Từ những con số gợi nghĩ
03/03/2017 15:30:13
Có những con số không thể không làm chúng ta suy nghĩ. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát tối cao trong vụ án sơ thẩm Hà Văn Thắm đang diễn ra, đến ngày 31-3-2014 nợ xấu của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) là 14.923 tỉ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ. OceanBank đến khi đó đã lỗ lũy kế 10.188 tỉ đồng, gấp hơn 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Nói cách khác OceanBank đã mất hết vốn.

Tin liên quan

Phạm Công Danh, theo cáo trạng, đã lập 29 công ty con, nhờ người khác đứng tên để nắm giữ 84,92% cổ phần Ngân hàng Xây dựng. Ảnh: TLTBKSG

Đây không phải lần đầu tiên quá trình xét xử một số vụ án cung cấp cho công chúng những số liệu thực về tình hình của một vài ngân hàng yếu kém. Trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, theo kết luận của cơ quan thanh tra vào thời điểm khởi tố vụ án ngày 26-7-2014, Ngân hàng Xây Dựng âm vốn chủ sở hữu 18.469 tỉ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỉ đồng. Sự thua lỗ nặng nề đến mức ấy của hai ngân hàng lần đầu tiên được chính thức công khai.

Nguyên nhân thua lỗ, hay nói trắng ra là mất tiền, của cả hai đều bắt nguồn từ cho vay không đúng quy định, không kiểm soát được đường đi của đồng vốn, phát sinh nợ xấu không thu hồi được. Cả hai đều có hội đồng tín dụng, có bộ phận thẩm định dự án nhưng cuối cùng tiền vẫn mất và tật vẫn mang bởi người vay ở đây chính là các ông chủ ngân hàng (hoặc các công ty sân sau) - những người thông qua việc nhờ người khác đứng tên đã nắm trong tay phần lớn cổ phần ngân hàng.

Phạm Công Danh, theo cáo trạng, đã lập 29 công ty con, nhờ người khác đứng tên để nắm giữ 84,92% cổ phần Ngân hàng Xây dựng. Còn Hà Văn Thắm, trong buổi chiều ngày 28-2-2017 đã trả lời trước tòa rằng “bị cáo (tức Hà Văn Thắm) là đại diện của 62,9% cổ phần tại ngân hàng này (tức OceanBank). Bị cáo là cổ đông góp vốn nhiều nhất”.

Nếu không phải là ông chủ của hai ngân hàng trên liệu họ có thể vay tiền nhiều thế hoặc ra quyết định cho một khách hàng nào đó vay thiếu tài sản thế chấp không? Chắc chắn là không. Muốn vay tiền ngân hàng, ai ai cũng phải có tài sản thế chấp. Giá trị tài sản do ngân hàng thẩm định và ngân hàng bao giờ cũng cho vay ít hơn giá trị tài sản cầm cố. Cho nên những sai phạm về cho vay, về nợ xấu, về mất vốn suy cho cùng không bắt nguồn từ thiếu quy định chặt chẽ, không từ kẽ hở pháp lý mà từ chủ ý của các ông chủ lợi dụng tiền bạc, “ăn cắp” tiền bạc ngân hàng.

Giới đầu tư theo dõi sát sao các vụ án liên quan đến ngân hàng đã và đang xét xử. Họ muốn tìm hiểu tình hình thật sự của những ngân hàng yếu kém, và từ đây rút ra kết luận cho chính bản thân, tự trả lời câu hỏi liệu đã đến lúc đưa cổ phiếu tài chính vào danh mục đầu tư. Cho đến nay cổ phiếu của các ngân hàng cổ phần phần lớn vẫn đang giao dịch dưới mệnh giá. Thị giá của chúng bị níu kéo vì nợ xấu, vì trích lập dự phòng rủi ro cao, vì lợi nhuận thấp, vì không có cổ tức tiền mặt... Trong số các lý do, có cả nguyên nhân thiếu minh bạch. Việc xét xử một số vụ án chính là ngọn đèn soi rọi ánh sáng vào những điểm chưa minh bạch đó. Ngân hàng tốt, xấu thế nào, minh bạch đến đâu, thị trường sẽ quyết định thông qua giá cổ phiếu.

Tại thị trường Việt Nam không có loại chứng khoán nào thăng trầm như cổ phiếu tài chính. Đã một thập kỷ trôi qua, trong khi nhiều nhóm cổ phiếu khác đã ít nhiều lấy lại “những gì đã mất” của những năm khủng hoảng, cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi lối mòn đi xuống. Sự pha loãng giá trị cổ phiếu thông qua các đợt tăng vốn quá nhanh trên quy mô rộng chỉ là thứ yếu. Nhân tố chủ yếu làm “hỏng” giá trị cổ phiếu không ít ngân hàng là quản trị yếu kém, là lòng tham của các ông chủ và quan trọng hơn vai trò của ngân hàng đã bị không ít cổ đông hiểu sai lệch lạc.

Đã có những ý kiến lạc quan trong 3-5 năm tới, ngân hàng sẽ dần từng bước trở lại thời hoàng kim và năm nay là khởi đầu của sự trở về vùng hoàng kim ấy. Ở chân của một con sóng tầm cỡ được đo bằng quãng thời gian thập kỷ, cổ phiếu ngân hàng không tránh khỏi ánh mắt trầm tư, còn mang đầy dáng dấp nghi ngờ của nhà đầu tư, phản ánh bằng những đợt trồi sụt dữ dội. Song trên hết tầm ảnh hưởng của cổ phiếu tài chính là không thể phủ định. Các cổ phiếu ngân hàng vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn giá trị vốn hóa thị trường. Cho dù mai đây còn nhiều tổng công ty, tập đoàn niêm yết, thì cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là một trong những “thế lực” thống trị thị trường chứng khoán Việt. Các tổ chức, các quỹ đầu tư chỉ số không thể bỏ qua VCB, BID, CTG, MBB, STB, EIB, ACB...

Một khi kinh tế chuyển biến tích cực, một khi nợ xấu được giải quyết, không doanh nghiệp nào có được khoản lợi nhuận hoàn nhập từ nguồn dự phòng rủi ro nhiều như ngân hàng. Có lẽ đã đến lúc gầy dựng kỳ vọng và chờ đợi sự bắt đầu của ngày mới cổ phiếu tài chính chăng?

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến