Nhìn lại thị trường năm 2023
Thị trường chứng khoán trải qua năm 2023 với rất nhiều điểm nhấn, như hồi tháng 3, lượng tài khoản chứng khoán vượt mốc 7 triệu tài khoản. Đến tháng 8, giao dịch trên thị trường diễn ra sôi động khi thanh khoản trên sàn HoSE lần đầu vượt mốc 20.000 tỷ đồng sau hơn 1 năm, VN-Index tăng hơn 23%.
Cũng trong tháng 8, đánh dấu một doanh nghiệp Việt Nam - Vinfast lần đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế Nasdaq, vươn tầm ảnh hưởng lên phạm vi toàn cầu sau nhiều năm nỗ lực.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong giai đoạn đầu năm được thúc đẩy bởi chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, chính sách mở rộng tài khóa, thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ và định giá hấp dẫn của thị trường thời điểm đó.
Thế nhưng, khi ngấm chính sách thì thị trường dần quay trở lại với một nền kinh tế còn ảm đạm và đa số nguồn vốn trong thị trường đều phải dùng để giải quyết các lô trái phiếu sắp đến hạn. Cú đảo chiều hồi đầu tháng 9 đã khiến VN-Index đánh mất hơn 200 điểm chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, mặc dù có đợt phục hồi trong tháng 11 nhưng mới chỉ lấy lại được một nửa mức tăng hồi đầu năm.
Nhà đầu tư nước ngoài là điểm trừ khi động thái “xả hàng” đã diễn ra xuyên suốt từ đầu quý II/2023 cho tới hết năm. Đà bán ròng càng mạnh mẽ trong tháng cuối năm khi nửa đầu tháng 12, khối ngoại đã bán ròng hơn 7.860 tỷ đồng trên sàn HoSE, cao hơn mức lũy kế của hai tháng 10 và 11 cộng lại. Lũy kế từ đầu năm đến 15/12/2023, giá trị bán ròng đã lên đến hơn 20.731 tỷ đồng.
Trái chiều, trong giai đoạn đầu năm, nhóm nhà đầu tư cá nhân chủ yếu bán ròng thì bước sang tháng 5, nhóm này đã mua ròng 20.954 tỷ đồng và chiếm 86% tỉ trọng giao dịch của toàn thị trường, tăng 5,95% so với khoảng thời gian trước. Về diễn biến nhóm ngành, năm 2023 là một khoảng thời gian rực rỡ nhất của nhóm chứng khoán với mức tăng 120%, xây dựng dân dụng tăng 86%, thép tăng 60% và cảng biển tăng 62%…
Tín hiệu khởi sắc trong năm 2024
Đặt nhiều niềm tin vào triển vọng thị trường chứng khoán năm 2024, ông Đào Minh Châu - Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research dự báo mức tăng của thị trường sẽ là 17%.
Một số yếu tố sẽ hỗ trợ thị trường như kỳ vọng nâng hạng, triển khai hệ thống KRX, giúp chứng khoán thu hút nhà đầu tư mới cũng như lượng tiền tham gia thị trường. Với việc khó có dư địa để lãi suất giảm hơn nữa, việc dòng tiền từ nhà đầu tư mới tham gia sẽ chững lại một chút.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect.
Đồng quan điểm, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định xu hướng chung là sẽ tăng. Điều này được củng cố bởi đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm tới sẽ là xu hướng phục hồi của lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, sự cải thiện của tiêu dùng nội địa nhờ chính sách tài khóa mở rộng và cải cách tiền lương, sự phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản có thể nhen nhóm từ nửa cuối năm 2024.
Việc nền kinh tế phục hồi mạnh hơn sẽ thúc đẩy sự cải thiện về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong năm 2024.
Ngoài ra, Fed được kỳ vọng sẽ ngừng tăng lãi suất điều hành và bắt đầu cắt giảm lãi suất từ 3 - 4 lần trong năm tới sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế, trong đó các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam có thể hưởng lợi.
Việc Fed ôn hòa hơn về chính sách tiền tệ sẽ giảm bớt áp lực lên tỉ giá VND trong năm tới, từ đó tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng.
Nhóm ngành nào sẽ là “trợ lực”?
Theo ông Đào Minh Châu, chứng khoán, bất động sản, thép là 3 nhóm có thanh khoản cao. Chứng khoán là nhóm biến động sát với chỉ số. Năm 2023, chứng khoán là nhóm có yếu tố cơ bản cải thiện rõ rệt nhất nhờ thanh khoản thị trường tăng.
Với nhóm thép, đây là nhóm có hệ số beta cao, cho thấy sự tương quan cổ phiếu thép với chứng khoán, thứ hai là một số nhà đầu tư có góc nhìn dài hạn hơn khi giá thép đã về đáy, kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ hồi phục trong những năm tới.
Nhóm thép được dự báo sẽ là động lực chính cho thị trường chứng khoán năm 2024.
Với bất động sản, nhóm này vẫn còn thách thức cho đến ít nhất khoảng giữa 2024. Lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn vẫn còn lớn (khoảng 200.000 - 300.000 tỷ đồng trong vài năm tới). Những con sóng nếu có sẽ không phải là những con sóng lớn, cơ hội mang tính nhỏ lẻ hơn có thể đến cho các đơn vị có quỹ đất sạch, được cấp mới.
Ngoài ra, một số nhóm ngành khác cũng có kỳ tăng trưởng tốt trong 2024 như phân bón, bán lẻ hay thủy sản.
Còn theo nhận định của ông Đinh Quang Hinh, trong giai đoạn nửa đầu năm 2024, các ngành liên quan tới xuất nhập khẩu (thủy sản, đồ gỗ, sắt thép) và logistic/cảng biển và sẽ hút dòng tiền nhờ sự cải thiện bức tranh kết quả kinh doanh.
Trong nửa sau năm 2024, tâm điểm có thể là nhóm ngành ngân hàng, bất động sản khi thị trường bất động sản, trái phiếu thoát khỏi vùng đáy và bắt đầu chu kỳ phục hồi. Đồng thời, nhóm ngành tiêu dùng/bán lẻ cũng là lựa chọn đáng chú ý trong nửa sau năm 2024 nhờ tác động tích cực từ chính sách tài khóa mở rộng, cải cách tiền lương và thu nhập người lao động cải thiện.
Tác giả: Trần Thị Tú Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy