Dòng sự kiện:
Truyền thông nhị nguyên!
09/06/2017 19:50:51
Trước hết phải nói nhị nguyên là khái niệm không dùng cho truyền thông, nó được dùng trong triết học, đạo đức và tôn giáo. Nhưng, tôi vẫn muốn đề nghị lần đầu dùng thuật ngữ này cho truyền thông, nhất là soi rọi nó trong hoàn cảnh của báo chí Việt Nam hiện tại.

Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Để bạn đọc dễ hình dung hơn, xin nhắc lại đôi chút về thuật ngữ nhị nguyên. Thuật ngữ này được dùng xa xôi nhất là từ tôn giáo để nhận thức về hữu thần và vô thần. Trong đạo đức học là để nhận thức về thiện, ác. Trong triết học, thuật ngữ nhị nguyên được dùng nhiều hơn và người khởi xướng là Rene Descaste (1596 - 1650). Ông dùng thuật ngữ này để bàn về sự phân ly giữa thể xác và linh hồn trong cách nhìn duy lý của mình. Sau này tất cả những ai nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin thì đều biết nhị nguyên là trường phái bị phê phán một cách kịch liệt. Trong câu hỏi để nhận thức về thế giới: Vật chất có trước hay ý thức có trước? Cái nào quyết định sự tồn tại của cái nào? Con người có nhận thức được thế giới hay không… thì các nhà nhị nguyên luận là những người…nước đôi. Họ không đứng về bên nào, muốn dung hòa và quy cả hai về cùng một tồn tại. Như vậy ở đây là không hiểu biết, không chính kiến, dĩ hòa vi quý hay đúng hơn là thuộc về những người “bất khả tri”. Mà theo quan điểm của chủ nghĩa Mác thì những người “bất khả tri” chả chóng thì chầy đều rơi vào chủ nghĩa duy tâm.

Trở lại câu chuyện của báo chí truyền thông. Hãy xem các nhà báo, các tờ báo nhận thức thế nào về cùng một sự kiện trong cách tiếp cận thông tin của mình. Về mặt lý luận truyền thông, một sự kiện có thể có các góc nhìn khác nhau, các cách tiếp cận khác nhau và cách thức chuyển tải thông tin khác nhau. Sự thật, bản chất vấn đề thì chỉ có một. Sự nhất quán trong tư duy, cách thức và không loại trừ yếu tố cảm xúc khi tiếp cận thông tin trong sự vận động của nó chính là quan đểm truyền thông nhất nguyên luận. Một sự kiện trong cách nhìn lịch đại lẫn cách nhìn đồng đại có sự nhất quán, trung thành là cách tiếp cận tiến bộ của báo chí hiện đại. Nó không chỉ là bản lĩnh, cái đẹp của nhà báo, của cơ quan báo chí và suy rộng ra là của cả nền báo chí tiến bộ. Đây là cơ sở để công chúng đặt trọn vẹn niềm tin vào báo chí và sự minh bạch thông tin.

Nói vậy để thấy truyền thông nhị nguyên, sáng đúng chiều sai, một sự kiện trước nói thế này, sau nói thế nó là một sự “bất khả tri” khó lòng chấp nhận của những người làm báo. Nó thể hiện kém cỏi và “duy tâm” rất không phù hợp với một nền báo chí cách mạng đang được chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh soi rọi. Và, làm báo nhị nguyên là bi kịch mất niềm tin vào một bộ phận không nhỏ những người làm báo của công chúng hiện tại.

Đáng buồn là sự nhị nguyên ngày càng thể hiện một cách phổ biến trong cách tiếp cận thông tin và làm báo của nhiều nhà báo hiện nay. 

Hãy bắt đầu từ một sự kiện về cách mà báo chí đưa tin về ông Đinh La Thăng. Giản đơn nhất là bạn hãy vào mục tìm kiếm của bất cứ tờ báo điện tử nào, gõ từ khóa “Đinh La Thăng” sẽ cho các kết quả, chỉ cần đọc tít bài sẽ thấy sự bất nhất trong cách thức và thái độ đưa tin. Còn đi sâu phân tích thông điệp truyền thông trong các bài báo thì sự nhị nguyên càng thể hiện một cách rõ nét. Có một Đinh La Thăng anh hùng và một Đinh La Thăng rất nhiều tội trạng, nhất là khi trang nhất nhiều tờ báo đồng loạt loan tin kỷ luật ông Đinh La Thăng. 

Hay như cách mà nhà báo phong “anh hùng” cho ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng và rồi lại kết tội ông như một tội đồ trong một diễn biến khác. 

Rồi vụ ông Nguyễn Thanh Chấn từng kiện một tờ báo sau khi được minh oan vì tờ báo này đã “góp sức” đẩy ông vào tù vì cho ông là thủ phạm giết người. 

Đưa tin về vụ Formosa Hà Tĩnh, hay mới đây là vụ Đồng Tâm cũng có tính nhị nguyên mà căn nguyên sâu xa là việc tiếp cận thông tin của nhà báo có vấn đề.

Về cùng một vụ việc, nhưng truyền thông lúc đưa tin thế nọ, lúc đưa tin thế kia nhiều lúc được biện minh là tại thời điểm đó, thông tin chỉ có vậy, qua sự vận động và qua xác minh điều tra, bản chất sự việc thay đổi, có thông tin mới thì nhà báo phải đưa tin theo tình tiết mới. Lập luận này không sai, nhưng nó chỉ cho thấy sự kém cỏi và bản lĩnh thấp của nhà báo trong tiếp cận và xử lý thông tin. Vì nếu tiếp cận thông tin một cách chuyên nghiệp, bài bản, có hệ thống, đúng pháp luật và đúng với lương tâm của người cầm bút thì nhà báo sẽ nhất quán trong lập luận và trong cách chuyển tải thông điệp trong một tác phẩm báo chí. Nói cách khác, đây là nhất nguyên luận trong hoạt động truyền thông.

Trong tố tụng hình sự, có một nguyên tắc đã được hiến định, đấy là “nguyên tắc suy đoán vô tội”. Nguyên tắc này nếu được nhà báo vận dụng một cách linh động, thông minh thì sẽ là một trong những nguyên tắc đảm bảo tính nhất nguyên trong hoạt động báo chí truyền thông.

Tản mạn mấy dòng để thấy nhị nguyên trong mọi lẽ đều là con đường sai trái trong tư duy và nhận thức. Nhị nguyên trong truyền thông còn tệ hại hơn nhiều lần. Nó là sự định hướng nhận thức cho công chúng đi vào chỗ tù mù, công chúng không biết sự thật nằm ở đâu và chỉ thấy một dòng chảy truyền thông lộn xộn, thiếu minh bạch, không có những định hướng có tính chân lý và chuẩn mực. 

Và, đấy cũng chính là cách mà báo chí đang tự giết mình bởi thứ truyền thông nhị nguyên ất ơ đang xảy ra khá phổ biến trong môi trường truyền thông hiện nay.

Theo báo Thanh Tra

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến