Tỷ giá lặng tháng 12
05/12/2015 13:31:04
Số liệu nhập siêu 11 tháng đầu năm 2015 vừa được Tổng cục Thống kê ước tính 3,8 tỉ đô la Mỹ có lẽ đã giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thở phào nhẹ nhõm.

Tin liên quan

Trung tâm nghiên cứu của BIDV dự báo tiền đồng năm 2016 sẽ mất giá 3-4% so với đô la Mỹ và tỷ giá hối đoái vượt mốc 23.000 đồng. (Ảnh: Thành Hoa)

Trong cuộc họp với đại diện các tổ chức tín dụng cuối tuần trước, người đứng đầu ngành ngân hàng khá nhẹ nhàng khi đề cập đến tỷ giá. Quan điểm của nhà điều hành là vẫn tiếp tục giữ tỷ giá trong biên độ dao động cho phép trong bốn tuần còn lại của năm. Trong trường hợp cần thiết, dưới tác động của những yếu tố khách quan từ thị trường quốc tế, khả năng NHNN sẽ can thiệp thị trường thông qua bán ngoại tệ trực tiếp cho các doanh nghiệp và ngân hàng, được đánh giá nhiều khả năng xảy ra.

Ngoài ra có thể có thêm hai động thái được áp dụng trong điều hành tỷ giá. Thứ nhất, là giảm trạng thái ngoại hối của các ngân hàng về dưới 20%, hay nói cách khác là tạo một sự co giãn linh hoạt cho trạng thái ngoại hối. Điều này đã được thảo luận và thực tế đã được ứng dụng khi NHNN cho phép một số ngân hàng âm trạng thái ngoại hối -5%, tức trạng thái ngoại hối thực chỉ là 15%.

Thứ hai NHNN đã bóng gió về việc sẽ giảm hơn nữa lãi suất tiết kiệm ngoại tệ. Hiện lãi suất tiền gửi đô la Mỹ của cá nhân còn 0,25%/năm, pháp nhân 0%/năm. Nếu hạ nữa, có thể các doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận trả phí cho ngân hàng vì không lẽ họ lại mang đô la Mỹ về trụ sở công ty cất (!).

Tuy nhiên diễn biến thị trường sẽ không thể chỉ dựa vào nội lực, mà còn chịu ảnh hưởng của ngoại lực. Đô la Mỹ đang mạnh lên thấy rõ trên thị trường quốc tế khi giá vàng ngày 30-11-2015 đã về 1.057,5 đô la Mỹ/ounce, thấp nhất trong vòng năm năm trở lại đây. Tỷ giá euro - đô la Mỹ đã ở 1,059 (23.870 đồng/euro), tiệm cận mức thấp 1,045 trong cả thập kỷ. Hôm nay, 13-12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp và giới chuyên gia kinh tế dự báo ECB sẽ hạ lãi suất tiền gửi hơn nữa (hiện đang ở mức âm), đồng thời nâng quy mô chương trình mua trái phiếu từ 60 tỉ lên 70 tỉ euro/tháng. Khả năng 1 euro ngang giá 1 đô la Mỹ có thể sắp đến.

Trong khi đó, cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ diễn ra vào ngày 16-12 để quyết định liệu Mỹ có tăng lãi suất. Điểm khác biệt rõ nét trong thông điệp của FED trong lần họp mới đây so với những lần trước đó là FED tập trung nhiều hơn hẳn vào các vấn đề nội tại của kinh tế Mỹ, nhấn mạnh thất nghiệp và lạm phát. Thất nghiệp của Mỹ đang ở mức 5%, xấp xỉ mức bình quân của giai đoạn trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2003-2007. Lạm phát tháng 10 của Mỹ đã tăng đúng kỳ vọng 0,2% so với tháng trước và so với cùng kỳ. Kịch bản FED nâng lãi suất 0,25% trong kỳ họp tháng 12 đang nhận được sự ủng hộ áp đảo.

Đối với thị trường ngoại hối Việt Nam việc FED tăng lãi suất lần đầu tiên sau bảy năm duy trì ở mức thấp sẽ không quá đáng ngại vì đợt điều chỉnh tỷ giá và biên độ tỷ giá hồi tháng 8-2015 đã được xem là khá nặng tay cho mục tiêu định hướng tỷ giá của năm nay. Nhưng tỷ giá sẽ thế nào trong năm 2016, nhất là từ cuối quí 1-2016 trở đi là câu hỏi phức tạp.

Trung tâm nghiên cứu của BIDV dự báo tiền đồng năm 2016 sẽ mất giá 3-4% so với đô la Mỹ và tỷ giá hối đoái vượt mốc 23.000 đồng. Một số tổ chức tài chính cũng nghiêng về khả năng đô la Mỹ lên giá chừng 4% so với tiền đồng và tỷ giá tương lai có thể ở mức 23.400 đồng/đô la Mỹ. Đầu năm nay, khi trao đổi với một số ngân hàng, chúng tôi dự báo tỷ giá cuối năm dao động quanh mốc 22.400 đồng/đô la Mỹ và mức độ điều chỉnh là 4%. Trên thực tế, mức độ điều chỉnh đã tới 5%, vượt qua mức kỳ vọng của chúng tôi.

Ở phía cung ngoại tệ, năm tới dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự báo sẽ vẫn lạc quan với mức giải ngân có thể 15-16 tỉ đô la Mỹ, tăng 10% so với năm nay. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có thể vào tốt hơn nếu rào cản room được tháo gỡ nhanh (hiện tại room thực tế chủ yếu vẫn đang ở mức 49%). Việc nâng room cho các ngân hàng, thí dụ lên 49%, sẽ là một liều thuốc hiệu nghiệm tiền tươi thóc thật không những cho tiến trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng, mà cho cả việc cải thiện dòng vốn đầu tư gián tiếp. Trong cán cân thương mại, nhập siêu sẽ duy trì, nhưng ở mức độ nào thì chưa thể tính toán do phụ thuộc vào giá nông sản và khoáng sản, dầu thô trên thế giới. Một số ngân hàng dự báo ở mức 5-6 tỉ đô la Mỹ.        

Ở phía cầu, ngoài nhập siêu, nhu cầu mua ngoại tệ trả nợ của doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Nguồn tin hành lang cho biết nhà điều hành đã yêu cầu một số doanh nghiệp lớn không trả nợ ngoại tệ trước hạn và giữ nguyên thời điểm trả nợ vào quí 1 năm sau. Các doanh nghiệp đều nhìn nhận ngoài rủi ro điều chỉnh tỷ giá, năm 2016 lãi suất vay nợ ngoại tệ nước ngoài chắc chắn sẽ không còn ở mức như hiện nay. Lãi suất Libor đã tăng đáng kể trong những tháng qua, từ mức thấp nhất 0,3%/năm cho kỳ hạn ba tháng. Dự báo Libor ba tháng có thể đạt mốc 1-1,2%/năm vào cuối năm sau, tức gấp 3-4 lần mức đáy.

Sẽ là chưa đủ nếu không tính đến biến động của đồng nhân dân tệ. Áp lực giảm giá đối với đồng nhân dân tệ đang ngày một nặng thêm. Bất chấp việc Trung Quốc giảm lãi suất và nới lỏng tiền tệ, kinh tế nước này vẫn đang trên đà đi xuống. Khi tham gia vào giỏ tiền tệ  quốc tế, dòng vốn vào Trung Quốc sẽ bị tác động do Trung Quốc cam kết tự do hóa thị trường vốn. Một khi đồng nhân dân tệ được điều chỉnh theo hướng mất giá so với đô la Mỹ, tiền đồng không thể không bị ảnh hưởng.

Hải Lý

       Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến