng, cần sớm rà soát lại hệ thống thủy điện nhỏ xem vận hành ra sao, rủi ro như thế nào để có giải pháp ứng phó kịp thời. Họ lo ngại nhiều công ty xây dựng không quan tâm đến chất lượng mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận thu được từ điện, gỗ rừng, các kim loại quý khi thực hiện thi công…
Mấu chốt vấn đề đặt ra là cần quản lý chặt việc xây dựng, vận hành các dự án thủy điện, đặc biệt trong xả lũ hồ thủy điện.
Tác giả: Nguyễn Mạnh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy