Dòng sự kiện:
Trường đại học công, bệnh viện công được thành lập cơ quan báo chí
18/09/2015 11:38:00
ANTT.VN – Ngày 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên nghe và cho ý kiến dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Nội dung về mở rộng đối tượng được thành lập cơ quan báo chí và cấp thẻ báo chí thu hút sự quan tâm của các đại biểu.

Tin liên quan

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi nêu rõ: Điểm mới của dự thảo luật so với luật hiện hành là bổ sung thêm 1 chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí.

Trường đại học, bệnh viện công được lập cơ quan báo chí

Theo Luật báo chí (sửa đổi) các đơn vị được thành lập cơ quan báo chí bao gồm:  “cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam; học viện, viện nghiên cứu, trường đại học và bệnh viện công lập”.

Đáng chú ý, “các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước” cũng được thành lập cơ quan báo chí. 

Đánh giá về điểm mới này trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: “Sự mở rộng này là phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội” 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày tờ trình dự án Luật báo chí (sửa đổi) (ảnh: quochoi.vn)

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - ông Đào Trọng Thi - cho rằng trong quy định về những cơ sở khoa học, giáo dục, y tế, kinh tế được thành lập cơ quan báo chí, vẫn có sự phân biệt đối xử giữa các đơn vị công lập và ngoài công lập, giữa các doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước. Quan điểm của cơ quan thẩm tra là các cơ sở nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học không phân biệt công lập hay ngoài công lập đều cần được thành lập tạp chí khoa học để công bố các kết quả nghiên cứu khoa học của mình.

Cộng tác viên báo chí được cấp thẻ nhà báo

Về đối tượng được xét cấp thẻ nhà báo, tại Điều 35 “Đối tượng được xét cấp thẻ nhà báo” của Dự thảo Luật quy định: Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, tổng biên tập, phó tổng biên tập các cơ quan báo chí, thông tấn.

Trưởng phòng (ban), phó trưởng phòng (ban) nghiệp vụ báo chí của các cơ quan báo chí, thông tấn. Phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí, thông tấn.

Ngoài ra, những đối tượng khác cũng được đề nghị cấp thẻ nhà báo gồm: Người quay phim, đạo diễn chương trình phát thanh, truyền hình (trừ phim truyện) của các đơn vị được cấp phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và sản xuất phim tài liệu của Nhà nước.

Những người trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về báo chí tại các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có tham gia hoạt động báo chí và có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật này.

Giảng viên chuyên ngành báo chí tại các trường đại học công lập có tham gia hoạt động báo chí và có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật này.

Những người thực hiện nghiệp vụ về nội dung thông tin ở các đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương có thời gian công tác liên tục từ 3 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ và có tham gia đóng bảo hiểm xã hội (trừ những trường hợp khác theo quy định pháp luật); là cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 12 tác phẩm báo chí đã được phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 01 năm tính đến thời điểm xét cấp thẻ và được đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị cấp thẻ nhà báo.

Những người đã được cấp thẻ nhà báo nhưng được điều chuyển sang làm công việc khác vẫn tiếp tục có tác phẩm báo chí được sử dụng, được cơ quan báo chí xác nhận, được xét cấp thẻ nhà báo trong các trường hợp cụ thể sau: Được điều động công tác tại các phòng (ban) không phải nghiệp vụ báo chí của cơ quan báo chí; Được điều chuyển sang làm công tác giảng dạy chuyên ngành báo chí tại các trường đại học công lập; Được điều chuyển sang làm cán bộ chuyên trách tại hội nhà báo các cấp.

Tuy nhiên, thẩm tra về dự án luật này, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, quy định đối tượng được xét cấp thẻ như trong dự thảo quá rộng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi phát biểu tại Phiên họp  (ảnh: quochoi.vn)

Thường trực Ủy ban cho rằng, thẻ nhà báo là để cấp cho những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, có tác phẩm báo chí và gắn với cơ quan báo chí cụ thể. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, quy định tiêu chuẩn cụ thể căn cứ vào thời gian làm báo, số lượng và chất lượng tác phẩm báo chí và chỉ nên quy định cơ quan báo chí - là nơi quản lý trực tiếp người được xét cấp thẻ, đề nghị cấp thẻ nhà báo”, ông Thi nhấn mạnh.

H.Yến

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến