Cơ sở cho sự lạc quan là lạm phát trên toàn cầu dần được kiểm soát, chi phí năng lượng giảm và nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.
Các chuyên gia đều nhận định có nhiều dấu hiệu triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện kể từ hội nghị thượng đỉnh G-20 hồi tháng 10 năm ngoái, thời điểm mà một số nền kinh tế mấp mé bên bờ vực suy thoái vì giá lương thực và năng lượng tăng đột biến. Nền kinh tế toàn cầu hiện khá hơn so với các dự đoán đưa ra chỉ cách đây vài tháng.
Ảnh minh hoạ: Reuters.
Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Mathias Cormann cho rằng: “Triển vọng kinh tế thế giới sẽ sáng sủa hơn một chút vào đầu năm 2023 so với những gì chúng tôi nghĩ chỉ 2 hoặc 3 tháng trước. Thật vậy, giá năng lượng và lương thực thấp hơn đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao".
Theo ông, giá năng lượng đã giảm đáng kể vì châu Âu đã có thể đa dạng hóa “thành công” các nguồn năng lượng của mình. Ngoài ra, một “mùa đông ôn hòa” đã giúp giảm nhu cầu năng lượng khiến giá xăng ở mức thấp”.
Người đứng đầu OECD đánh giá cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tiếp tục chống lại lạm phát theo “một cách ổn định hơn và mong các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới cũng theo dõi dữ liệu và tiếp tục điều chỉnh các quyết định”. Các nền kinh tế thị trường mới nổi châu Á dự kiến sẽ chiếm gần 3/4 tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2023.
Mặc dù vẫn còn đó những rủi ro tiềm ẩn cho kinh tế thế giới, nhưng việc các nền kinh tế lớn, vốn tạo động lực cho tăng trưởng, như Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn có được tăng trưởng dương trong năm nay và đặc biệt là sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại, sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của kinh tế thế giới.Tại Hội nghị Bộ trưởng G20 diễn ra ở Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi cũng phát đi tín hiệu lạc quan, cho rằng thế giới có thể hy vọng từ sức sống của nền kinh tế Ấn Độ (được dự báo tăng trưởng với tốc độ hơn 6% trong năm nay).
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda dẫn nguồn tin từ G7 cho biết, nền kinh tế toàn cầu có khả năng phục hồi tốt hơn dự kiến, nhưng lạm phát vẫn tăng cao.
“Như quý vị đã biết, về mặt kinh tế toàn cầu, dựa trên những gì chúng tôi thấy qua các chỉ số kinh tế gần đây, nền kinh tế toàn cầu vẫn có khả năng phục hồi tốt hơn so với dự kiến. Các chỉ số đã thể hiện nhưng trên toàn cầu, mức độ lạm phát vẫn tăng cao" - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda nhấn mạnh
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 ở mức 2,9%, tăng so với mức dự báo 2,7% hồi tháng 10, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 3,4% đạt được vào năm 2022. IMF khuyến cáo chính phủ các nước có thể tính đến việc triển khai các công cụ an toàn vĩ mô và tăng cường các khuôn khổ tái cơ cấu nợ./.