Dòng sự kiện:
Tuyển sinh lớp 6 bằng đánh giá năng lực: Lo ngại tăng áp lực luyện thi là chưa có cơ
22/12/2017 06:35:53
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, việc đánh giá năng lực học sinh khác với đánh giá kiến thức bởi kiến thức là nguyên liệu để hình thành năng lực. Lo ngại tăng áp lực luyện thi là chưa có cơ sở.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư về quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Trong đó, tuyển sinh THCS sẽ theo phương thức xét tuyển. Trường hợp trường nào có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Vậy việc kiểm tra kiến thức khác với kiểm tra, đánh giá năng lực ra sao?.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, Thông tư 11 năm 2014 quy định phương thức tuyển sinh vào THCS là xét tuyển. Tuy nhiên, có một số trường có số hồ sơ đăng ký vào học nhiều hơn so với chỉ tiêu nên gặp khó khăn trong tuyển sinh.

Năm 2015, Bộ GD&ĐT có công văn 1258 giao cho cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học đông hơn so với chỉ tiêu thì được quyền xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện. Dự thảo thông tư này nhằm cụ thể hóa quy định của Bộ trước đó.

Đánh giá năng lực học sinh khác với đánh giá kiến thức (ảnh minh họa)

Đánh giá năng lực học sinh khác với đánh giá kiến thức (ảnh minh họa).

Cũng theo ông Thành, chúng ta đang đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Đánh giá năng lực học sinh khác với đánh giá kiến thức bởi kiến thức là nguyên liệu để hình thành nên năng lực. Đánh giá năng lực học sinh là đánh giá khả năng sử dụng kiến thức mà học sinh có được trong quá trình học tập để giải quyết những vấn đề cụ thể.

Hiện nay, chúng ta đang có định hướng sẽ phát triển 10 năng lực cho học sinh bao gồm: Tự chủ - tự học, giao tiếp – hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo; toán học; ngôn ngữ; tìm hiểu tự nhiên và xã hội; công nghệ; tin học; nghệ thuật; thể chất. Tùy vào mục tiêu yêu cầu của nhà trường mà có thể lựa chọn để đánh giá năng lực nào đó của học sinh.

"Đánh giá năng lực khác với đánh giá kiến thức học sinh ở chỗ, ví dụ để đánh giá về kiến thức toán học thì có thể giao cho học sinh một phương trình hay là một nội dung nào đó dùng kiến thức để giải. Còn đánh giá năng lực thì không phải chỉ có thể, ta phải giao cho học sinh vận dụng kiến thức mình có để giải quyết những vấn đề cụ thể. Tức là người phải tham gia vào quá trình lập ra phương trình để giải chứ không phải chỉ là giải phương trình cho sẵn.

Đánh giá năng lực về ngôn ngữ cả về Tiếng Việt hay Ngoại ngữ cũng vậy. Chúng ta phải đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ của các em tức là nói và viết về những vấn đề phù hợp với lứa tuổi của học sinh. Đối với các năng lực khác cũng tương tự như trên.

Việc thi và kiểm tra đánh giá sẽ có tác động trở lại đối với quá trình dạy học. Các thầy cô không chỉ trang bị kiến thức cho học sinh, mà con phải làm sao cho học sinh biết vận dụng kiến thức đó để giải quyết tình huống phù hợp. Với học sinh tiểu học thì phải giúp các em hình thành năng lực kéo dài từ lớp 1 – 5, chứ năng lực không thể hình thành trong một giai đoạn ngắn nào đó", ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.

Theo một số trường, đánh giá năng lực giúp trường hot đảm bảo được tính chính xác và công bằng hơn trong tuyển sinh. (ảnh minh họa)

Theo một số trường, đánh giá năng lực giúp trường "hot" đảm bảo được tính chính xác và công bằng hơn trong tuyển sinh. (ảnh minh họa).

Chia sẻ về Dự thảo mới này, thầy Phạm Trung Dũng – Hiệu trưởng Trường phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội)- một trong những điểm nóng tuyển sinh đầu cấp cho biết, mình rất ủng hộ dự thảo thông tư quy định mới này có tác dụng rất tích cực cho các trường có số học sinh đăng ký vượt xa so với chỉ tiêu tuyển sinh. Việc này đảm bảo được tính chính xác và công bằng hơn.

Từ nhiều năm nay không được thi tuyển vào lớp 6 nhưng nhiều trường vẫn mong muốn ngoài việc xét tuyển hồ sơ, cần có thêm hình thức kiểm tra đánh giá năng lực học sinh để lựa chọn tốt hơn. Trong ba năm qua, chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của Sở Giáo dục là không tổ chức thi đánh giá năng lực học sinh. Vì chỉ được xét hồ sơ nên dẫn tới câu chuyện có quá nhiều em học sinh có điểm ưu tiên vượt trội, hồ sơ “đẹp long lanh” tăng đột biến nên rất khó tuyển sinh”.

Về bài thi đánh giá năng lực, dù hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn chính thức nào nhưng theo phương thức cũ đã từng áp dụng, có thể tổ chức dưới dạng phỏng vấn, kiểm tra trắc nghiệm hay khảo sát về các năng lực khác.

“Chúng ta có thể khảo sát học sinh thông qua bài thuyết minh với những kiến thức mà các em không phải học thêm, ví dụ như các kiến thức vệ tinh mà học trò đã học ở tiểu học, những hiểu biết về Lịch sử - địa lý, Luật giao thông chẳng hạn để các em có thể tiếp cận được ở cả gia đình nữa để đánh giá học sinh. Ngoài ra, năng lực tiếp thu về ngoại ngữ cũng là yếu tố quan trọng trong việc đánh giá năng lực”, ông Dũng cho biết.

Theo Dân trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến