Tương lai VN sẽ có những thương vụ M&A ngược?
25/01/2015 18:22:40
ANTT.VN – “ Những thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) giữa DN bán lẻ Thái Lan và DN bán lẻ VN không hề xấu vì chúng ta đang vận hành theo nền kinh tế thị trường “ mạnh sống, yếu chết”, nếu lĩnh vực bán lẻ của ta không cạnh tranh được, chúng ta phải bỏ để đầu tư vào thế mạnh của mình”.

Tin liên quan

Trong năm 2015, VN sẽ ra nhập chính thức Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC),  Vậy nền kinh tế VN sẽ vấp phải những khó khăn, thách thức, cũng như những thuận lợi như thế nào? Bên cạnh đó, nhiều lo ngại liên quan đến vấn đề gần đây nhiều DN bán lẻ VN đã “ bán mình” cho các “ ông lớn” ngành bán lẻ của Thái Lan liệu sau khi tham gia vào AEC thị trường bán lẻ VN liệu ra sao?

Tham gia AEC thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội

Trao đổi với PV ANTT, TS.Hoàng Đình Minh – Giảng viên ĐH Bách Khoa HN cho biết, thực tế, AEC được thành lập từ rất sớm, nếu đúng theo lộ trình thì cộng đồng kinh tế ASEAN  đến năm 2020 mới chính thức đi vào hoạt động, nhưng việc này đã được đẩy nhanh tiến độ lên 5 năm và quyết tâm năm 2015 sẽ thực hiện điều đó. Trước sự chuẩn bị đó thì VN không hề bị động trong vấn đề này.

Nguyễn Kim vừa " bán mình" cho tỷ phú Thái Lan Chirathivat (Ảnh: internet)

AEC hướng đến năm 2020 sẽ hình thành mô hình kinh tế khu vực, gồm 3 trụ cột chính, một là về kinh tế, hai là về an ninh, ba là về văn hóa, tương lai AEC sẽ hướng đến mô hình giống như mô hình Liên minh kinh tế và Liên minh tiền tệ của châu Âu.

Năm 2015 này, lần đầu tiên chúng ta sẽ có tự do di chuyển về lao động, tự do di chuyển về vốn, đây là thách thức đối với nền kinh tế VN, vì VN vẫn là nước có nền kinh tế tương đối lạc hậu so với các nước trong khu vực, thực tế ASEAN là 10 nước thì người ta chia làm ASEAN 6 và ASEAN 4, ASEAN 6 là những nước  hơn chúng ta, còn 4 nước  còn lại là VN, Lào, Campuchia, Myanma , các nước trong  ASEAN 6 đã làm việc này từ rất sớm nên họ có nhiều lợi thế hơn.

“Về thách thức đối với VN, rõ ràng là chúng ta yếu thế hơn về vốn, yếu thế hơn về công nghệ, còn lao động VN là lao động giá rẻ, trình độ tương đối thấp, thậm chí ngay trình độ đại học của chúng ta cũng là thấp so với các nước trong khu vực” – TS. Minh chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Minh cũng cho biết, về mặt thuận lơi, đầu tiên phải kể đến AEC sẽ mở ra một thị trường rộng mở cho hàng hóa VN, thứ hai là thu hút được nguồn vốn FDI, thứ ba là trình độ quản lý, vì trong mặt bằng chung nếu trình độ quản lý kém hơn thì hàng hóa cũng kém hơn, chi phí giá thành cao hơn, nên khả năng của chúng ta sẽ kém, do đó,  bắt buộc ta phải nâng cao trình độ của cả người lao động và người quản lý.

Theo TS. Minh, Hiệp định khung của ASEAN  hiện đã đưa ra 7 ngành sản xuất hàng hóa được ưu tiên, đó là nông sản, thủy sản, sản phẩm cao su, sản phẩm gỗ, dệt may, điện tử, ô tô, với 7 loại mặt hàng này chúng ta đang ở lợi thế so sánh kém hơn so với Thái Lan, bên cạnh đó hai ngành dịch vụ cũng được mở rộng là dịch vụ hàng không, và dịch vụ thương mại điện tử ASEAN, cùng đó là hai ngành vừa là hàng hóa, vừa là dịch vụ là ngành y tế và ngành công nghệ thông tin.

Năm 2006, thêm một ngành được ưu tiên nữa là ngành hậu cần. Ngành hậu cần ở VN vào năm 2014 xếp ở vị trí thứ 58 trên thế giới, trong khi đó, Singapore đứng số 1 thế giới về lĩnh vực này, Malaysia, Thái Lan cũng trong top 10 ngành này của thế giới. Đó cũng là một thách thức đối với VN.

Về việc hàng hóa của các nước ASEAN vào VN, theo đánh giá của TS. Minh thì chưa cần diễn ra AEC hàng hóa ASEAN đã vào VN  rồi, các mặt hàng như của Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan thậm chí đã khẳng định được vị trí trên thị trường VN, mặc dù chưa giảm thuế nên mặt hàng này có đắt hơn một chút nhưng người tiêu dùng ở mức trung bình – khá họ vẫn chấp nhận và thực chất hàng hóa Trung Quốc đã bị hàng hóa ASEAN đẩy ra một góc.

“Nếu chúng ta ra nhập AEC hàng hóa ASEAN tràn vào VN mà đẩy được hàng hóa Trung Quốc ra đây lại là một điều tốt vì khi hàng hóa các nước ASEAN đưa vào bán tại các siêu thị, các cửa hàng VN thì chúng ta thu được thuế, ở đây chúng ta thu được hai loại thuế, thứ nhất là thuế giá trị gia tăng hàng hóa, thứ hai là thuế thu nhập DN, khi DN đó có lãi. Nhưng ngược lại, chúng ta nhìn lại đối với hàng hóa Trung Quốc  đi theo đường tiểu ngạch, chúng ta không thống kê được số lượng hàng hóa qua đường tiểu ngạch là bao nhiêu nên chúng ta hoàn toàn thất thu về thuế” – TS. Minh phân tích.

Tại sao DN Thái Lan lại lựa chọn DN Việt Nam để M&A?

TS. Minh cho rằng,  mục đích của kinh doanh là lợi nhuận, chứ không phải làm từ thiện. Do đó, các Tập đoàn bán lẻ của Thái Lan nhìn thấy tiềm năng của VN nên họ mới đầu tư vào.
“Tất cả các công ty mua DN VN chủ yếu là các công ty cổ phần, họ chọn VN vì chúng ta có một môi trường chính trị ổn định, thêm nữa thị trường bán lẻ của VN chưa có, vẫn mở, mà chúng ta có tới 90 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người đang tăng, do đó, thị trường bán lẻ của VN hiện nay rất “ mầu mỡ” – TS. Minh nói.

Vậy M&A là tốt hay xấu? Theo TS. Minh, M&A là tốt, không hề xấu vì chúng ta đang vận hành theo nền kinh tế thị trường, nghĩa là “ mạnh sống, yếu chết”, điều đó chỉ ra rằng nếu lĩnh vực kinh doanh bán lẻ của chúng ta không cạnh tranh được chúng ta phải bỏ để đầu tư vào lĩnh vực khác, tập cũng vào thế mạnh của mình.

VinMart của Vingroup (Ảnh: VTC.VN)

Theo phân tích của TS. Minh,  sức cạnh tranh của DN bán lẻ VN hiện nay còn yếu, lợi thế duy nhất của các nhà bán lẻ của VN là am hiểu thị trường, còn lại yếu điểm là vốn nhỏ, kinh nghiệm quản lý không có, nhân lực trong ngành bán hàng cũng không, nhất là ở VN chưa có địa điểm nào đào tạo nhân viên bán hàng đúng nghĩa , đa phần nhân viên bán hàng cũng chỉ coi đó là công việc tạm thời, bán thời gian.

“Theo tôi được biết hiện Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội VN đang xây dựng chương trình đào tạo nhân viên bán hàng. Ở HN, Tp.HCM đã khó kiếm nhân viên bán hàng chuyên nghiệp rồi thì về những tỉnh lẻ còn khó hơn nữa”, TS.Minh nói.

“Xu hướng M&A của các DN Thái Lan vào các DN Việt Nam là điều tất yếu” – TS. Minh nhận định, nếu doanh nghiệp VN không “bán mình” cho các DN Thái Lan mà bỏ số tiền đó đế gây dựng một chuỗi siêu thị thì họ sẽ thua lỗ. “Tôi nhìn thấy rằng xu thế bán lại của các DN VN hiện nay là xu thế đúng, vì các DN bán lẻ VN hiện nay bán lại cho DN Thái Lan đều ở mức giá cao chứ không phải mức giá thấp, những chủ DN đã thành lập, gây dựng nên những DN này họ không phải không hiểu biết gì về thị trường”.

Lợi thế của thị trường bán lẻ VN khi mà các DN Thái Lan vào nữa là thương hiệu của các DN bán lẻ Thái Lan sẽ gắn liền vào các DN bán lẻ VN, các thương hiệu của DN Thái Lan thường là danh hiệu toàn cầu và người tiêu dùng VN sẽ được sử dụng sản phẩm của thương hiệu quốc tế chứ không phải tiêu chuẩn VN, kể cả về hàng hóa hay phong cách phục vụ, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng khi M&A xảy ra, các DN Thái Lan mua lại các DN bán lẻ VN thì chất lượng của ngành dịch vụ bán lẻ của VN sẽ tăng lên.

TS. Hoàng Đình Minh cho rằng, hiện nay nhiều người hiểu bán lẻ theo một nghĩa rất “ thô thiển” như là “chợ cóc” nếu mất “chợ cóc” đó là sẽ “ rộn ràng” lên nhưng thực tế không đúng như thế, ngành bán lẻ của tất cả các quốc gia trên thế giới họ chỉ có vài nhà bán lẻ chính chứ không phải thị trường cạnh tranh tự do là hàng trăm người bán, hàng trăm người mua. Thị trường bán lẻ của mỗi quốc gia thường rơi vào khoảng  5 – 6 nhà bán lẻ chính và VN hiện cũng đi theo xu hướng đó, như hồi tháng 10 năm 2014, Ocean Mart đã bán lại cho tập đoàn Vingroup và đổi thành Vinmart, trong tương lai với cơ sở hạ tầng của Vinmart họ cũng có thể trở thành một thương hiệu bán lẻ lớn của VN.

Những thương vụ M&A ảnh hưởng tới nền kinh tế VN thế nào?

TS. Minh phân tích, M&A là tốt cho nền kinh tế VN, vì những đại gia bán lẻ này mua DN đó không phải họ mang nó về Thái Lan mà họ tiếp tục kinh doanh ở VN, nếu như trước đây chủ VN kinh doanh không tốt, hiệu quả không cao, đóng thuế cho nhà nước ít, bây giờ chủ Thái Lan nếu họ làm tốt hơn, doanh thu tốt hơn, lợi nhuận cao hơn họ sẽ đóng thuế nhiều hơn cho nhà nước, tất nhiên một phần sẽ để đóng góp cho đất nước của họ.

Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ nhìn M&A trên một khía cạnh chiều đi mà chưa nhìn M&A theo khía cạnh chiều về.

Theo TS. Minh, M&A theo khía cạnh chiều về rất hạn chế và hiếm khi xảy ra, M&A theo chiều về là tác động ngược lại, từ phía thị trường tiêu thụ VN tác động ngược lại đến Thái Lan, ví dụ, trước đây tất cả các nhà máy Canon ở Thái Lan hoạt động với hiệu quả và năng suất cao nhất thế giới nó đạt khoảng 98 – 99% công suất nhà máy, nhưng khi Canon thành lập nhà máy tại Bắc Ninh – Việt Nam thì công suất của nhà máy Canon ở Bắc Ninh có lúc lên tới 120%, vượt qua Thái Lan, vượt qua cả năng suất của nhà máy Canon ở Nhật, điều chúng ta thấy là gì? Nó sẽ có hiệu quả ngược, người ta sẽ lấy các nhà máy Canon ở VN làm chuẩn để áp dụng trên toàn thế giới.

“Nếu M&A của Thái Lan tại VN mà tốt thì họ sẽ lấy đó làm chuẩn để áp dụng lại tại Thái Lan, chưa nói tới M&A ngược nữa là với những sản phẩm tại VN mà họ thấy bán tốt, có thể họ sẽ đặt các nhà máy ngay tại VN..., người ta gọi đây là M&A ngược tức là họ M&A chúng ta rồi, chúng ta lại bằng văn hóa, bằng những cái tốt của chúng ta, chúng ta M&A ngược lại họ" - TS.Minh nhận định.

Kiều Chinh – Tú Anh
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến