Dòng sự kiện:
Tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội: Bi hài chuyện nộp - rút hồ sơ
02/07/2018 21:36:33
"Tuyển sinh kiểu này sao giống các hàng "cơm tù" trên tuyến quốc lộ Bắc Nam ngày xưa thế chứ" là tâm sự của một phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm 2018

Tối 22/6, Hà Nội công bố kết quả thi vào lớp 10. Khắp nơi, từ trong nhà, ngoài phố đến các cơ quan công sở... ai ai cũng quan tâm, hỏi han kết quả thi vào lớp 10 của "Dê vàng".

Tối 29/6, Hà Nội công bố điểm chuẩn vào các trường công lập không chuyên. 1 tuần sống trong lo âu, thấp thỏm, chờ đợi điểm chuẩn là 1 tuần mà đối với rất nhiều phụ huynh và học sinh, không khác gì đòn tra tấn tâm lý.

Phụ huynh bàn tán, trao đổi về tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội.

Đòn cân não công lập - dân lập và cuộc chiến nộp - rút hồ sơ

Sau khi biết điểm thi của con, phụ huynh bất đắc dĩ trở thành những nhà dự đoán điểm chuẩn. Năm nay, số lượng thí sinh tăng đột biến, ai cũng nghĩ rằng điểm chuẩn các trường sẽ tăng.

Cho rằng con mình sẽ không đủ điểm đỗ NV1 và NV2, nhiều phụ huynh bắt đầu tìm hiểu và cuộc chạy đua nộp hồ sơ vào các trường dân lập bắt đầu.

Một trường dân lập nổi tiếng, những năm trước có điểm tuyển sinh đầu vào cao ngất ngưởng, nay treo biển tuyển sinh với điểm chuẩn thấp hơn hẳn so với mọi năm. Thế là phụ huynh rủ nhau lao vào.

Đến lúc Hà Nội công bố điểm chuẩn vào các trường THPT không chuyên (tối 29/6), rất nhiều phụ huynh lại rơi vào một tâm trạng khác, ngỡ ngàng vì điểm chuẩn các trường top đầu thấp hơn dự kiến khá nhiều, mặc dù số thí sinh dự thi đông hơn hẳn những năm trước. 

Cậu bé mới hôm nào òa khóc tức tưởi vì được 51 điểm, nghĩ rằng mình trượt, nay lại đỗ NV1. Cậu muốn học trường NV1.

Mẹ cậu hôm trước vừa tất tả lo cho cậu vào một trường dân lập, nay lại hớt hải đến xin rút hồ sơ. Mà rút hồ sơ đâu có dễ. Trường còn "om" hồ sơ chưa cho rút với lý do... đi nghỉ mát. Rất nhiều bố mẹ cùng cảnh đứng ngồi không yên khi chưa rút được hồ sơ của con.

"Thôi thì, họ cũng nêu rõ trong thông báo tuyển sinh rồi, trường tư quyền là của họ. Mất toi mấy triệu bạc, giờ chỉ cần rút được hồ sơ. Có không rút được tôi cũng không còn tâm trạng và cảm tình cho con học trường này. Vô cảm và lạnh lùng quá", một phụ huynh tâm sự.

"Mới có mấy ngày mà cả nhà muốn ngã quỵ, nay công bố điểm chuẩn thấp hơn dự kiến, con trai tưởng trượt thành đỗ, mà nó cũng có vui đâu, ngơ ngơ như mất hồn, không hiểu chuyện gì đang xảy ra với gia đình mình. Mới chỉ vài ngày mà mất nửa tháng lương của mẹ. Mà thôi, mất một khoản tiền nhưng con đỗ NV1 cũng mừng. Nếu con học dân lập, gia đình cũng chưa biết xoay tiền ở đâu để đóng học phí", một phụ huynh ngậm ngùi nói.

Chưa hết, trước khi các trường công lập nhận hồ sơ, điểm chuẩn của một số trường dân lập cũng "nhảy nhót" theo giờ, " không khác gì sàn chứng khoán, mới từ sáng đến chiều mà tăng tận 3 điểm", một phụ huynh ngao ngán.

Điểm chuẩn vào một trường THPT dân lập ở Hà Nội thay đổi theo giờ

Phụ huynh khác nghẹn ngào: "Có phải nhà nào cũng cho con học dân lập được đâu. Học phí cao, mà còn học thêm nữa chứ, học ở trường thôi thì làm sao thi được Đại học. Đề thi của lớp 12 năm nay khó thế cơ mà".

Một phụ huynh vừa nộp xong hồ sơ vào trường dân lập cho con hỉ hả: "May mà nộp xong hồ sơ cho con, không mình cũng nhập viện khẩn cấp, quá hoang mang và lo lắng. Nắng quá, trường này cũng phát điên ý mà."

Đa phần các trường dân lập đều có quy định về việc đóng một khoản tiền khi nộp hồ sơ. Các học sinh nếu không học ở đó thì cũng sẽ không được lấy lại tiền. Cho nên, dù theo lịch, các trường dân lập sẽ thông báo điểm chuẩn và nhận hồ sơ sau các trường công lập, nhưng họ vẫn thu được một khoản tiền từ việc tuyển sinh kiểu này.

Chán nản, mệt mỏi, ức chế...

Rất nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm nay thắc mắc, tại sao Sở GD&ĐT Hà Nội lại chậm công bố điểm chuẩn như vậy? Thật ra, vấn đề này không phải năm nay mới có. Phụ huynh chỉ biết thở dài ngao ngán và chua chát:

"Cải tiến làm gì, cải lùi như ngày xưa đi. Trước kia, khi đến trường xem kết quả thi vào 10 là có điểm chuẩn luôn mà."

"Tuyển sinh kiểu này sao giống các hàng "cơm tù" trên tuyến quốc lộ Bắc Nam ngày xưa thế chứ."

"Một hình thức móc tiền hợp pháp, o ép phụ huynh, làm khổ các con quá. Thế này còn giáo dục được ai nữa." 

"Mỗi kỳ tuyển sinh "hành" nhau thế này thì giáo dục sao tiến bộ được. Đừng kiếm tiền trên nỗi lo sợ và sự khó khăn của người khác."

"Đừng để những tâm hồn ngây thơ, trong sáng của lứa tuổi 15 phải chịu những áp lực không cần thiết, hết năm này đến năm khác."

"Có đau lòng hay không khi một cậu bé có kết quả thi ngoài dự kiến nói với mẹ rằng nếu không đỗ, con sẽ tự tử; hay một cô bé phát biểu rằng bố mẹ nghĩ con sinh ra để học dân lập sao?"

"Tôi tự rút kinh nghiệm là trước khi con thi vài tháng, cần luyện tập thể lực, uống thuốc bồi bổ thần kinh, tim gan lòng mề, đề phòng đột quỵ, truỵ tim..."

"Giờ mình chỉ ước có nhiều tiền để "xuất khẩu" hết đàn con sang nước ngoài học thôi."

Có nên dẹp bỏ kỳ thi vào lớp 10?

Ngày mai, phụ huynh đi nộp hồ sơ vào các trường công lập cho con em mình. Ngày mốt, số phụ huynh và học sinh còn lại nín thở chờ các trường công lập hạ điểm và lại tiếp tục cuộc chiến rút - nộp hồ sơ.

"Tôi nghĩ cần phổ cập cấp 3, các con học đúng tuyến như đối với cấp 1 và 2. Cần dẹp bỏ kỳ thi vào lớp 10, chứ học sinh lớp 9 thi cử đánh đố như vậy để làm gì. Không biết nếu tất cả phụ huynh làm đơn kiến nghị gửi Chính phủ thì có được không?", một phụ huynh bày tỏ.

Đó là câu hỏi của không ít phụ  huynh dù ai cũng hiểu rằng rất khó có câu trả lời. 

Tuyển sinh mẫu giáo, tuyển sinh lớp 1, lớp 6, lớp 10, tuyển sinh Đại học... mỗi kỳ tuyển sinh lại làm cả xã hội đảo điên. Vì sao ở Việt Nam, nhu cầu chính đáng của trẻ em là được học tập lại gian nan đến thế?

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến