Trưởng Chi cục BVMT lạm quyền ký công nhận bùn thải Formosa an toàn
27/07/2016 10:21:52
Vị Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh - Đặng Bá Lục ký văn bản thừa nhận bùn thải của Formosa là vô hại, nhưng ông giám đốc Sở TN&MT là đơn vị cấp trên lại không hề hay biết.

Tin liên quan

Những thông tin mới nhất mà nhóm PV báo Người Đưa Tin thu thập được cho thấy thêm các sai phạm chất chồng có liên quan tới Formosa.

Theo đó, lý do mà Formosa có thể dễ dàng ký hợp đồng với công ty xử lý rác thải là do ngày 18/1/2016, Chi cục bảo vệ môi trường – Sở TN&MT Hà Tĩnh có một công văn gửi tới Formosa. Công văn này khẳng định rằng bùn ép từ xưởng xử lý và bùn than từ lò của Formosa là chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Kết luận này dựa trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước và kết quả phân tích của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đối với 2 mẫu bùn ép được lấy từ xưởng xử lý nước thải công nghiệp của Formosa. Qua đó cho rằng, những loại chất thải rắn có xuất xứ từ Formosa đều vô hại với môi trường.

Công văn của Chi cục Bảo vệ môi trường gửi cho công ty Formosa.

Đây lẽ ra là một công văn thông thường, nếu không có chuyện ông trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh Đặng Bá Lục đặt bút ký duyệt nhưng ông Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh là đơn vị cấp trên lại không hề hay biết. Chỉ cho đến khi được PV cung cấp văn bản này thì vị giám đốc Sở mới tỏ ra ngỡ ngàng.

Đáng nói, dù công văn có ghi nơi nhận là Phó Giám đốc Sở TN&MT, nhưng dường như công văn này là “vô hình” cho đến khi PV báo Người Đưa Tin vào cuộc và nhận ra lãnh đạo sở này hoàn toàn không hay biết.

Một lượng bùn thải lớn, chôn lén lút được báo Người đưa tin phát hiện.

Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Quang Ngọc, đoàn luật sư TP Hà Nội.

Cảm thấy khó hiểu vì chữ ký của ông Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh, luật sư Ngọc cho hay, đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật, thì thẩm quyền ký ban hành các loại giấy phép liên quan đến môi trường sẽ do Sở TN&MT chịu trách nhiệm. Theo đó, nếu không có hoạt động ủy quyền, phân cấp thì các chi cục chỉ có nhiệm vụ tư vấn, tham mưu cho Sở.

Trong trường hợp không được phân công hoặc phân cấp để ký hoặc ký mà không báo cáo lãnh đạo, sẽ bị coi là dấu hiệu lạm quyền và khi ký các tài liệu có nội dung vi phạm pháp luật thì người ký phải chịu trách nhiệm cá nhân.

Luật sư Ngọc cho biết thêm, trong trường hợp do vượt quá thẩm quyền ký và gây ra các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với môi trường thì tùy theo mức độ, hoàn cảnh hoặc động cơ mục đích có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Riêng về nội dung kết luận có trong công văn do vị Chi cục trưởng ký, luật sư Ngọc đặt ra nhiều câu hỏi. Theo đó, luật sư Ngọc cho rằng, cần làm rõ quy trình lấy mẫu có đúng quy định trong Luật bảo vệ môi trường hay không?

Liệu có đảm bảo rằng không có sự tráo đổi các mẫu vật thí nghiệm hay không? Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội có chức năng như thế nào để được công bố các kết luận về đảm bảo hoặc không đảm bảo về mặt kỹ thuật? hay chức năng đó thuộc Viện KHVN??

Những câu hỏi này thực ra không phải của riêng vị Luật sư, mà còn của người dân cả nước trong tình thế mỗi động thái có liên quan đến Formosa đều tỏ ra lập lờ về cách hoạt động, và tiềm ẩn nhiều nguy hại.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến