An ninh lương thực quan trọng với Trung Quốc như thế nào?
Ngày 1/11 vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền các địa phương ở nước này ổn định nguồn cung và giá cả lương thực, thực phẩm để chuẩn bị cho những tháng mùa Đông lạnh giá sắp tới. “Các gia đình được khuyến khích tích trữ một lượng nhất định nhu yếu phẩm để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và phòng bị cho trường hợp khẩn cấp”, thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ.
Người dân mua thực phẩm từ một siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: Getty.
Điều này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội. Một số người thậm chí còn suy đoán lời kêu gọi tích trữ lương thực liên quan đến khả năng xảy ra chiến tranh. Bộ Thương mại Trung Quốc ngay lập tức đã lên tiếng trấn an người dân rằng không có bất cứ mối đe dọa nào sắp, còn tờ Nhật báo Kinh tế nước này cũng cố gắng xoa dịu các đồn đoán khi cho rằng, mục đích của thông báo là để mọi người chuẩn bị cho việc áp đặt lệnh phong tỏa hoặc kiểm dịch liên quan đến những đợt bùng phát Covid-19 mới.
“Về lâu dài, điều này cũng khuyến khích người dân nâng cao nhận thức phòng ngừa tình huống khẩn cấp, gia tăng dự trữ hàng hóa cần thiết theo từng hộ gia đình để giảm gánh nặng cho hệ thống quản lý tình trạng khẩn cấp quốc gia”, một bài viết của Nhật báo Kinh tế đăng tải trên WeChat nhấn mạnh.
Tuy vậy, nhiều người dân Trung Quốc vẫn ra sức tích trữ gạo, bột mì và nhiều loại rau củ quả. Ở một số siêu thị, người dân xếp phải hàng dài chờ đợi đến lượt mua hàng.
Trung Quốc cần có đủ lương thực để cung cấp cho 1,4 tỷ dân, chiếm khoảng 1/5 dân số thế giới. Trong một thế giới hậu Covid-19 đầy biến động, việc đảm bảo an ninh lương thực ngày càng trở thành ưu tiên quan trọng đối với chiến lược phát triển mới của Bắc Kinh. Chiến lược này dựa nhiều hơn vào việc tiêu dùng trong nước để hạn chế ảnh hưởng từ những bất ổn bên ngoài.
Trung Quốc đã làm gì để đảm bảo an ninh lương thực?
SCMP cho biết Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng kho dự trữ lương thực quốc gia từ năm 1990 và hiện giờ đã xây dựng được một hệ thống “điều phối dự trữ từ trung ương đến địa phương, kết hợp giữa nỗ lực của chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân”. Nước này đã ban hành một quy định cụ thể từ năm 2005, yêu cầu tất cả quan chức địa phương phải chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực tại khu vực mình quản lý.
Trong một nỗ lực nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai hạn chế, Trung Quốc đã đặt giới hạn tối thiểu giữ được 120 triệu héc ta đất canh tác trước làn sóng đô thị hóa qua nhanh hiện nay. Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng đặt mục tiêu có 71,67 triệu héc ta “đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao” vào năm 2025 và nâng con số đó lên 80 triệu héc ta vào năm 2030. Tất cả sẽ được sử dụng cho canh tác cơ giới quy mô lớn nhằm tăng năng suất cây trồng.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lần đầu tiên đặt ra mục tiêu bắt buộc đối với việc sản xuất ngũ cốc trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 được công bố vào tháng 3/2021. Bên cạnh đó, nước này đã tăng cường nhập khẩu đậu tương và ngô để đảm bảo có thể tự cung cấp các loại ngũ cốc quan trọng như lúa mì và gạo. Vào tháng 8/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đã kêu gọi người dân không lãng phí thực phẩm và lời kêu gọi này ngay lập tức được chuyển thành một chiến dịch quốc gia.
Sau vụ việc người dân đổ xô đi mua thực phẩm tại các siêu thị hồi đầu tháng này, ông Qin Yuyun, một quan chức tại Cục Dự trữ Thực phẩm và Chiến lược Quốc gia cho biết, hiện lượng dự trữ ngũ cốc đã đủ, còn dự trữ lúa mì và gạo vẫn tiếp tục gia tăng. Quan chức này khẳng định nguồn cung trên thị trường ngũ cốc đã được đảm bảo, với sản lượng ngũ cốc trong năm nay dự kiến đạt trên 650 triệu tấn. Đây sẽ là năm thứ 7 liên tiếp, Trung Quốc giữ vững sản lượng này. “Về cơ bản, Trung Quốc đảm bảo nguồn cung ứng ngũ cốc và đảm bảo an ninh lương thực cho người dân”, ông Qin Yuyun nói.
“Nhập khẩu ở mức độ vừa phải” là một phần trong chiến lược chính thức của Trung Quốc nhằm đảm bảo an ninh lương thực, Sách Trắng của chính phủ Trung Quốc ban hành vào tháng 10/2019 cho biết. Theo ông Cheng Guoqiang – một thành viên của Ủy ban cố vấn chính sách an ninh lương thực của Trung Quốc, nước này phải gia tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người dân vì thiếu hụt 90 triệu héc ta diện tích đất trồng cây. Nhờ nhập khẩu phần lớn đậu nành từ nước ngoài, Trung Quốc có thể đảm bảo đủ đất trồng cho lúa và lúa mì – hai loại cây trồng chủ lực.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới. Kể từ năm 2014, lượng ngũ cốc mà nước này nhập khẩu vẫn trên 100 triệu tấn. Nước này đã nhập khẩu 128,27 triệu tấn ngũ cốc trong từ tháng 1 đến tháng 9/2021, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tác giả: Hồng Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy