Dòng sự kiện:
Trở về căn nhà bí mật nơi Bác Hồ nghỉ chân đầu tiên khi về Hà Nội năm 1945
02/09/2018 09:16:25
Đã hơn 70 năm trôi qua, những kỉ vật trong ngôi nhà Bác Hồ nghỉ lại trước khi về nội thành Hà Nội vẫn còn vẹn nguyên, là nơi để mỗi người dân Việt trở về thăm lại và cảm nhận không khí sục sôi trước ngày Độc lập.

Trong ngôi nhà bằng gạch 5 gian lợp ngói thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội, tiếp chuyện với PV là anh Công Ngọc Dũng – người được giao quản lý, trông coi căn nhà. Anh Dũng cho biết, từ nhỏ anh đã được nghe bà nội là Nguyễn Thị An và bố là Công Ngọc Kha kể về những câu chuyện về cách mạng, về Bác Hồ và cả căn nhà lịch sử. Với anh Dũng, dù đã trải qua hàng chục năm nhưng những câu chuyện đó luôn in đậm trong tâm khảm để mỗi lần kể lại đều dâng tràn 1 cảm xúc khó tả.

Nói đoạn, anh Dũng bắt đầu bồi hồi nhớ lại những câu chuyện của bố, vào năm 1931, ngôi nhà truyền thống của gia đình được xây dựng trên mảnh đất Phú Gia lịch sử và được lấy tên “Thanh phong minh nguyệt” tức gió mát trăng thanh. Từ năm 1941 khi phong trào Mặt trận Việt Minh phát triển, bà Nguyễn Thị An – 1 người phụ nữ đảm đang tháo vát, thông minh đã nhanh chóng tham gia. Bà cùng con trai là Công Ngọc Kha đã tham gia tích cực vào phong trào, làm liên lạc, đưa mật thư cũng như bí mật giúp đỡ các cán bộ cách mạng. Chính vì vậy, ông Công Ngọc Kha là 1 trong 5 Đảng viên đầu tiên của Phú Thượng thời đó.

Ông Công Ngọc Dũng chia sẻ với PV.(Ảnh: Thành Long).

Và cũng bắt đầu từ đó, ngôi nhà của bà An cùng con trai đang ở đã nhanh chóng trở thành địa chỉ hoạt động cách mạng bí mật, an toàn và cũng là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhiều cán bộ cách mạng. Ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành lại chính quyền, không khí sôi nổi, quyết tâm lan tỏa cả thành phố.

Trong bối cảnh ấy, vào chiều thu ngày 23/8, theo thông báo của chính quyền địa phương, sẽ có đoàn cán bộ từ chiến khu Việt Bắc sau khi rời bến đò đến ở tại nhà của bà Nguyễn Thị An. Ngày ấy, mỗi khi nghe thấy tiếng “Việt Bắc” hay “ chiến khu về” là mọi người lại náo nức, mong đợi lắm. Đến chiều tối, thì đoàn cán bộ gồm 13 đồng chí theo sau một cụ già mặc áo chàm giản dị, tay chống gậy tre đi từ bến đò di chuyển về căn nhà bà An.

Biết tin đoàn cán bộ từ chiến khu đã về đến nhà mình, chàng thanh niên Công Ngọc Kha vội vàng chạy vào chào hỏi thì bị thu hút vào hình ảnh một cụ già đang ngồi trên chiếc trường kỷ. Cụ già ấy để râu dài, nước da sạm nắng và xanh xao như còn đang ốm. Nhưng đặc biệt toát lên từ cụ già, đó là đôi mắt sáng và vầng trán cao lạ thường.

Mỗi lần nhìn cụ, ông Công Ngọc Kha đều cảm nhận rõ sự ấm áp, thân thuộc đến khó tả. Sau đó, bà An và gia đình đã kính trọng mời cụ và cả đoàn cán bộ nghỉ ngơi tại phòng khách của gia đình. Đêm hôm đó, ông Kha tỉnh dậy vẫn thấy cụ già đang cần mẫn làm việc trên chiếc trường kỷ. Dù đã được mọi người dặn không nên làm phiền cụ lúc làm việc, nhưng cứ nhìn đôi mắt sáng cùng nét suy tư trên khuôn mặt cụ già lúc ấy lại thu hút chàng trai mới tuổi đôi mươi muốn tiến lại gần. Nghĩ vậy, ông Kha liền mang tới ấm trà mời cụ uống. Lúc này, được cụ già ân cần hỏi han đã khiến ông Kha cảm giác lâng lâng khó tả, dù chính bản thân ông cũng không biết cụ già là ai. Giọng nói trầm ấm cùng đôi mắt sáng của cụ đã theo chàng thanh niên Công Ngọc Kha chìm vào giấc ngủ. Sau đó, mỗi buổi sáng, từ rất sớm, ông Kha đều thấy cụ già ra bờ ao nhỏ trước nhà để tập thể dục. Những ngày ở lại, cụ già còn dạy đứa trẻ đang sống trong nhà tập những bài hát thiếu nhi quen thuộc. Không khí gia đình vô cùng vui vẻ, đầm ấm.

Bà Nguyễn Thị An và ông Công Ngọc Kha. (Ảnh chụp lại: Thành Long).

Sáng ngày 25/8, đoàn cán bộ nói lời tạm biệt gia đình để tiếp tục đi làm nhiệm vụ, vì vậy gia đình bà Nguyễn Thị An ân cần mời đoàn ở lại dùng bữa cơm trưa thân mật. Hôm đó, gia đình chuẩn bị 3 mâm cơm thịnh soạn mời khách. Theo lệ của gia đình, mâm khách sẽ được ngồi trên sập lớn còn phụ nữ, trẻ con sẽ ngồi dưới đất. Thấy vậy cụ già liền phản đối ngay và ân cần nói: “Sao lại người mâm trên người mâm dưới như vậy? Mau mau xếp tất cả xuống dưới đất để cùng ăn”. Trong lúc ăn, thấy bà An ngồi đầu nồi để xới cơm cho từng người, 1 lần nữa ông cụ lại nhẹ nhàng nói: “Nên để nồi cơm ở giữa các mâm, ai muốn ăn sẽ tự xới, bà chủ nhà cứ ngồi ăn tự nhiên đừng lo cho mọi người nhiều lại vất vả…”. Nghe vậy, bà An và mọi người trong gia đình vô cùng xúc động.

Bữa cơm đầm ấm kết thúc, cả gia đình bà An tạm biệt đoàn cán bộ chiến khu trong tâm trạng xúc động, luyến tiếc. Dù không nói ra, nhưng ai ai cũng thấy băn khoăn, tò mò về “ông cụ” khác thường. Đúng 17h, có đoàn cán bộ đến đón cụ lên chiếc ô tô, về sau gia đình mới biết trong đoàn hôm đó có đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

Thế rồi, ngày mùng 2/9/1945, ngày cả dân tộc mong chờ cũng tới. Triệu con tim hướng về quảng trường Ba Đình, Hà Nội, nơi đây Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với thế giới về một đất nước Việt Nam độc lập và tự do.

Tham dự buổi mít tinh trọng thể, lần đầu tiên những thành viên gia đình cụ An được ngắm nhìn Chủ tịch nước trên quảng trường Ba Đình nhưng cảm giác thân thuộc cứ ùa về. Phải chăng đó là cụ già đã ở nhà mình hôm nào? Niềm vui cứ nửa thực nửa mơ cho đến khi được 1 cán bộ trong đoàn “Chiến khu về” ngày hôm 23/8 khẳng định Chủ tịch nước chính là ông cụ già đã ở lại gia đình mình thì mọi người mới thực sự dám tin.

Nhớ lại sau bữa cơm chia tay ngày nào, cụ già có hứa sẽ trở lại thăm gia đình. Mọi người trong gia đình ông Kha động viên nhau, nhớ là nhớ vậy thôi chứ biết Bác Hồ bận lắm, chắc khó có thời gian để quay lại.

Thời gian trôi qua mau, bất ngờ ngày 24/11/1946, gia đình bà An nhận được tin báo có Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đến thăm. Cả nhà nghe tin vui mừng khôn xiết, hồi hộp từng giây đón Người trở về thăm. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa đến sân căn nhà cũ, mọi người đều đã ra đón. Càng bất ngờ hơn, khi Bác Hồ nhìn mọi người 1 lúc rồi nhẹ nhàng hỏi thăm về bố chồng của bà An: “Còn ông cụ nữa, cụ đâu rồi, tôi rất mong muốn được gặp cụ để trò chuyện”.

Nghe tin được tiếp kiến Chủ tịch nước, cụ Phó Trường (bố chồng bà An) ngỡ như mình được gặp vua. Vốn ảnh hưởng từ tư tưởng phong kiến, cụ Phó Trường liền đóng áo the tề chỉnh bước vào định cúi xuống hành lễ: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”.

Thấy vậy, Bác Hồ bước nhanh đến đỡ cụ dậy và ân cần: “Cụ ơi, bây giờ nước ta là nước dân chủ cộng hòa, không còn phong kiến như xưa cụ ạ, mời cụ vào ngồi xơi nước cùng tôi”. Nghe vậy, cụ Phó Trường cảm động rơi nước mắt. Trong lúc ngồi uống trà thân mật, Bác Hồ liền hỏi cụ Phó Trường: “Giặc Pháp chuẩn bị đánh ta, Pháp có nhiều xe tăng máy bay, liệu ta có địch nổi không?”. Cụ Trường ngẫm nghĩ rồi đáp lại: “Ta có lòng dân. Dân ta nghe theo lời cụ thì ta sẽ thắng”. Nghe thế, Bác Hồ vô cùng cảm động, nắm chặt tay cụ Trường khẳng định: “Xin đa tạ cụ và cả gia đình ta, cả làng ta. Đúng vậy! Dân ta chắc chắn sẽ giành chiến thắng”.

Hơn 70 năm trôi qua, ngôi nhà vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử. (Ảnh : Thành Long).

Giờ đây, căn nhà đã được chuyển cho Nhà nước làm di tích lịch sử, nhưng những câu chuyện về Hồ chủ tịch, về cách mạng thì vẫn gắn với gia đình như 1 tài sản vô giá mà không gì có thể đánh đổi được.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến