Ngân hàng Trung ương (NHTW) ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều giữ vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cụm từ NHTW hiện đại (“The modern Central bank”) đã được nhắc đến trong nhiều nghiên cứu quốc tế và đã có rất nhiều những định nghĩa khác nhau về khái niệm này. Mặc dù cho đến nay chưa có một định nghĩa thống nhất cho thuật ngữ NHTW hiện đại, nhưng tổng hợp các nghiên cứu có thể rút ra ba đặc điểm chính:
Thứ nhất, không có sự khác biệt về chức năng, nhiệm vụ của một NHTW hiện đại và một NHTW (NHNN) thông thường. Hầu hết các NHTW/NHNN đảm nhận 2 nhiệm vụ chính là “ổn định tiền tệ” và “ổn định tài chính” một cách trực tiếp (trong luật) hoặc gián tiếp.
Thứ hai là có sự gia tăng về chất lượng thực hiện các nhiệm vụ đó, được thể hiện ở các quyết định của NHTW tăng tính chính xác, đúng đắn (liên quan đến sự cải thiện năng lực phân tích, dự báo); tăng tính khách quan, minh bạch và giải trình (liên quan tới sự thành lập các hội đồng và cơ chế ra quyết định chính sách của NHTW - việc tách bạch chức năng quản trị và điều hành tại các NHTW).
Và thứ ba, có sự gia tăng về vị thế/vai trò của NHTW trong việc thực thi nhiệm vụ (NHTW nắm vai trò toàn quyền quyết định; chủ chốt hay chỉ là tham gia cùng với các cơ quan khác). Điều này liên quan đến mức độ độc lập của NHTW trong xác định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và sử dụng các công cụ CSTT để thực thi nhiệm vụ này.
Như vậy, nội hàm NHTW hiện đại không cố định mà có thể điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội của từng quốc gia. Việc xây dựng NHNN trở thành NHTW hiện đại thực chất là hiện đại hóa hoạt động của NHNN, đồng nghĩa với việc gia tăng chất lượng quản trị và gia tăng vị thế, vai trò của NHNN trong việc thực thi các nhiệm vụ được giao.
Ở Việt Nam, căn cứ xu hướng phát triển chung về mô hình NHTW trên thế giới, dự kiến về bối cảnh đất nước và yêu cầu đối với ngành Ngân hàng trong 10 năm tới, nội hàm NHTW hiện đại đặt ra tại phần mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được hiểu với ba nội dung chính. Đó là có sự gia tăng về chất lượng thực hiện các nhiệm vụ, tăng tính minh bạch, giải trình; sự gia tăng về vị thế/vai trò của NHNN trong việc thực thi nhiệm vụ, hay nói cách khác gia tăng mức độ độc lập của NHNN trong thực thi CSTT; nhấn mạnh vai trò chủ chốt của NHNN đối với ổn định tài chính.
Để thực hiện mục tiêu trên, Chiến lược xác định một loạt các giải pháp cần triển khai, như: Tăng cường năng lực thể chế, nâng cao vị thế, tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của NHNN; Đổi mới khuôn khổ CSTT, công tác quản lý ngoại hối và vàng; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; Xây dựng Kế hoạch truyền thông toàn diện trong từng giai đoạn góp phần gia tăng trách nhiệm giải trình của NHNN trước công chúng và Chính phủ, Quốc hội.
Tại Việt Nam hiện nay, Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm. Thống đốc NHNN quyết định việc sử dụng công cụ thực hiện CSTT quốc gia, bao gồm tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ, biện pháp khác theo quy định của Chính phủ. Như vậy, nếu căn cứ theo 4 mức độ độc lập được đề cập tại nghiên cứu của IMF (2004) thì NHNN hiện mới chỉ dừng lại ở việc độc lập trong lựa chọn công cụ điều hành, mà chưa thực sự được tự chủ trong việc thiết lập mục tiêu hay chỉ tiêu hoạt động.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, so với thời gian trước, vị trí và địa vị pháp lý của NHNN đang được cải thiện đáng kể: Tính độc lập, chủ động trong điều hành CSTT của NHNN đã và đang được tăng cường thông qua điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ CSTT; thẩm quyền của NHNN trong việc giám sát an toàn hoạt động của các TCTD được quy định rõ thông qua hai hoạt động giám sát và thanh tra, cùng với việc đổi mới cơ cấu tổ chức, hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng thuộc NHNN nhằm đảm bảo sự quản lý chặt chẽ hơn đối với hệ thống TCTD.
Bên cạnh đó, tính chủ động và trách nhiệm giải trình của NHNN trước Quốc hội, Chính phủ, cử tri, dân chúng cũng được tăng cường. Số lượng chất vấn của ĐBQH và kiến nghị của cử tri đối với ngành Ngân hàng đã giảm nhanh so với trước và NHNN được đánh giá là một trong các bộ, ngành xử lý sớm nhất chất vấn và kiến nghị của ĐBQH và cử tri. Các chủ trương, chính sách và giải pháp điều hành của NHNN được truyền tải đến công chúng một cách chính xác, kịp thời và đầy đủ, góp phần tạo sự đồng thuận và nâng cao niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng.
Như vậy, việc đòi hỏi quyền tự quyết và độc lập một cách tuyệt đối, cho dù là về mặt hoạt động hay về mặt pháp lý, không hoàn toàn giúp cho NHNN trở thành một NHTW hiện đại. Nâng cao vai trò độc lập của NHTW không đồng nghĩa với việc NHTW thoát ly hoàn toàn khỏi Chính phủ. Điều quan trọng là có được sự độc lập để đảm bảo NHNN hoạt động một cách chuyên nghiệp, hiệu quả trong khi vẫn đảm bảo vai trò là một cơ quan ngang bộ của Chính phủ.
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy