Dòng sự kiện:
Tuyệt vọng trong dịch Covid-19, người Malaysia phất cờ trắng kêu cứu
04/07/2021 14:05:02
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều người Malaysia không thể tự trang trải cuộc sống và phải giương cờ trắng kêu gọi sự giúp đỡ.

Tại cổng một ngôi nhà ở Sungai Way, thành phố Petaling Jaya, một lá cờ trắng được chủ nhà treo lơ lửng trên cây gậy dài.

Ông Jambu Nathan Kanagasabai (64 tuổi) đã treo cờ hôm 1/7. Ngay sau đó, những người qua đường đã chú ý đến tín hiệu cầu cứu của ông và báo cho ủy ban địa phương.

"Chủ tịch ủy ban đề nghị cho cha tôi một ít tiền mặt, nhưng ông ấy chỉ cần thức ăn vì xấu hổ", cô Vani, con gái của ông Jambu Nathan chia sẻ với Channel NewsAsia.

Ông Jambu Nathan, vợ và em gái sống chung nhà tại khu định cư được xây dựng từ thời khẩn cấp Malaya.

Ông từng kiếm được khoảng 312 USD hàng tháng khi làm bảo vệ cho một cửa hàng vàng bạc đá quý.

Với số tiền đó và những khoản đóng góp nhỏ từ các con, ông có thể mua thức ăn, trả tiền thuê nhà, điện nước và thuốc men cho vợ.

Tuy nhiên, thu nhập này đã biến mất khi Malaysia nhiều lần áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO), đóng cửa các hoạt động kinh doanh không thiết yếu nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19.

Ông Jambu Nathan Kanagasabai đã treo cờ trắng như một lời kêu cứu tuyệt vọng. Ảnh: Channel NewsAsia.

Ông Jambu Nathan là một trong những người có sinh kế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các mức độ phong tỏa khác nhau ở Malaysia kể từ tháng 3/2020.

Vào ngày 1/6, một lệnh cấm hoàn toàn trên toàn quốc đã được áp dụng. Nhiều khu vực ở Selangor và Kuala Lumpur thậm chí rơi vào tình trạng cấm vận nghiêm ngặt hơn bắt đầu từ hôm 3/7.

Trong bối cảnh đó, phong trào kêu gọi những người cần giúp đỡ treo cờ trắng như một tín hiệu cầu cứu đã bắt đầu được lan truyền trên mạng xã hội vào tuần trước.

Mặc dù vậy, phong trào cũng vấp phải tranh cãi khi một số chính trị gia lên án hành động treo cờ trắng, theo truyền thống, tượng trưng cho sự đầu hàng.

“Tôi không ngại thừa nhận"

Ông Lim Boon Wah (65 tuổi) sống ở Kampung Chempaka, Petaling Jaya cùng với vợ là Wong Ah Yuen (61 tuổi) đã treo cờ trắng.

“Tôi không ngại thừa nhận, tôi không còn tiền tiết kiệm nữa”, ông nói.

Trước đó, nghị sĩ bang Siti Jamaliah Jamaluddin và chủ tịch thôn Kampung Cempaka Theresa Lim cũng đã trao tặng họ một số thực phẩm khô.

Ông Lim cho biết khoản viện trợ sẽ giúp họ cầm cự trong 2 tháng tới. Trước đó, vì không có tiền trang trải mà cả hai chỉ có thể ăn mì qua ngày.

Trước khi đại dịch diễn ra, ông Lim và vợ làm công việc bán hàng tại một siêu thị địa phương ở Kuala Lumpur. Tuy nhiên, sau đó, ông mắc bệnh thận và cả hai bị mất việc làm.

Họ đã gấp rút tìm kiếm công việc khác trong khi chuyển sang chỗ ở rẻ hơn và sống bằng quỹ hưu trí ít ỏi của mình. Nhưng ở độ tuổi của họ và với tình trạng ông Lim, hầu như rất khó để tìm được việc làm - ngay cả những công việc bình thường - trong nền kinh tế vốn đã gặp nhiều khó khăn do đại dịch.

Ông Lim cho biết ông thường thức dậy vào ban đêm, tự hỏi làm thế nào để chi trả các khoản phí khám bệnh và tiền thuê nhà.

“Đã có lúc tôi nghĩ đến việc từ bỏ. Mọi thứ sẽ đơn giản hơn, chỉ cần tôi không chạy thận nữa và ra đi trong lặng lẽ”, ông nói.

Ông Lim Boon Wah và vợ Wong Ah Yuen ở Kampung Cempaka, Petaling Jaya. Ảnh: Vincent Tan.
Phong trào phất cờ trắng

Nhà hoạt động xã hội, đồng thời là chính trị gia Nik Faizah Nik Othman, là người dùng Twitter đi đầu kêu gọi trong phong trào treo cờ trắng để tìm kiếm sự giúp đỡ

“Tôi rất buồn khi chứng kiến ​​những vụ tự tử diễn ra hàng ngày, do đó tôi bắt đầu chiến dịch này. Tôi cảm thấy những vụ tự tử này không nên xảy ra, và điều tồi tệ hơn có thể xảy ra với đất nước nếu vấn đề này bị bỏ qua”, bà Nik Faizah nói. “Do đó, ý tưởng kêu gọi những người đang gặp khó khăn và trầm cảm giương cờ trắng như tín hiệu cầu cứu đã đến”.

Thống kê của cảnh sát Malaysia cho thấy có tổng cộng 468 trường hợp tự tử được báo cáo trên toàn quốc từ tháng 1 đến tháng 5. Theo Cục trưởng Cục Điều tra Hình sự Abd Jalil Hassan, 3 nguyên nhân chính là do vấn đề gia đình, áp lực tình cảm và tài chính trong đại dịch.

Tại Tumpat, bà Nik Faizah cho biết, một số hộ gia đình đã treo cờ trắng và nhận được sự hỗ trợ từ công chúng.

“Dù vậy, nhiều người thà sống trong khó khăn hơn là chủ động phất cờ do xấu hổ”, bà nói thêm.

Chủ tịch ủy ban khu vực Kampung Chempaka, bà Theresa Lim, cho biết nhóm hỗ trợ của bà thường đi vòng buổi sáng để xem có lá cờ nào được cắm lên không.

“Khi tôi nhìn thấy lá cờ trắng của ông Lim, tôi đã nhanh chóng thông báo cho ủy viên hội đồng thành phố và dân biểu tiểu bang địa phương. Chúng tôi đã trao các gói viện trợ cho người vợ là bà Wong”, bà Lim nói.

Bà Theresa Lim đóng gói thực phẩm khô để hỗ trợ những người nghèo khó ở Kampung Cempaka, Petaling Jaya. Ảnh: Vincent Tan.

Tranh cãi

Tuy nhiên, bất chấp câu chuyện cảm động về những người đứng lên giúp đỡ số phận khó khăn trong đại dịch, một số chính trị gia Malaysia đã lên án hành động treo cờ trắng là sự đầu hàng.

Chính quyền bang Kedah cho biết họ sẽ không hỗ trợ người treo những lá cờ như vậy.

Thủ hiến Kedah Muhammad Sanusi Md Nor thông báo ông không công nhận việc sử dụng lá cờ trắng là dấu hiệu cần viện trợ lương thực trong suốt thời gian phong tỏa.

Ông cho biết chính phủ sẽ chỉ chuyển viện trợ lương thực cho những người đưa ra yêu cầu chính thức, chẳng hạn thông qua gọi điện đến các trung tâm kiểm soát thiên tai địa phương.

Thủ hiến bang Kedah nhận định lá cờ trắng thực chất là một hình thức tuyên truyền chính trị, để tạo ra nhận thức rằng chính phủ đã thất bại trong mắt xã hội.

Nghị sĩ Bachok Nik Mohamad Abduh Nik Abdul Aziz đã đăng trên trang Facebook của mình, nói rằng thay vì giương cờ trắng, những người có nhu cầu nên “giơ tay và cầu nguyện với Chúa”.

"Đừng đầu hàng trước các bài thử bằng cách dạy người dân treo cờ trắng", ông cho biết.

Tác giả: Minh An

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến