TSQ Việt Nam: Vốn “cò con” và “giấc mơ” dự án nghìn tỷ dang dở
15/03/2017 14:27:15
ANTT.VN – Vốn điều lệ chỉ bằng nửa vốn pháp định, song TSQ Việt Nam lại “mơ” thực hiện dự án Tháp Thiên niên kỷ với tổng mức đầu tư lên đến 50 triệu USD tại vị trí đất vàng Hà Đông.

Tin liên quan

Nằm giữa ngã tư Trần Phú - Yết Kiêu, Dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây do Công ty cổ phần dịch vụ TSQ Việt Nam (Công ty TSQ Việt Nam) làm chủ đầu tư, được giới đầu tư đánh giá là có vị trí đắc địa bậc nhất trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội.

Phối cảnh dự án Tháp thiên niên kỷ Hà Tây của Công ty TSQ Việt Nam (nguồn tsq.vn)

Công trình được chấp thuận đầu tư vào tháng 6/2006 tại Công văn số 2532/UBND-NV ngày 8/6/2006 của UBND Hà Tây (cũ). Đến ngày 27/7/2007, Dự án được phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết (tỷ lệ 1/500) tại Quyết định số 1326/QD-UBND của UBND tỉnh Hà Tây.

Theo quy hoạch, Dự án có quy mô 29 tầng, với tổng vốn đầu tư 29,2 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó, phía chủ đầu tư đã lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh quy mô dự án thành 2 toà tháp cao 45 tầng và 4 tầng hầm, với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD (khoảng 1.000 tỷ đồng).

Theo giới thiệu của chủ đầu tư dự án là Công ty TSQ Việt Nam, Dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây có tổng mức đầu tư 50 triệu USD, với quy mô diện tích gần 6.000m2. Toà tháp là một tổ hợp công trình đa chức năng bao gồm trung tâm thương mại, dịch vụ, căn hộ cao cấp... đồng bộ và hiện đại. Theo dự kiến, Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây sẽ được khởi công trong năm 2008 và hoàn thành vào quý IV/2010.

Khu vực dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây nguyên là trụ sở của Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội và một phần Khu tập thể Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 2009, Công ty TSQ Việt Nam đã cương quyết yêu cầu chính quyền quận Hà Đông tổ chức cưỡng chế, di dời các đơn vị này để lấy mặt bằng xây dựng dự án. Tuy nhiên, sau khi các tổ chức, cá nhân di dời thì toàn bộ khu đất lại bị bỏ hoang từ đó đến nay.

Theo nguồn tin của PV, sắp tới Công ty TSQ Việt Nam sẽ tái khởi động lại dự án này. Đây có thể là tín hiệu đáng mừng cho siêu dự án “ngủ quên” suốt 10 năm qua. Song xét về năng lực của chủ đầu tư thì khả năng thực hiện dự án là cả vấn đề lớn?

Theo những tài liệu mà PV có được, vốn điều lệ của công ty TSQ Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 10 tỷ đồng, gồm 5 thành viên sáng lập: ông Đỗ Trường – Chủ tịch HĐQT góp 2,6 tỷ đồng. Em trai ông Trường là ông Đỗ Quân góp 2,5 tỷ đồng. Còn các thành viên Nguyễn Văn Lợi – 1,9 tỷ đồng, Nguyễn Văn Uyên – 1,7 tỷ đồng và Hoàng Mạnh Huê - 1,3 tỷ đồng.

Con số 10 tỷ đồng của TSQ chỉ như “muối bỏ bể” so với 1.000 tỷ đồng để thực hiện dự án Tháp thiên niên kỷ Hà Tây.

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về đầu tư và kinh doanh bất động sản quy định vốn tự có của chủ đầu tư dự án phải chiếm tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án. Như vậy để thực hiện dự án trên, Công ty TSQ Việt Nam phải bỏ ra ít nhất 200 tỷ đồng, gấp 20 lần vốn điều lệ hiện tại của doanh nghiệp này.

Đấy là chưa kể theo pháp luật hiện hành (Nghị định 76/2015), vốn pháp định (vốn điều lệ tối thiểu) của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là 20 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ hiện hành của TSQ Việt Nam.

Với nội lực mỏng và yếu như vậy, câu hỏi đặt ra là làm sao TSQ Việt Nam có thể tiến hành được dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây. Hay sẽ lại sử dụng “chiêu thức” lấy mỡ nó rán nó, liên tục mở bán để huy động nguồn vốn từ khách hàng, đồng thời phụ thuộc không nhỏ vào vốn vay ngân hàng.

Đây chính là rủi ro lớn nhất của TSQ Việt Nam lẫn số phận của dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây. Vay nhiều đi kèm với áp lực trả nợ, lãi lớn, trong khi nếu có rủi ro trong công tác bán hàng, không thu hút được vốn từngười mua thì nguy cơ dự án bị chậm tiến độ hoặc thậm chí bị đình trệ không phải là không thể xảy ra.

Công ty TSQ Việt Nam do anh em ông Đỗ Trường – Đỗ Quân là những cổ đông sáng lập. Trong Group của TSQ Việt Nam có cả chục công ty con như: Công ty cổ phần quản lý và khai thác sau đầu tư TSQ Việt Nam; Công ty TSQ Long Giang; Công ty TNHH Hòa Hưng; Công ty GTC TSQ Galaxy; Công ty xi măng Vĩnh Sơn; Công ty cổ phần Vĩnh Phát quốc tế; Công ty BDS điện lực Hà Nội; Công ty TSQ TECHCO; Công ty kính Melta; Công ty TNHH Hòa Hưng.

Trong số các công ty con của TSQ Việt Nam, Công ty TSQ TECHCO năm 2016 đã bị Cục thuế Hà Nội “bêu tên” trong danh sách các doanh nghiệp nợ tiền thuế với con số lên đến 20 tỷ đồng.

Thủy Tiên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến