Dòng sự kiện:
Từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội: Lộ lỗ hổng trong xây dựng, quản lý
13/09/2023 17:35:24
Do lợi nhuận và nới lỏng trong quản lý, nên không ít hộ gia đình, chủ đầu tư đã xây dựng nhà ở “hóa” chung cư mini vượt tầng, không đảm bảo điều kiện phòng cháy, chữa cháy.

Căn nhà bốc cháy dữ dội trong đêm.(Ảnh: Cắt từ video)

Vụ cháy nghiêm trọng làm nhiều người thương vong ở chung cư mini xảy ra trên địa bàn phường Khương Đình (tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) vào đêm 12/9, một lần nữa dấy lên lo ngại về sự an toàn của dạng công trình nhà ở đã và đang có xu hướng mọc lên “như nấm” ở trong các ngõ, hẻm này.

Điều đáng nói là, do lợi nhuận và nới lỏng trong quản lý, nên không ít hộ gia đình, chủ đầu tư đã xây dựng nhà ở “hóa” chung cư mini vượt tầng, không đảm bảo điều kiện cũng như an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Chung cư mi ni “mọc lên” như “nấm”

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhu cầu về nhà ở đối với người dân tại các tỉnh “đổ về” các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… ngày một lớn.

Nắm bắt được nhu cầu về nhà ở trên của người xa quê, nhiều chủ đầu tư đã “đón đầu” bằng việc xây dựng tổ hợp nhà ở theo dạng chung cư mini. Đó cũng là một trong những lý do khiến chung cư mini mọc lên “như nấm.”

Các khu nhà trên xây dựng với diện tích nhỏ, quy mô từ 5 đến 10 tầng. Bất cập là, nhiều chủ đầu tư khi xây dựng đều đưa ra lý do ban đầu là nhà ở sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng cho thuê hoặc bán căn hộ. Thực tế, hầu hết các chủ đầu tư đều cố gắng tận dụng tối đa quỹ đất nên ít làm lối thoát hiểm, cơ sở vật chất phòng cháy chữa cháy chỉ mang tính hình thức nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Đáng chú ý hơn là hầu hết chung cư mini hay nhà ở mở rộng nhiều phòng tại các đô thị lớn, đặc biệt là tại các quận của thành phố Hà Nội (như Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy…) đều được các hộ gia đình, chủ đầu tư xây dựng ở trong các ngõ, hẻm nhỏ. Thậm chí, có những hẻm chiều ngang chỉ đủ cho 1-2 chiếc xe máy đi qua. Đây cũng là bất cập làm nảy sinh hàng loạt vụ hỏa hoạn trong những năm qua.

Chung cư mini Khương Hạ (phường Khương Đình, Thanh Xuân) - nơi vừa xảy ra vụ cháy nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong, vào tối 12/9, là một trong những minh chứng rõ thấy về hiện trạng chung cư mini ở Hà Nội.

Chung cư mini Khương Hạ có 10 tầng với hơn trăm người sinh sống. Trong đó có 1 tầng hầm để xe, 8 tầng căn hộ và 1 tầng tum. Mỗi tầng có 5 căn hộ với diện tích từ 35 - 56m2/căn, chủ yếu là sinh viên và hộ gia đình sinh sống.

Theo người dân sinh sống tại chung cư mini Khương Hạ, chung cư này xây theo dạng nhà ống với một mặt tiền và đây cũng được coi là lối thoát hiểm duy nhất.

Chung cư mini - nơi xảy ra đám cháy nằm giữa khu dân cư đông đúc. (Ảnh:Tuấn Anh/TTXVN)

Thời điểm lửa bùng phát, do tòa nhà nằm trong ngõ sâu nên công tác cứu hỏa gặp nhiều khó khăn. Xe chữa cháy chỉ có thể đỗ cách chung cư mini Khương Hạ 300- 400m. Lực lượng chức năng phải dẫn vòi rồng vào để dập lửa.

Cũng tại phường Khương Đình, trước đó, vào đêm ngày 6/3/2023, tại chung cư mini số 315 Vũ Tông Phan đã xảy ra một vụ cháy khiến hơn 170 người đang sinh sống tại tòa nhà này phải tháo chạy trong hoảng loạn.

Theo nhiều cư dân, chung cư này được xây dựng từ rất lâu với chức năng là tòa nhà hỗn hợp và khi hoàn thành chủ đầu tư đã bán từng căn hộ cho người có nhu cầu, nhưng tầng lửng vẫn do chủ đầu tư quản lý. Thời điểm xảy ra vụ cháy, tầng lửng được cho thuê lại để kinh doanh ăn uống, dù cư dân tại đây phản đối.

Trước đó, vào tối 12/5 vừa qua, trên địa bàn quận Đống Đa (thành phố Hà Nội) cũng đã xảy ra vụ cháy chung cư mini tại ngách 20, ngõ 426 đường Láng. Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy là do chập điện bình nóng lạnh.

Tại quận Cầu Giấy, vào cuối tháng 10/2022, cũng đã xảy ra vụ cháy chung cư mini ở ngõ 132 Cầu Giấy, khiến lực lượng chức năng phải điều động 4 xe chữa cháy cùng hơn 20 cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường dập lửa, giải cứu 11 người. Được biết, chung cư xảy ra cháy có 6 tầng và một tum, diện tích mỗi tầng khoảng 50m2.

Bất lực trong quản lý, người dân lãnh đủ

Đề cập đến vấn đề quản lý với loại hình chung cư mi ni, đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, đã quy định dạng căn hộ có diện tích tối thiểu 30 m2, khép kín, đáp ứng được các yêu cầu về nhà chung cư sẽ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp "sổ đỏ" cho từng căn hộ.

Tuy nhiên, trên thực tế, do “cơn mê” lợi nhuận, nên trong quá trình xây dựng, phần lớn các chủ đầu tư đều xây dựng chung cư mini vượt tầng cao, không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy. Đây cũng là lý do khiến số lượng chung cư mini được cấp sổ đỏ cho từng căn hộ mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Một số sai phạm chính tại những công trình chung cư mini đang tồn tại, chủ yếu như: xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng… rồi tự do mua bán, chuyển nhượng.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, chưa có thống kê nào về số lượng các chung cư mini trên địa bàn. Các căn hộ đối với chung cư mini này thường ban đầu xin cấp phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ nhưng sau đó chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng, ngăn chia thành các phòng khép kín cho thuê hoặc bán.

Hiện trường vụ cháy chung cư mini trong phố Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trước đó, năm 2020, Bộ Xây dựng cũng đã từng cảnh báo thực tế trên sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó là nguy cơ về quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; không cấp được giấy chứng nhận sở hữu cho người mua căn hộ do công trình vi phạm về thiết kế, mật độ xây dựng dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua và người bán…

Dưới góc nhìn chuyên gia, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh - ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh trong hơn 10 năm qua, nhất là từ năm 2010 đến nay, đã nở rộ tình trạng xây dựng chung cư mini với nhiều tầng, nhiều căn hộ mini tại các đô thị, quận nội thành.

Việc nở rộ chung cư mini vượt ngoài tầm kiểm soát và nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ những bất cập của các quy định pháp luật về “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân.”

Cũng theo ông Châu, Luật Nhà ở 2014, tại Điều 46, đã cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín.

“Quy định này đã dẫn đến tình trạng phát triển loại nhà chung cư mi ni, chung cư ‘hộp diêm’ làm tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị; trong đó có yếu tố mất an toàn về phong cháy chữa cháy,”  ông Châu phân tích.

Bàn về vấn đề trên, Tiến sỹ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cũng nhấn mạnh rằng nếu một chung cư mini được xây dựng trong khu dân cư vốn đã đông đúc sẽ kéo theo áp lực dân số tăng lên. Từ đó sẽ dẫn tới hàng loạt các hệ lụy về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ.

“Mặc dù chúng ta luôn cố gắng để khống chế mật độ công trình, số lượng cư dân tại các khu đô thị để đảm bảo phục vụ tốt những nhu cầu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên tại địa bàn các quận nội thành, thực trạng nhiều chung cư mini mọc lên khiến quy hoạch chung bị phá vỡ,” ông Nghiêm nêu dẫn chứng.

Trước thực trạng trên, ông Nghiêm cho rằng để khắc phục tình trạng phát triển chung cư mini tràn lan, bất chấp quy định của pháp luật, thời gian tới cần có quy định rõ ràng hơn. Đặc biệt là cần đưa ra khái niệm chuẩn xác về chung cư mini trong những văn bản quy phạm pháp luật; xác định rõ khu vực nào được xây dựng, khu vực nào không được xây dựng, nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm./.

Tác giả: Hùng Võ 

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến