Dòng sự kiện:
Trao quyền điều tra cho ngành thuế, chứng khoán?
30/05/2015 10:53:22
Điểm đáng chú ý trong thảo luận tổ về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) chiều qua 27/5 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13, là việc nên hay không nên mở rộng diện cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Tin liên quan

Lo nghiệp vụ không sâu, dễ sai sót

Tờ trình của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết vấn đề này có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến giữ nguyên như hiện hành, không mở rộng thêm các cơ quan này; loại ý kiến đề nghị nên mở rộng cho cơ quan thuế, chứng khoán, kiểm ngư nhằm xử lý nhanh chóng, kịp thời tội phạm, phát huy khả năng và điều kiện đặc thù của các cơ quan quản lý nhà nước trong khám phá vụ án, cần mở rộng phạm vi.

Đối với tội phạm trong lĩnh vực thuế, chứng khoán, ngoài kiến thức pháp lý chung, đòi hỏi cán bộ điều tra phải am hiểu sâu sắc kiến thức chuyên ngành tài chính, kinh tế. Do đó, giao cho cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) điều tra ban đầu sẽ giúp các cơ quan tố tụng nhanh chóng phát hiện tội phạm.

Theo các đại biểu (ĐB) Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận), Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu), không nên giao thêm quyền điều tra. Bởi lẽ, không rõ các cơ quan khác nhưng với kiểm ngư, hoạt động trên biển, việc thực thi chấp pháp trên biển đã có hải quan, biên phòng, cảnh sát biển.

"Vậy kiểm ngư điều tra cái gì?". ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) không đồng tình với việc giao quyền cho kiểm lâm và cho rằng nên giao cho thuế, chứng khoán vì điều tra viên có nghiệp vụ nhưng điều tra lĩnh vực chuyên sâu như thuế cũng tắc. Việc mở rộng để phát hiện vi phạm trong lĩnh vực chuyên sâu, còn nếu không các lực lượng điều tra khác muốn làm thì "mở rộng biên chế bao nhiêu cho đủ?".

Ảnh minh họa.

ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng mở rộng nhưng phải đảm bảo quyền dân chủ cho dân, đảm bảo điều kiện cho cơ quan tư pháp nếu không "chúng ta lại bó tay chúng ta trong công vụ". Việc điều tra đòi hỏi cán bộ phải có nghề, có học, nếu không dễ làm sai, dễ dẫn đến vi phạm. Do vậy, không nên bổ sung vào quyền điều tra.

Còn theo Thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an Thanh Hóa, trong lực lượng công an có nhiều đơn vị được giao nhưng hầu như không làm gì như cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông, phòng cháy chữa cháy… nhưng chưa có đơn vị nào khởi tố, phải có nghiệp vụ, điều tra viên. Xu hướng giao thêm là không phù hợp mà cần theo hướng chuyên sâu.

Cần trao quyền cho cơ quan chuyên môn sâu

Đồng tình với việc mở rộng quyền điều tra cho cơ quan thuế, chứng khoán, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng cơ quan thuế có những uy lực nhất định nhưng thực tế, vi phạm trong lĩnh vực thuế vẫn diễn biến phức tạp do không có quyền điều tra.

Hay như lĩnh vực chứng khoán, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán thường hết sức tinh vi, UBCKNN biết nhưng không thể làm gì hơn được.

Còn nếu chỉ thông qua các báo cáo cũng không thể phát hiện được vì lực lượng thanh tra không có thẩm quyền để đi sâu hơn. Nếu không giao quyền điều tra ban đầu sẽ khó phát hiện, hạn chế được các hành vi trong lĩnh vực này.

Chẳng hạn, UBCKNN khi phát hiện một số dấu hiệu vi phạm trên thị trường chứng khoán nhưng không có quyền điều tra sẽ không thể xác minh được.

Thí dụ, triệu tập cá nhân vi phạm nhưng họ không hợp tác, không đến cũng không thể làm gì được. Mặt khác, trao thêm quyền này cũng phù hợp với cam kết hội nhập của Việt Nam với tổ chức các ủy ban chứng khoán thế giới.

Theo ĐB Lê Nam, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, việc mở rộng cơ quan điều tra cho cơ quan thuế là cần thiết. Trong đấu tranh chống vi phạm pháp luật về thuế, trên thế giới họ đều có lực lượng chuyên trách đấu tranh nên cần lực lượng chuyên trách. Tình trạng trốn lậu thuế ở Việt Nam rất nghiêm trọng. Nếu không quyết liệt, việc đảm bảo ngân sách rất gay go.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực thuế, chứng khoán các vi phạm đều rất tinh vi nên cần người có chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu. Cơ quan công an cũng khó có thể điều tra sâu hơn. Việc cho phép các cơ quan này được quyền điều tra sẽ tạo thuận lợi hơn trong việc phát hiện ban đầu thuận lợi hơn. Ở các nước, nếu trốn thuế phải vào tù nhưng ở nước ta, điều đó là bình thường.

Góp ý về phương án mở rộng cơ quan điều tra, nhiều ĐB cho rằng người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc cơ quan thuế gồm cục trưởng, phó cục trưởng cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan UBCKNN gồm chủ tịch, phó chủ tịch.

Khi phát hiện tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng, cơ quan thuế, UBCKNN... ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành những hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

Theo Báo Sài Gòn Đầu Tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến