Dòng sự kiện:
Từ chức là thể hiện liêm sỉ, trách nhiệm
21/11/2016 08:34:32
“Chúng ta hãy coi văn hóa từ chức là chuyện hết sức bình thường, thậm chí trong chừng mực nào đó cần khai thác được mặt tích cực của việc này. Những người có liêm sỉ, vì lợi ích chung, khi mình không thể cống hiến tốt thì hãy dành cơ hội đó để cho người khác làm tốt hơn”, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trao đổi với PV về văn hóa từ chức.

Tin liên quan

ĐBQH Dương Trung Quốc.

Rút lui trong danh dự

Lần thứ hai trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, ông đã nêu ra vấn đề văn hóa từ chức tại diễn đàn Quốc hội, ông nghĩ sao về điều này?

Vấn đề văn hóa từ chức không chỉ tôi mà cũng có đại biểu khác nêu ra. Thủ tướng nói điều đó cần ghi nhận và giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu, làm sao để có một thủ tục, quy trình pháp lý tạo điều kiện cho việc từ chức. Thủ tướng ghi nhận và đã có quan tâm đến chuyện đó, tôi thấy như thế là hợp lý, còn bước đi thế nào thì phải chờ.

Tôi cho rằng vấn đề đó cần khởi động. Tôi cũng chỉ là người nhắc lại chuyện đó như một nhu cầu của xã hội. Hơn nữa, nếu chúng ta coi đó là một tập quán tốt đẹp thì sao lại không thể phục hồi.

Như vậy có nghĩa là văn hóa từ chức đã từng diễn ra trong lịch sử?

Tập quán từ chức là chuyện hết sức bình thường, không có gì lạ cả. Chúng ta chắc hẳn còn nhớ câu chuyện của nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh, khi ông mắc sai lầm đã xin từ chức. Rồi sau đó chính ông lại phấn đấu để tiếp tục trở thành một nhà lãnh đạo giữ vai trò quan trọng của công cuộc đổi mới. Như vậy để thấy, từ chức là việc bình thường, thể hiện trách nhiệm, lòng tự trọng và liêm sỉ của mỗi người và đó là những phẩm chất rất cần.

Bên cạnh việc nghiêm khắc đấu tranh loại trừ những người có sai phạm, cũng nên tạo hành lang cho những người giữ được sự liêm chính, và người ta cảm nhận được sự cần thiết phải được rút lui trong danh dự, trong sự chia sẻ của xã hội.

Tạo ra môi trường để người ta tự xử

Ngoài lý do kể trên, ông có cho rằng, việc từ chức khó xảy ra là vì chức tước gắn liền với bổng lộc, quyền lực và danh vọng?

“Tạo ra một môi trường để mọi người có thể tự xử, điều đó là cực kỳ quan trọng. Ví dụ tôi là Bộ trưởng Bộ GTVT mà xảy ra một tai nạn giao thông lớn, tôi rất khó xử, nhưng nếu như có hành lang, tôi sẵn sàng rút lui trong danh dự, có sự chia sẻ của xã hội”, ĐBQH Dương Trung Quốc

Ai cũng biết rằng một trong những lý do khiến cho người ta gắn bó với chức vụ chính là quyền lợi. Nhưng ta phải nhìn trong tổng thế, dần dần phải tạo ra những cái lợi chính đáng. Cái làm chúng ta băn khoăn lớn nhất chính là chức vụ ở ta luôn gắn liền với lợi ích. Nhưng nếu theo đúng chuẩn mực, quy định Nhà nước thì lợi ích này không hề lớn. Chỉ những người lợi dụng khai thác lợi ích đó mới tha thiết với chức vụ, và tôi tin không phải tất cả mọi người đều như thế.

Tôi cho rằng, lâu nay chúng ta khó thực hiện do nặng về hai nguyên nhân: Thứ nhất do có lợi ích cụ thể; thứ hai, do tâm lý từ chức giống như bị kỷ luật. Tới đây, chúng ta phải chuẩn bị thay đổi dần tâm thế, nhận thức về vấn đề này.

Vậy theo ông phải làm gì để thay đổi nhận thức về việc này?

Nếu chúng ta tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, thẳng thắn phê phán những việc làm sai trái, đồng thời ủng hộ những tấm gương, những con người sống liêm chính sẽ tạo ra tiền lệ ngay. Hành lang pháp lý về việc này nếu được xây dựng sẽ nhắc nhở mọi người, tạo cho mọi người sự chủ động trong ứng xử, nhất là ứng xử với chức vụ của mình.

Tạo ra một môi trường để mọi người có thể tự xử, điều đó là cực kỳ quan trọng. Ví dụ tôi là Bộ trưởng Bộ GTVT mà xảy ra một tai nạn giao thông lớn, tôi rất khó xử, nhưng nếu như có hành lang, tôi sẵn sàng rút lui trong danh dự, có sự chia sẻ của xã hội.

Vậy cần phải làm gì để có thể khuyến khích, hay biến văn hóa từ chức trở thành điều bình thường, có thể được thực hiện một cách dễ dàng?

Điều này không đơn giản, vì ngoài yếu tố tâm lý, đạo đức, còn liên quan đến cả những quy chế, quy định pháp luật. Công tác nhân sự gắn liền với vai trò của Đảng. Tôi tin nếu Đảng thấy việc này, văn hóa này hợp lý thì Đảng sẽ xây dựng hành lang về điều lệ, về nhận thức để tạo cơ sở cho việc từ chức của cán bộ, lãnh đạo.

Hãy tạo hành lang pháp lý cho việc từ chức

Có người quan niệm từ chức là văn hóa, đạo đức vì thế chỉ cần tạo ra quy định, thủ tục dễ dàng, không nên đưa ra quy chế, hay luật hóa từ chức, vì luật không thể điều chỉnh được hành vi này. Ông thấy sao?

Dễ dàng hay không là do chính mình, do con người quyết định cả. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng cần phải có quy chế, quy trình cụ thể để xã hội thấy đó là chuyện hết sức bình thường, xã hội chia sẻ với chuyện đó. Lâu nay chúng ta chỉ có một giải pháp là buộc từ chức, tức là dùng biện pháp pháp lý. Trong nhiều trường hợp tôi cho đây cũng là điều cần thiết, song không phải hoàn toàn tối ưu, nhất là trong việc tạo ra hiệu ứng xã hội.

Liệu việc đưa ra một hành lang pháp lý về văn hóa từ chức có gì khó khăn thưa ông?

Theo tôi chẳng có gì khó khăn cả. Trước hết, chúng ta hãy coi văn hóa từ chức là chuyện hết sức bình thường, thậm chí trong chừng mực nào đó cần khai thác được mặt tích cực của việc này. Những người có liêm sỉ, vì lợi ích chung, khi mình không thể cống hiến tốt thì hãy dành cơ hội đó để cho người khác làm tốt hơn.

Ông có tin văn hóa từ chức tới đây sẽ được thực hiện?

Tôi tin điều này trước sau cũng sẽ được thực hiện thôi. Bởi trong lịch sử nước ta, các cụ từ quan rất nhiều. Các cụ xưa kia từ quan đôi khi chỉ về để chăm sóc mẹ già, vì xã hội rất đề cao chữ hiếu. Kể cả lòng tự trọng nữa, một người thấy không tán thành đường lối nào đó thì họ về. Điều đó là cực kỳ quan trọng, chúng ta cần khuyến khích, tạo ra một hành lang, môi trường để người ta sẵn sàng rút lui trong danh dự và có sự chia sẻ trong xã hội.

Cảm ơn ông.

Theo Tiền phong 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến