Dòng sự kiện:
Trong - ngoài, cung - cầu đều ảnh hưởng đến lạm phát
04/12/2021 19:22:33
Lạm phát năm nay được dự báo chỉ quanh ngưỡng 2%, thấp xa so với mục tiêu là 4%. Song, áp lực lạm phát sẽ tăng trong năm tới, do chi phí đẩy, do cầu kéo, nhập khẩu lạm phát...

Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh sẽ tạo thêm áp lực lạm phát trong năm tới. Ảnh: Đ.T

Lạm phát năm 2021 thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra

Cho đến giờ phút này, có thể khẳng định chắc chắn, lạm phát của Việt Nam năm 2021 được kiểm soát rất tốt. Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2021 chỉ tăng 0,32% so với tháng trước, CPI bình quân 11 tháng tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, kể từ năm 2016 đến nay, CPI bình quân 11 tháng lần lượt tăng 2,47%, tăng 3,61%, tăng 3,59%, tăng 2,57%, tăng 3,51%, tăng 1,84%. Trước đó, vào năm 2015, CPI bình quân 11 tháng tăng 0,64%. Năm 2015 cũng là năm Việt Nam có lạm phát ở mức rất thấp, chỉ 0,63%.

Do đó, gần như chắc chắn, lạm phát năm nay (được đo bằng CPI bình quân) cũng sẽ chỉ quanh ngưỡng 2%, cách khá xa so với mục tiêu đề ra là 4%. Không những vậy, do tăng trưởng kinh tế năm nay được dự báo ở mức 3-3,5%, nên khi lạm phát ở mức thấp thì có nghĩa, kinh tế Việt Nam đã không bị rơi vào trạng thái “đình lạm”.

Tuy vậy, dù lạm phát đang ở mức thấp, song các cảnh báo về nguy cơ lạm phát cao quay trở lại vẫn đang tiếp tục được đưa ra. Và thực tế, trên thị trường hiện nay, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng đang tăng khá nhanh, đặc biệt là chi phí đầu vào cho sản xuất - kinh doanh, giá vật liệu xây dựng, như sắt thép, xi măng… đang tăng mạnh.

Lý giải về việc lạm phát năm 2021 ở mức thấp, trong khi trên thực tế ở ngoài thị trường, giá cả đang xu hướng tăng mạnh, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, chủ yếu là do sức sản xuất, sức cầu của nền kinh tế còn yếu, khiến áp lực chi phí chậm chuyển thành áp lực lạm phát.

Theo ông Lực, xu hướng tăng chậm lại của cung tiền, nhóm hàng hóa thiết yếu ngoài lõi (lương thực, thực phẩm, điện, nước, nhà ở và vật liệu xây dựng) không tăng mạnh như giai đoạn trước cũng đã ảnh hưởng đến lạm phát của nền kinh tế.

“Dù giá đầu vào tăng khá mạnh, nhưng do sức cầu yếu, nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận giữ nguyên giá bán để kích cầu, chấp nhận biên lợi nhuận giảm”, ông Lực bày tỏ.

Đây cũng chính là điều được các chuyên gia kinh tế nhắc tới gần đây. Rằng, áp lực lạm phát của nền kinh tế đang rất lớn, nhưng con số thống kê lại chưa thể hiện được hết. Và chung quy là do cầu đang rất yếu, tiêu dùng chậm. Trong 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm tới 8,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm tới 10,4%, trong khi mức giảm này là trên nền rất thấp của cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020, tổng mức bán lẻ giảm 3,8% - PV). Điều đó đủ cho thấy, sức cầu nội địa đang rất yếu.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô của Việt Nam tháng 11/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã nhấn mạnh việc nhu cầu còn yếu, mà lạm phát, cả lạm phát cơ bản của Việt Nam, đều ở mức thấp.


Gần như chắc chắn, lạm phát năm nay (được đo bằng CPI bình quân) sẽ chỉ xoay quanh ngưỡng 2%, cách khá xa so với mục tiêu đề ra là 4%. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Áp lực lạm phát năm 2022

Việt Nam sẽ đối mặt với áp lực lạm phát trong năm 2022. Đó không chỉ là nhận định của các chuyên gia kinh tế, mà còn của các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB…

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, điều hành lạm phát năm 2022 là rất khó, không hề đơn giản. “Trong - ngoài, cung - cầu đều ảnh hưởng đến lạm phát. Lạm phát do chi phí đẩy, do cầu kéo đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Hiện giờ, khi các nước bắt đầu ‘rút củi đáy nồi’ thì chúng ta lại cho thêm củi. Chúng ta đang chịu lạm phát chi phí đẩy rất lớn, tới đây sẽ thêm áp lực về cầu kéo. Nếu các nước đều có xu hướng phá giá đồng tiền, thì sẽ dẫn tới áp lực lạm phát còn lớn hơn nữa.

- Ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

Thực tế, lạm phát không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam. Lạm phát tại Mỹ tháng 10/2021 tăng 6,2% so với cùng kỳ, vượt xa so với mức mục tiêu bình quân 2% và là kỷ lục trong vòng 31 năm. Eurostat - cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU) cũng vừa cho biết, lạm phát tháng 11 tại 19 nước sử dụng đồng Euro đã chạm 4,9%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 1997. Hồi tháng 10, con số này là 4,1%.

Ở Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng cũng đang trong xu hướng tăng. Đặc biệt, số liệu mới nhất do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy, chỉ số giá sản xuất và đo lường sự thay đổi giá của hàng hóa và dịch vụ thành phẩm được bán bởi nhà sản xuất trong nước (PPI) tại cổng tại nhà máy trong tháng 10 đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao kỷ lục.

Sớm muộn, những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa ở Việt Nam. Với một nền kinh tế có độ mở rất cao, với kim ngạch xuất nhập khẩu bằng tới 200% GDP, chuyện “nhập khẩu” lạm phát là điều gần như hiển nhiên.

Trong khi đó, chuyện giá cả đầu vào sản xuất đang tăng cao sẽ sớm được phản ánh vào giá bán hàng hóa, khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Khi đó, áp lực lạm phát do cầu kéo sẽ gia tăng.

Hơn thế, điều khiến chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa lo ngại là, khi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được triển khai vào đầu năm tới, một ngân khoản lớn được tung ra thị trường và sẽ ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam.

Liên quan vấn đề này, khi làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu về chính sách tài chính, tiền tệ cho việc thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lưu ý rằng, các giải pháp ngắn hạn, nhưng cũng phải đặt trong tổng thể dài hạn, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững, không thể đưa ra các chính sách có thể giúp phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, trước mắt, nhưng lại gây bất ổn vĩ mô trong dài hạn...

Tác giả: Hà Nguyễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến