Dòng sự kiện:
Trẻ mầm non bị bạo hành ở TP HCM: Đánh mất cái tâm người thầy, người mẹ
27/11/2017 12:28:26
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, các bảo mẫu ở trường mầm non Mầm Xanh diễn rất giỏi, vừa niềm nở đón các bé từ vòng tay bố mẹ nhưng khi bước vào lớp thì đánh đập chúng dã man.

Vụ việc bé gái hơn 1 tháng tuổi ở Hà Nam bị người giúp việc "tung hứng" dã man chưa kịp lắng xuống thì dư luận lại dậy sóng với những hình ảnh các trẻ mầm non bị đày đọa tại một trường mầm non tư thục ở TP HCM.

Vụ việc được báo Tuổi trẻ ghi nhận tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh ở quận 12, TP HCM. Được biết người quản lý cơ sở là bà Phạm Thị Mỹ Linh (khoảng 40 tuổi, quê Lâm Đồng) và 2 bảo mẫu tên Quỳnh và Đào (khoảng 20 tuổi).

Trường mầm non Mầm Xanh nơi xảy ra vụ việc bạo hành trẻ dã man

Cơ sở mầm non này nhận nuôi khoảng 30 đến 40 trẻ, hầu hết đều là con em của các công nhân làm việc xung quanh khu vực. Trung bình mỗi tháng các gia đình phải bỏ ra mức phí khoảng 1 triệu 250 nghìn đồng để gửi con nhưng những gì trẻ nhận được chỉ là những phút giây hành hạ trong nước mắt và sợ hãi.

3 bảo mẫu tại đây dùng tay chân đánh, đá mạnh vào cơ thể non yếu của trẻ mà chẳng cần lý do gì. Hoặc tiện tay có khăn vải, bình nhựa, muỗng hay thậm chí là dao thì những người phụ nữ này cũng đều sẵn sàng "xuống tay" với các bé. Mặc trẻ kêu la và than khóc, những hành động dã man này thường xuyên lặp lại ngày qua ngày.

Đổ lỗi cho cảm xúc...

Nhiều vụ bạo hành, các giáo viên mầm non này thường đổ lỗi cho cảm xúc, do nóng giận, không kiềm chế được bản thân nên có những hành vi bạo hành trẻ. Trao đổi với phóng viên An ninh tiền tệ, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng ông hiểu và cảm thông phần nào với những bức xúc của họ.

“Công việc của giáo viên mầm non rất vất vả, không giống như những giáo viên ở các bậc học khác. Giáo viên mầm non thường cảm thấy bất lực, không biết cách giải quyết tình huống nếu trẻ liên tục quấy khóc, nghịch phá, la hét, không nghe lời, không chịu ăn... Đặc biệt là khi tình trạng này bị lặp đi lặp lại khiến giáo viên khó kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình.

Thêm vào đó là những tác động từ ngoại cảnh. Ngay như trong bữa cơm gia đình quây quần ấm áp vẫn canh cánh bao nhiêu nỗi lo như không biết miếng thịt, cọng rau này có an toàn không… Với những cô giáo đã lập gia đình, những nỗi bức xúc từ chồng con chất chứa trong lòng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của họ”, ông Nguyễn An Chất chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất

Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý cũng khẳng định đã là giáo viên thì phải biết cách kiềm chế cảm xúc. Kỹ năng này cần phải được rèn luyện lâu dài và có sự hỗ trợ, động viên, chia sẻ kịp thời của đồng nghiệp. Nhiều trường mẫu giáo nhất là các cơ sở mầm non tư thục thường đưa những người chẳng học sư phạm một giờ nào vào đứng lớp. Họ chỉ có kinh nghiệm giữ trẻ, chứ không phải có kinh nghiệm nuôi dạy để phát triển trẻ. Họ dạy theo bản năng mà bản năng có biết ra lệnh, uy hiếp chứ không biết khơi gợi, khích lệ, không biết khen mà cũng chẳng biết cách chê.

Theo chuyên gia Nguyễn An Chất, bức xúc không kiềm chế được chỉ là một nguyên nhân. Thứ 2 là do họ không hiểu pháp luật, thứ 3 là thiếu cái tâm trong sáng của người thầy, thứ 4 là họ đánh mất cả cái tâm của người mẹ, người bà.

Trẻ mất niềm tin vào người lớn

Khi được hỏi, những đứa trẻ được nuôi dạy tại cơ sở mầm non Mầm Xanh sẽ bị ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển tâm lý sau này, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho biết, với mỗi lứa tuổi, ảnh hưởng tâm lý sẽ khác nhau. Với trẻ mầm non, các cháu sẽ tự đặt câu hỏi là tại sao người lớn lại không yêu thương mình?

“Các bảo mẫu ở trường mầm non tư thục này diễn rất giỏi. Họ niềm nở, âu yếm khi đón các bé từ vòng tay bố mẹ. Thế nhưng khi vừa bước vào lớp thì quay ngoắt 180 độ. Những cái tát, cú đạp như mưa vào đầu, mặt, người các bé khiến chúng thấy sự giả dối của thầy cô, dần dần chúng mất lòng tin vào người lớn. Đã có trường hợp, khi mẹ ôm chầm lấy con và nói “mẹ yêu con” thì đứa trẻ sững người vội vã hỏi lại mẹ nói thật không”, chuyên gia bức xúc.

Bà Linh cầm can nhựa đánh thẳng đầu bé gái. Ảnh cắt từ clip của TuoitreTV

Trước mắt, ta có thể thấy, trẻ hoảng sợ, ngủ không ngon giấc, sợ đi học, rối loạn tâm lý và cảm xúc; thu mình, sợ hãi hoặc hung hăng, chống đối, mất thăng bằng… Về lâu dài, đứa trẻ lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, co rúm “xù lông nhím” với cuộc sống xung quanh.

Sau này lớn lên, trẻ sống khép kín, ngại giao tiếp, có thể có hành vi chống đối xã hội, bạo lực. Ở độ tuổi mầm non, những ảnh hưởng tâm lý này sẽ ám ảnh suốt đời nên việc dạy dỗ trẻ phải hết sức thận trọng, nhà tâm lý Nguyễn An Chất cảnh báo.

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến