Dòng sự kiện:
Trường THPT tự chủ biên chế sẽ khiến hiệu trưởng lạm quyền?
03/09/2018 11:39:57
Mới đây, sở GD&ĐT TP HCM cho biết, năm học 2018 - 2019, sở sẽ bắt đầu thực hiện chủ trương tự chủ biên chế và tổ chức trong các trường THPT trên địa bàn thành phố.

Thí điểm đầu tiên tại 2 trường chuyên

Với chủ trương này, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ giúp cho giáo viên có nhiều quyền lợi hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại, sẽ xuất hiện tình trạng lạm quyền, nhất là với hiệu trưởng nhà trường.

Theo đó, hai trường THPT chuyên là Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa đi đầu trong việc tự chủ biên chế. Kế đó, sở phân công kế hoạch tự chủ biên chế cho lộ trình vào năm học tới là 7 trường bao gồm các trường THPT thực hiện mô hình tiên tiến, trường THPT có lớp chuyên như Lê Quý Đôn, Nguyễn Thượng Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Gia Định, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền, Nguyễn Hữu Huân. Tiếp theo là các trường nội thành, các trường có đủ điều kiện... để tiến tới 100% các trường THPT sẽ tự chủ về nhân sự sau 2020.

Giải thích vì sao sở đưa ra cơ chế tự chủ biên chế và tổ chức trong các trường THPT, đại diện lãnh đạo sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, sở đã lấy ý kiến và nhận được sự đồng tình của hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn thành phố trước đó. Các trường là đơn vị trực tiếp sử dụng người lao động nên họ sẽ biết cần tuyển giáo viên có năng lực, phẩm chất như thế nào là phù hợp với hoạt động giáo dục, năng lực học sinh tại trường.

Giáo viên coi thi tại kỳ thi tuyển sinh THPT tại TP HCM năm học 2018.

Cũng theo vị đại diện sở GD&ĐT, sở sẽ tập huấn và làm công tác tư tưởng với hiệu trưởng nhà trường, để hiệu trưởng hiểu trách nhiệm đặt quyền lợi của nhà trường lên trên hết. Tránh việc tuyển dụng không hợp lý vì mối quan hệ thì chính hiệu trưởng là người đứng đầu trường phải chịu trách nhiệm và hậu quả đầu tiên. Để giám sát chất lượng và đảm bảo tính công khai, minh bạch, sở sẽ thẩm định hồ sơ của tất cả các ứng viên trúng tuyển trước khi trường ký hợp đồng chính thức.

Liệu có tạo sự lạm quyền?

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc sở GD&ĐT TP HCM đánh giá vấn đề này trong báo cáo công tác chuẩn bị đầu năm học mới cho rằng, các đơn vị khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã chủ động sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước giao hiệu quả hơn để thực hiện nhiệm vụ, đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện tăng nguồn thu.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển hoạt động sự nghiệp, khai thác nguồn thu, tăng thu, tiết kiệm chi. Khó khăn nhất trong việc thực hiện tự chủ nhân sự của TP HCM hiện nay là một số chức danh thực sự cần thiết trong nhà trường như giám thị, giáo viên tư vấn tâm lý... chưa được quy định trong vị trí việc làm nên không có định biên để tuyển dụng.

Theo đại diện sở GD&ĐT TP HCM, đây cũng là năm đầu tiên ngành giáo dục thành phố thực hiện tuyển dụng giáo viên không cần hộ khẩu nên có rất nhiều ứng viên đến từ các tỉnh. Số ứng viên đông, tỷ lệ chọi cao, có môn tỷ lệ chọi lên đến 1/15 nên mức cạnh tranh để trúng tuyển rất khó khăn.

Chia sẻ với PV, một giáo viên dạy THPT tại quận Tân Phú (TP HCM) cho rằng: “Tôi cho rằng, nếu các trường THPT được tự chủ tuyển dụng, nếu được thực hiện nghiêm túc, chuyên nghiệp thì sẽ rất tốt. Thứ nhất, trường sẽ tìm được người có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất thực thụ để giảng dạy cho học sinh. Thứ hai, trường sẽ biết chọn được ứng viên phù hợp cho mình, chẳng hạn phù hợp với ngôn ngữ, đặc điểm vùng miền, trên thực tế vài năm qua đã có một số trường đưa ra tiêu chí bỏ chọn ứng viên không phát âm chuẩn, bỏ chọn ứng viên diễn đạt chưa tốt được phát hiện trong quá trình phỏng vấn, thực hành tiết dạy…”.

“Thứ ba, trường được tự chủ ngân sách sẽ giúp cho giáo viên có cơ hội thu nhập tốt hơn tùy theo năng lực của mình. Tuy nhiên, ngược lại, nếu để việc hiệu trưởng được quyền tự quyết định, tự chủ biên chế và tổ chức, nếu không tốt, xuất hiện tình trạng cậy chức cậy quyền, sẽ dẫn đến nhiều bất cập cho trường cũng như giáo viên. Lúc đó, hiệu trưởng chẳng khác gì một ông “trời con” muốn làm gì thì làm”, giáo viên này cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của PV, việc trong các trường TP HCM đã được UBND TP HCM thông qua từ năm học trước. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM đã ký chỉ thị số 08 về thực hiện nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo thành phố năm học 2017 - 2018.

Theo đó, nghành giáo dục thành phố phải thực hiện hiệu quả, tiên phong trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Đặc biệt, sở phải giao quyền tự chủ cho các trường trong công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên,  để các trường chủ động sử dụng nguồn nhân lực, ngân sách, tài sản hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tăng nguồn thu cho đơn vị.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến