Tương lai nào cho giá vàng nếu Fed tăng lãi suất?
15/09/2015 07:43:39
ANTT.VN - Thị trường vàng đang diễn biến ảm đạm trước cuộc họp lịch sử giữa tuần này (16-17/9) của Fed. Nếu tổ chức này kiên quyết nâng lãi suất, giá vàng có thể trở về mốc trước khủng hoảng tài chính 2008.

Tin liên quan

Giá vàng đang được giao dịch ở mức thấp suốt một tháng nay, với số liệu cho thấy giới đầu tư đang chuyển đổi vàng sang các hình thức đầu tư khác. Thị trường lao động Mỹ khởi sắc và đồng USD mạnh là những yếu tố góp phần đè nặng lên giá vàng.

Chỉ trong 3 tuần qua, các quỹ ETPs vàng mất 2,6 tỉ USD trong bối cảnh giới đầu tư vàng đang lo sợ viễn cảnh Fed quyết định tăng lãi suất vào giữa tuần này. Trong khi có các dấu hiệu cho thấy Fed sẽ chưa vội vàng thắt chặt hệ thống tiền tệ của mình ngay lúc này, thì giới đầu từ vẫn cho rằng sớm muộn cũng sẽ có một sự đảo chiều trong diễn biến lãi suất từ nay cho tới cuối năm. Chi phí đi vay cao hơn sẽ giảm đi sức hấp dẫn của thứ kim loại này, bởi không giống những hình thức đầu tư khác như trái khoán, vàng không có tỉ suất sinh lời.

“Rất nhiều khả năng Fed vẫn sẽ tăng lãi suất trong năm nay, cùng với một đồng USD mạnh sẽ là những yếu tố lớn nhất tiếp tục gây sức ép lên giá vàng”, ông Rob Haworth, nhà đầu tư chiến lược cao cấp tại US Bank Wealth Management cho biết.

Giá vàng đã giảm 1,6% tuần trước xuống còn 1103,30$/oz trên sàn Newyork sau khi chạm đáy 1097,70$/oz hôm thứ 6 – mức thấp nhất từ 11/8. 2 năm đã qua là quãng thời gian khó khăn đối với các nhà đầu tư vàng. Các quỹ ETPs vàng đã mất tổng cộng hơn 54 tỉ USD.

“Nền kinh tế toàn cầu chưa tồi tệ tới mức phải sử dụng vàng làm vật đảm bảo”, Frances Hudson – Chuyên gia kinh tế tại Standard Life Investments cho biết.

Giá vàng đang đi ngược chiều với đồng USD ngày càng mạnh lên và hướng tới năm thứ ba liên tiếp giảm giá. Ngân hàng BNP Paribas SA dự báo giá vàng sẽ tiếp tục đi xuống và rớt xuống mức 925$/oz trong quý III/2016.

Các yếu tố từ thị trường Mỹ đang quyết định giá vàng

Một yếu tố quan trọng có thể tác động tới quyết định cuối cùng của Fed là tỉ lệ thất nghiệp của nền kinh tế Mỹ. Con số này trong tháng 8 là 5,9% - mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Mặc dù chưa đạt được con số kỳ vọng 5.5% của tổ chức này, tuy nhiên thị trường lao động được cải thiện cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như đã sẵn sàng cho một sự đảo chiều trong lãi suất lần đầu tiên trong 9 năm qua.

Trong gần một thập kỷ qua, Fed đã giảm lãi suất cơ bản từ 5,25% về mức 0% và giữ nguyên mức này trong suốt một thời gian dài.

Một lưu ý nữa cần quan tâm là trong khi Fed đang cân nhắc tăng lãi suất, thì chính sách tiền tệ lại đang bất ổn ở những trung tâm kinh tế khác trên thế giới. Nhằm ngăn đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, ngân hàng Trung ương Trung Quốc tháng vừa rồi đã phá giá sâu đồng nội tệ lần đầu tiên kể từ năm 1990.

Trong khi đó ở khu vực Eurozone, chủ tịch ngân hàng Trung ương châu Âu ECB Mario Draghi cho hay tổ chức này đang cân nhắc mở rộng gói “Nới lỏng định lượng (QE)” nhằm tiếp tục kích thích nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại của khu vực này.

Trong một ý kiến khác, ông Jeffrey - chủ tịch quỹ đầu tư Circle Squared Alternative Investments lại cho rằng giá vàng tụt dốc là cơ hội không thể tuyệt vời hơn cho giới đầu tư. "Trong bối cảnh rất nhiều quốc gia đang phá giá đồng nội tệ của mình, con người cuối cùng cũng sẽ chỉ tin tưởng vào vàng". Ông cho biết.

Giá vàng đã tăng 70% từ tháng 12/2008 cho tới tháng 6/2011 trong khi các ngân hàng trung ương tăng lượng cung tiền với một mức độ chưa từng thấy. Tuy nhiên hiện tại giá kim loại này đã giảm 40% từ mức đỉnh 1923,70$ năm 2011.
 
Nghi Điền (Theo Bloomberg)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến