Dòng sự kiện:
Trung Quốc sẽ tiếp bước Nga đánh IS?
23/11/2015 14:49:46
ANTT.VN – Vấn đề lớn nhất của Bắc Kinh hiện tại trong khủng hoảng Syria và IS là việc tất cả các “nhân vật” đã chọn và đóng “vai diễn” của riêng mình, do vậy liệu có còn vị trí cho ông Tập trong “bộ phim” này, hay liệu người đàn ông quyền lực thứ 5 thế giới sẽ chọn đóng “kép chính” hay “kép phụ” sẽ là câu hỏi không dễ trả lời.

Tin liên quan

Hai binh sĩ Nga đang chuẩn bị cho một cuộc không kích, ngoại ô TP Lattakia, phía tây Syria. Nga là cường quốc mới nhất tham gia tấn công IS. Ảnh: The Guardian

Thay đổi chính sách?

Trung Quốc suốt thời gian dài qua luôn chủ trương tránh can thiệp tối đa vào các cuộc tranh chấp địa - chính trị trên thế giới, đặc biệt đối với các vấn đề ít ảnh hưởng tới lợi ích của nước này.

Tuy nhiên, một loạt vụ khủng bố đẫm máu gần đây có thể sẽ tác động không nhỏ tới các phép tính của Bắc Kinh ở những vấn đề mang tính toàn cầu trong thời gian sắp tới.

Hôm thứ tư tuần trước, IS tuyên bố xử tử một con tin Trung Quốc sau khi thương thảo đòi tiền chuộc không thành công. Đây có thể coi như lời tuyên chiến chính thức của tổ chức khủng bố khét tiếng với quốc gia Đông Á, sau khi đã liệt kê Trung Quốc vào danh sách 20 quốc gia “đặc biệt nguy hiểm” với đạo Hồi và đồng thời “vẽ” luôn vùng tự trị Tân Cương, Trung Quốc vào lãnh thổ của tổ chức cực đoan này.

Đối với vấn đề Syria và IS, Bắc Kinh trước nay luôn tỏ thái độ trung lập, ủng hộ những giải pháp chính trị thay vì áp dụng các biện pháp quân sự. Tuy nhiên khi mà đồng minh lớn nhất của họ trên trường quốc tế - Nga - quyết định bắt đầu triển khai các lực lượng không - hải quân chống lại IS, thì Trung Quốc ngày càng trở nên đơn độc trên trường quốc tế với quan điểm của mình.

“Những sự kiện gần đây, từ vụ khủng bố máy bay Nga ở Ai Cập hay thảm sát ở Paris dường như đang đẩy Trung Quốc, dù muốn hay không, sâu hơn vào khủng hoảng Syria”, Michael Clarke, giáo sư tại trường Đại học Quốc gia Australia, nói.

“Chúng khiến các giải pháp chính trị do nước này đề xuất trong vấn đề Syria trở nên lạc lõng. Việc Nga tham chiến và vụ một công dân nước này bị IS xử tử chắc chắn sẽ làm thay đổi những tính toán của giới chức Bắc Kinh về chiến lược chống khủng bố trong thời gian tới”, ông nhận định.

Trong bối cảnh vị thế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang lớn dần, cộng với việc ông Tập cùng Chính phủ của ông ta ngày càng muốn mở rộng tầm ảnh hưởng địa - chính trị của Trung Quốc trên toàn cầu, thì việc lựa chọn đứng ngoài cuộc chiến chống IS có thể sẽ là một nước cờ sai lầm, hạ thấp uy tín của Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng phủ bóng đen nghi ngờ lên năng lực bảo vệ công dân của Chính phủ nước này.

Số lượng các vụ không kích IS đã tăng mạnh trong năm 2015. Nguồn: BBC

Sau vụ khủng bố Paris hơn một tuần về trước, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi Nga và Mỹ cùng phối hợp tiến hành những chiến dịch không kích có tổ chức, nhằm tiêu diệt các cứ điểm của IS với hiệu quả cao nhất. Nước Anh cho biết sẽ tham gia liên minh này nếu nó được thành lập. Duy chỉ còn Trung Quốc là thành viên duy nhất còn lại trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phản đối các hành động quân sự tại Syria.

“Trung Quốc không muốn sử dụng chiến lược trực tiếp can thiệp bằng quân sự như Mỹ tại Trung Đông. Thay vào đó, họ ưu tiên tập trung vào các giải pháp mang tính hợp tác toàn cầu”, Li Goufu, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Viện Nghiên cứu các Vấn đề Quốc tế Trung Quốc (CIIS).

“Chúng tôi cho rằng Bắc Kinh ở một mức độ nào đó đang không sai với lập trường hiện tại trong vấn đề Syria và IS. Mỹ và đồng minh càng không kích, IS càng mạnh hơn”, ông nhận định.

Bắc Kinh sẽ làm gì?

Giới chức Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ sau khi công dân nước này bị IS giết hại hồi giữa tuần trước, tuy nhiên không cho thấy quá nhiều thay đổi trong quan điểm của mình, ít nhất là đối với truyền thông.

Trong một cuộc họp báo ngắn hôm thứ năm, ngay sau vụ xử tử, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Hồng Lỗi tái khẳng định quan điểm: Một cuộc đàm phán với sự tham gia của tất cả các bên liên quan dưới một khung hành động của Liên hợp quốc là lựa chọn duy nhất cho vấn đề Syria.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, Bắc Kinh lại tuyên bố ủng hộ một giải pháp quân sự của Hội đồng Bảo an, gọi IS là “Một mối nguy chưa từng có tiền lệ đối với hòa bình và an ninh trên toàn cầu”, đồng thời kêu gọi những nỗ lực nhằm xóa sổ tổ chức này tại Iraq và Syria.

Về phần mình, Raffaello Pantucci, giám đốc Bộ phận An ninh thế giới tại Royal United Services Institute, cho rằng: Bắc Kinh có thể tham gia cuộc chiến chống IS bằng cách cung cấp hỗ trợ hậu cần. Tuy nhiên không có bất cứ lời hứa nào về việc nước này sẽ trực tiếp tham chiến tại Syria.

“Vấn đề lớn nhất của Bắc Kinh hiện tại trong khủng hoảng Syria và IS là việc tất cả các “nhân vật” đã chọn và đóng  “vai diễn” của riêng mình, do vậy liệu có còn vị trí cho ông Tập trong “bộ phim” này, hay liệu người đàn ông quyền lực thứ 5 thế giới sẽ chọn đóng “kép chính” hay “kép phụ” sẽ là câu hỏi không dễ để trả lời”, ông nói.

Áp lực từ nhiều phía đang đè nặng lên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Được và mất

Bắc Kinh vốn nổi tiếng là một Chính phủ kín tiếng, thường xuyên cân nhắc, tính toán kĩ lưỡng từng nước đi trong chính sách quan hệ quốc tế của mình. Tuy nhiên khi mà lợi ích quốc gia ngày càng bị “toàn cầu hóa” như hiện nay, giới quan sát cho rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể đang đánh giá lại chính sách Không can thiệp có từ thời cựu Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1955.

Nếu vụ xử tử con tin giữa tuần trước chưa tác động quá nhiều tới đường lối của Bắc Kinh, thì việc 3 quan chức của tập đoàn quốc doanh China Railway Construction bị giết trong vụ khủng bố khiến 22 người chết tại Mali cuối tuần trước có thể là bước ngoặt thực sự trong chính sách chống khủng bố của giới chức Bắc Kinh, khi mà áp lực từ nhiều phía đang tăng dần đối với ông Tập cùng bộ sậu tham mưu của ông ta.

Nếu Trung Quốc chọn cách không phản ứng gì hoặc hành động không đủ mạnh, họ sẽ mất đi sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời mang đến những hoài nghi trong nước về việc liệu họ có đủ sức bảo vệ người dân trước những nguy cơ khủng bố ngày càng lan rộng hay không.

Ở chiều ngược lại, nếu Bắc Kinh tham chiến chống IS, cái giá phải trả chắc chắn sẽ không hề nhỏ. Chưa kể mức chiến phí lên tới hàng triệu USD mỗi ngày, thì nguy cơ bị trả đũa hay bùng phát bạo động nổi dậy của các nhóm dân tộc thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương thực sự đáng để Bắc Kinh suy tính kĩ càng.

Theo Global Times, có ít nhất 300 chiến binh người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi, đã gia nhập IS trong thời gian qua. Do đó nếu Bắc Kinh chính thức triển khai các hành động quân sự đáp trả IS, thì những cộng đồng thiểu số - vốn đã và đang bất mãn với chính quyền Trung ương - có thể là một quả bom nổ chậm chính ngay trong lãnh thổ Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia chính trị học cho rằng khác biệt giữa chính quyền Bắc Kinh và những tộc người địa phương đã lên tới mức “không thể dung hòa” với hàng chục vụ bạo động, khủng bố và trả đũa đẫm máu giữa hai bên trong suốt nhiều năm qua.

Mới đây nhất, Bắc Kinh hôm thứ 6 xác nhận cảnh sát nước này đã giết 28 nghi phạm với cáo buộc gây ra một vụ tấn công trước đó khiến 5 sĩ quan cảnh sát cùng 11 thường dân thiệt mạng ở Aksu, Tân Cương, cho rằng nhóm người này đã bị tuyên truyền và kích động bởi “một tổ chức cực đoan nước ngoài”.

Nghi Điền

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến