Từ đầu tháng 10, TP.HCM và các tỉnh phía Nam chứng kiến "cơn sốt" xăng dầu khi hàng loạt cửa hàng đóng cửa, người dân chật vật tìm đủ cách mua xăng.
Song hơn một tháng trôi qua, tình trạng thiếu xăng dầu không chỉ dừng lại ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam mà đã lan rộng tới nhiều quận, huyện ở Hà Nội. Hiện, nhiều cây xăng ở Hà Nội đã tạm ngưng bán hàng hoặc chỉ bán cầm chừng, giới hạn 30.000 đồng/xe máy, 500.000-600.000 đồng/ôtô và xuất hiện các điểm bán xăng tự phát giá cao gây bức xúc cho người dân.
Riêng trong năm nay, đây không phải lần đầu có tình trạng thiếu xăng, các cửa hàng bán nhỏ giọt. Hồi tháng 2, tháng 8 khi nguồn cung từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp đầu mối bị rút giấy phép nhập khẩu, cảnh tượng này đã diễn ra.
Nhiều nguyên nhân
Hiện nay, xăng dầu sản xuất trong nước thông qua hai nhà máy lọc dầu đảm bảo 80% nhu cầu thị trường, còn lại là nhập khẩu. Tuy nhiên, một nửa lượng dầu thô để sản xuất xăng dầu được nhập khẩu từ thế giới, nên giá xăng dầu biến động sẽ có tác động trực tiếp đến xăng dầu trong nước.
Trong hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện có 4 tầng: 36 doanh nghiệp đầu mối, hơn 300 thương nhân phân phối (đơn vị nhận hàng từ doanh nghiệp đầu mối), đại lý/tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ. Tổng đại lý/đại lý và cửa hàng bán lẻ có khoảng 17.000 cửa hàng, đây là hệ thống do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp, quản lý trực tiếp.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, hệ thống phân phối này liên tục bộc lộ những điểm yếu, gây nên bất ổn trong thị trường xăng dầu cả nước.
Về nguyên nhân thiếu xăng dầu thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thừa nhận do các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng. Họ chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Bộ Tài chính cũng thừa nhận nguồn hàng ít hơn một phần vì chính các doanh nghiệp đầu mối hiện cũng e dè hơn khi nhập khẩu do giá thế giới biến động khó lường, nguy cơ thua lỗ cao.
Bên cạnh đó, nguồn cung cho xăng dầu của thế giới ngày càng khan hiếm bởi gần đây châu Âu và các nền kinh tế lớn gia tăng thu mua lượng dầu hiện có từ các nguồn cung chính là OPEC+ và Nga. Hơn nữa, tỷ giá ngoại tệ liên tục thay đổi khiến doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu gặp khó khăn.
Tình trạng khan hiếm xăng dầu, đứt gãy nguồn cung và tạm đóng cửa một số cơ sở kinh doanh xăng dầu tiếp tục tái diễn ở Hà Nội và TP.HCM trong những ngày gần đây. Ảnh: Duy Anh - Quỳnh Danh.
Đồng thời, việc tiếp cận vốn ngoại tệ để được bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán của các doanh nghiệp đầu mối và phân phối còn khó khăn do không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của các ngân hàng.
Chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam tăng cao trong khi chi phí này chưa tính đủ vào giá cơ sở do Nhà nước điều hành nên doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu để giảm thua lỗ.
Đáng chú ý, cùng thời điểm này nhiều doanh nghiệp đầu mối bị rút giấy phép nhập khẩu xăng dầu 1-1,5 tháng cũng khiến nguồn cung bị ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra, việc ngân hàng siết tín dụng, không có nguồn tài chính cũng là một trong số nguyên nhân khiến doanh nghiệp xăng dầu hạn chế nhập hàng.
Bộ trưởng Công Thương cũng từng chỉ ra doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối hay đại lý khi kinh doanh lĩnh vực này đều được ngân hàng mở một hạn mức để vay. "Hạn mức này quy định từ trước khi giá xăng dầu trước chỉ 50-60 USD/thùng, nhưng giá hiện giờ tăng 2 lần, nhưng hạn mức tín dụng có hạn nên những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn, không làm ngoài ngành cũng không có tiền để nhập hàng", ông nói.
Bên cạnh vấn đề nguồn vốn, nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không muốn tiếp tục kinh doanh là chiết khấu thấp kéo dài nhiều tháng qua. Bởi thực tế hiện nay các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có lãi nhờ chiết khấu - khoản thỏa thuận, giảm giá của đơn vị bán buôn xăng dầu cho doanh nghiệp bán lẻ.
Nhiều chủ cây xăng cho biết chỉ khi mức chiết khấu khoảng 700-800 đồng/lít thì họ mới có thể có lãi. Bởi cửa hàng bán lẻ phải gánh thêm chi phí vận chuyển, nhân công, hao hụt, thuê mặt bằng giá cao...
Người dân TP.HCM ùn ùn đi đổ xăng ngày 11/10. Ảnh: Quỳnh Danh.
Quy định, chính sách điều hành xăng dầu "có vấn đề"
Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, việc thị trường xăng dầu bất ổn trong thời gian qua còn xuất phát từ việc điều hành của cơ quan quản lý "có vấn đề", thiếu minh bạch từ cơ chế điều hành giá bán lẻ, sử dụng quỹ bình ổn giá, điều chỉnh chi phí kinh doanh, quản lý chuỗi hệ thống phân phối xăng dầu từ đầu mối đến đại lý bán lẻ...
Chưa kể, trong vấn đề điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chưa có sự thống nhất và phối hợp. Đơn cử, ngay đầu tháng 10, Bộ Công Thương cho biết đã 4 lần đề xuất cơ quan này điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu, nhưng chưa được Bộ Tài chính đồng thuận. Điều này khiến chiết khấu giảm về 0, cửa hàng bán lẻ bị thua lỗ...
"Cơ quan điều hành chốt giá bán ra nhưng lại 'thả nổi' hợp đồng giữa các doanh nghiệp trung gian như đầu mối, phân phối, đại lý, tổng đại lý... thì sẽ có vấn đề", TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định thêm.
Sự phối hợp quản lý giữa Bộ Công Thương - quản lý về nguồn cung, xuất nhập khẩu xăng dầu và Bộ Tài chính - quản lý giá, chi phí… còn chưa tốt. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách). |
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm cho rằng giao xăng dầu về Bộ Công thương quản lý là hợp lý, sẽ giúp giảm tải đầu mối. Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách) khẳng định nguồn cung xăng dầu đứt gãy là do cơ chế quản lý.
"Chiết khấu xuống quá thấp, chi phí kinh doanh không được điều chỉnh kịp thời khiến doanh nghiệp bị thua lỗ, đương nhiên họ dừng lại. Nhưng vấn đề ở đây là sự phối hợp quản lý giữa Bộ Công Thương - quản lý về nguồn cung, xuất nhập khẩu xăng dầu và Bộ Tài chính - quản lý giá, chi phí… còn chưa tốt", vị đại biểu đánh giá.
Tại phiên thảo luận Quốc hội chiều 28/10, nói về lĩnh vực điều hành xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết Bộ sẽ đề nghị Chính phủ giao toàn diện phần xăng dầu về Bộ Công Thương, kể cả việc quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo nguồn cung chủ động.
Tác giả: Thanh Thương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy