Dòng sự kiện:
Trình diễn bikini đón U23 VN: 'Òa khóc khi đọc những lời miệt thị các người mẫu'
02/02/2018 15:28:57
Đó là lời tâm sự của PGS Nguyễn Phương Mai, Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam (Hà Lan) trong tọa đàm "Hình ảnh phụ nữ trong quảng cáo thương mại - Giới hạn và đạo lý".

Vài ngày trở lại đây, hình ảnh các tuyển thủ U23 Việt Nam được đón tiếp bằng màn biểu diễn của những cô người mẫu mặc bikini trên chuyên cơ trở về từ Thường Châu (Trung Quốc) sau trận chung kết giải U23 Châu Á đã khiến dư luận dậy sóng.

Nhưng liệu đây có phải là trường hợp cá biệt trong việc sử dụng hình ảnh phụ nữ trong các quảng cáo/PR? Làm thế nào để sử dụng hình ảnh phụ nữ trong các quảng cáo vẫn đảm bảo sự hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng mà không có sự kỳ thị giới? Khung pháp lý đảm bảo sự nhạy cảm giới trong các sản phẩm quảng cáo như thế nào? Đi tìm lời giải cho những câu trả lời này, CSAGA đã tổ chức buổi toạ đàm “Hình ảnh phụ nữ trong quảng cáo thương mại - Giới hạn và đạo lý”.

Trong buổi tọa đàm, PGS. Nguyễn Phương Mai tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam (Hà Lan), tác giả “Con đường Hồi Giáo” cho biết, khi bắt gặp clip những cô người mẫu trình diễn bikini trên chuyên cơ chở các cầu thủ U23 Việt Nam trên facebook, chị khá sốc. Nhưng không phải bắt nguồn từ nội dung clip mà là từ những bình luận phía dưới.

“Tôi đau lòng hơn nữa là những người từng bênh vực phụ nữ, chiến đấu cho phụ nữ và bản thân mình là phụ nữ, biết đó là lỗi của Vietjet nhưng vẫn ném về phía các cô người mẫu những lời cay đắng, độc ác. Tại sao vẫn gọi họ là cave, gọi họ là xôi thịt, dùng những từ ngữ cực kỳ là xúc phạm và đau đớn dành cho họ? Với cả những người nhận thức được vấn đề họ chỉ là người được thuê để làm công việc ấy, biết họ là nạn nhân tại sao còn giẫm cho nát, còn vùi cho tan?

Tôi có thể òa khóc ngay bây giờ khi mà nhớ lại những cảm giác lúc đó. Đó là việc đổ lỗi cho nạn nhân. Cô bị hiếp vì cô mặc váy ngắn hay vì cô đã xinh đẹp còn ra đường lúc 10 giờ đêm, cô bị cướp vì cô dám đi xe đắt tiền. Thấy Kiều vào lầu xanh còn cạo đầu bôi vôi nữa để làm gì”, chị Mai nhấn mạnh.

Các chuyên gia tranh luận trong buổi tọa đàm

Theo chị Nguyễn Phương Mai, đó là điều chị cảm thấy đau đớn nhất trong sự việc lần này chứ không phải là chiêu trò quảng cáo của Vietjet. Vietjet chỉ là một công ty đang cố gắng hình thành một thương hiệu và họ đang cố gắng một cách sai lầm. Họ hướng đến thương hiệu rẻ nhưng không phục vụ cho cộng đồng nên trở thành rẻ tiền. Họ không có định vị thương hiệu, triết lý doanh nghiệp rõ ràng, đây là một bài học lớn cho họ.

Chị Nguyễn Phương Mai cho biết thêm về việc biến cơ thể phụ nữ trở thành những vật thể nhục cảm trong quảng cáo. Đứng về phương diện tâm lý, khi chúng ta phi nhân hóa một người nào đó là bước đầu tiên để chúng ta có lý do, điều kiện coi họ như một vật thể, từ đó tự cho mình có quyền xúc phạm, quyền làm đau đớn, làm cho họ bị tổn thương. Đó cũng là cái cớ để việc bạo hành gia đình, bạo hành phụ nữ tiếp tục xảy ra.

Chị Nguyễn Phương Mai đưa ra một nghiên cứu khoa học liên quan về việc sử dụng hình ảnh phụ nữ trong quảng cáo. Khảo sát trên 2.000 quảng cáo, đàn ông xuất hiện trên quảng cáo gấp 2 lần phụ nữ; 48% hình ảnh phụ nữ trong maketing và quảng cáo là xuất hiện trong bếp; 50% hình ảnh đàn ông trong quảng cáo xuất hiện trong các sự kiện thể thao; 62% đàn ông trong quảng cáo là hình ảnh người đàn ông dẫn đầu, người đàn ông lãnh đạo, người đàn ông thông thái; hầu hết phụ nữ xuất hiện trong quảng cáo là ở lứa tuổi 20, tức là chúng ta coi phụ nữ là món hàng, họ phải trẻ, phải xinh mới có giá trị để quảng cáo trong khi đó đàn ông xuất hiện trong quảng cáo ở mọi lứa tuổi…

PGS Nguyễn Phương Mai thẳng thắn: “Chừng nào chúng ta còn coi chỗ của phụ nữ là ở trong bếp, quảng cáo món ngon thì luôn là hình ảnh người phụ nữ chạy lên chạy xuống bê đồ cho mọi người. Chừng nào chúng ta còn coi đó là điều bình thường, là tiêu đề, hình ảnh của hạnh phúc thì ngày đó chúng ta còn có những trường hợp như Vietjet”.

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến