Thông tin từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã lập biên bản làm việc và biên bản vi phạm hành chính về việc CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) liên quan đến bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) triển khai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe Corona Care trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn.
Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3786/BTC-QLBH và Công văn số 3790/BTC-QLBH ngày 31/3/2020; Công văn số 3946/BTC-QLBH ngày 3/4/2020 yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm quán triệt trong toàn hệ thống, đại lý của doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh Covid-19".
Lãnh Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, ngay sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, ngày 14/5 và 15/5, Bộ Tài chính đã thành lập đoàn công tác làm việc tại VASS liên quan đến Shark Liên.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe do doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai có phạm vi bảo hiểm không loại trừ trường hợp ốm đau, bệnh tật, tử vong do dịch bệnh.
Vì vậy, người tham gia bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm này sẽ được chi trả các quyền lợi trợ cấp theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp bị mắc Covid-19.
Các quyền lợi này là độc lập, không có mâu thuẫn gì với các quyền lợi đã được Nhà nước chi trả. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và chưa ghi nhận trường hợp vi phạm nào của các doanh nghiệp.
Được biết, ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN thuộ VASS của Shark Liên chính thức ra mắt gói sản phẩm mới "Corona Care - Chung tay đẩy lùi Corona" vào ngày 5/2.
Bảo hiểm Viễn Đông của Shark Liên bị Bộ Tài chính lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính.
Trong thông cáo báo chí, VASS cho biết, Corona Care là gói sản phẩm bảo hiểm 3 “không”: không chi phí hoa hồng, không chi phí quản lý, không chi phí bán hàng, chung tay cùng cộng đồng.
Gói sản phẩm Corona Care được định phí thấp, chỉ với 200 ngàn đồng/người/năm, tập trung vào người dùng cuối. Quyền lợi bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng/người cho bất kỳ khách hàng có xét nghiệm dương tính với Corona sau thời điểm mua bảo hiểm, mà không giới hạn độ tuổi.
Đặc biệt, phí thu về của gói sản phẩm này nếu không chi trả hết cũng sẽ dành để vào Quỹ trích lập dự phòng rủi ro và tái phục vụ cho cộng đồng bằng việc đầu tư vào các nghiên cứu về y tế phục vụ cho việc ngăn ngừa các đại dịch có thể xảy ra với cộng đồng; Thực hiện việc tuyên truyền cho người dân hiểu được các cách thức đối phó phòng dịch bệnh trong tương lai.
Tuy nhiên, Bảo hiểm Viễn Đông của Shark Liên đã dừng triển khai sản phẩm này kể từ ngày 1/4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
"Thực hiện theo chỉ đạo này, từ 0 giờ ngày 1/4, VASS sẽ ngừng cung cấp gói sản phẩm Corona Care đến tất cả khách hàng trên toàn quốc. Chúng tôi sẽ có những gói sản phẩm khác thay thế để khách hàng có thể tham gia bảo hiểm…", thông báo của VASS nêu rõ.
Bên cạnh đó, VASS cũng khẳng định đối với những khách hàng đã mua bảo hiểm này, Công ty cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm đã được quy định trong hợp đồng/giấy chứng nhận bảo hiểm.
CTCP Bảo hiểm Viễn Đông được thành lập từ tháng 11/2003 với quy mô vốn điều lệ 72 tỷ đồng. Trong giai đoạn 7 năm sau đó, song song với việc mở rộng mạng lưới, công ty nhiều lần thực hiện tăng vốn và đạt quy mô vốn điều lệ ở mức 400 tỷ đồng vào tháng 11/2010.
Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2011 - 2012 là quãng thời gian đầy khó khăn với VASS. Đỉnh điểm là tháng 2/2012, khi công ty này mất khả năng thanh toán nợ đến hạn liên quan đến các khoản vay nợ ngân hàng, các khoản nợ khác và phải bán 2 khối tài sản lớn là nhà để tất toán các khoản nợ đến hạn với ngân hàng.
Nguyên nhân là do các khoản đầu tư vào bất động sản và chứng khoán từ năm 2007 - 2008 để lại đã khiến VASS rơi vào tình trạng mất cân bằng tài chính, gặp khó về thanh khoản.
Không chỉ VASS, trước đó, CTCP Nước AquaOne do bà Đỗ Thị Kim Liên làm Chủ tịch HĐQT cũng vướng nhiều bê bối. Trong đó, nổi cộm lên là việc nhà máy vận hành khi chưa được nghiệm thu; chọn nhà thầu tai tiếng để thực hiện dự án.
Cụ thể, như đã thông tin, về dự án nhà máy nước mặt Sông Đuống, theo Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng, công trình của nhà máy vẫn chưa đủ điều kiện để nghiệm thu.
Hoàng Nhi (t/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy