Dòng sự kiện:
Trung Quốc hạ lãi suất để giải cứu nền kinh tế
17/01/2022 16:18:02
Trung Quốc cắt giảm lãi suất chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế chống chịu với hàng loạt cú sốc, từ cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản đến các đợt bùng phát dịch.

Bloomberg đưa tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) lần đầu cắt giảm lãi suất cơ bản sau gần 2 năm. Động thái nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang mất đà tăng trưởng sau các đợt bùng phát Covid-19 mới.

Trong quý IV/2021, GDP Trung Quốc tăng 4% so với một năm trước đó. Mức tăng cao hơn dự báo của các nhà kinh tế nhưng chậm hơn quý III/2021.

Chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc lao dốc đáng kể trong tháng 12/2021. Nguyên nhân là chính quyền Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát ở một số khu vực.


Chiến lược "Zero-Covid" của Trung Quốc khiến chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm đáng kể. Ảnh: Reuters.

Hàng loạt cú sốc
 
“Tăng trưởng sẽ tiếp tục bị đè nặng bởi sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản và chiến lược “Zero-Covid” (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc”, chuyên gia Sian Fenner tại Oxford Economics bình luận.

“Không thể thay đổi được thực tế rằng động lực chính của nền kinh tế trong 20 năm qua giờ sẽ trở thành lực cản đối với tăng trưởng, ít nhất là trong vài năm tới”, ông Bruce Pang - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong Ltd - nhận định. Ngành công nghiệp bất động sản đóng góp vào 25% GDP của Trung Quốc.

Theo các nhà kinh tế, chính sách "Zero-Covid" của Trung Quốc ảnh hưởng đến người tiêu dùng nhiều hơn lĩnh vực sản xuất.

"Sự lây lan nhanh chóng của Omicron có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải trả giá nhiều hơn cho chính sách 'Zero-Covid'", ông Ting Lu tại Nomura nhận định.

Tăng trưởng sẽ tiếp tục bị đè nặng bởi sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản và chiến lược “Zero-Covid”

Chuyên gia Sian Fenner tại Oxford Economics

Ông Lu nhấn mạnh rằng các lĩnh vực dịch vụ như khách sạn và hoạt động kinh doanh vẫn chưa thể phục hồi về mức trước đại dịch. Người lao động thuộc những ngành này có thể phải sống bằng tiền tiết kiệm và chi tiêu dè sẻn hơn.

Chi tiêu tiêu dùng chậm lại có thể kéo tụt nền kinh tế Trung Quốc. "Nếu nhu cầu được cải thiện, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế cũng tăng lên", ông Wang Jun - nhà kinh tế trưởng tại Zhongyuan Bank - bình luận.

Theo ông, nguyên nhân chính khiến Trung Quốc không thể duy trì tăng trưởng kinh tế là nhu cầu suy yếu. Ông Wang Jun nhấn mạnh tác động tiêu cực của đại dịch đối với thu nhập của người lao động.

Các nhà kinh tế cho rằng ngay cả khi có thể tăng 7% vào năm tới, tiêu dùng thực tế của hộ gia đình Trung Quốc vẫn ở dưới mức trước đại dịch.

Trong nửa cuối năm ngoái, nền kinh tế thứ hai thế giới chao đảo bởi hàng loạt cú sốc, từ tình trạng thiếu điện, cuộc khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản, thị trường nhà ở suy thoái và các đợt bùng phát dịch mới.

PboC cắt giảm lãi suất chính sách và tăng cường thanh khoản nhằm hỗ trợ nền kinh tế chống chịu với hàng loạt cú sốc.

Đi ngược xu hướng

Kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 8,1% trong cả năm 2021, vượt xa mục tiêu “trên 6%” của chính phủ nước này. Thương mại toàn cầu phục hồi mạnh giúp xuất khẩu của Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục 3.360 tỷ USD.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế trong năm 2022 vẫn chưa rõ ràng. Nhu cầu toàn cầu có thể lao dốc, biến thể Omicron vẫn lan rộng. Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản - bắt đầu với tập đoàn China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn - chưa có dấu hiệu kết thúc.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 xuống còn 4,3%.

Việc PBoC cắt giảm lãi suất hôm 17/1 nằm ngoài các dự báo của giới quan sát. Động thái của giới chức Bắc Kinh cũng trái ngược với những ngân hàng trung ương lớn khác như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Các ngân hàng trung ương như FED đang lên kế hoạch nâng lãi suất để đối phó với lạm phát tăng cao.

PBoC cũng bơm thanh khoản vào nền kinh tế bằng cách cung cấp 700 tỷ NDT (tương đương 110 tỷ USD) công cụ cho vay trung hạn, vượt quá 500 tỷ NDT nợ vay đến hạn, rót thêm 100 tỷ NDT với các hợp đồng repo nghịch đảo 7 ngày, vượt quá giá trị 10 tỷ USD đến hạn.


Các động thái của ngân hàng trung ương Trung Quốc trái ngược FED và những ngân hàng trung ương khác trên thế giới. Ảnh: Reuters.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng lên trong tháng 12 nhưng có thể bước vào đà suy yếu. Nguyên nhân là những gián đoạn do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn ngừa virus lây lan ở Tây An, Thiên Tân và những thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang.

"Mức tăng trưởng hàng năm 30% của năm ngoái rất khó duy trì. Vì vậy, tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2022 có thể sẽ giảm mạnh", ông Ding Shuang - nhà kinh tế trưởng tại Standard Chartered Plc. - bình luận. Một phần nguyên nhân là tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chậm lại.

Sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc trên thế giới cũng có thể giảm bớt nếu các quốc gia Đông Nam Á phục hồi sau đợt bùng phát virus.

Điều đó có thể cho phép các công ty chuyển đơn đặt hàng về những quốc gia này. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã rời hoạt động sản xuất sang Trung Quốc để tận dụng các chính sách "Zero-Covid" tại đây.

Tác giả: Thảo Phương

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến