Dòng sự kiện:
Tỷ giá liên tục tăng mạnh, thời gian tới sẽ thế nào?
10/05/2019 08:26:34
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá mạnh trong 4 ngày qua do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã tác động lên tâm lý thị trường.

3 ngày gần đây, từ 7/5 đến 9/5, giá USD trên thị trường tự do và ngân hàng thương mại liên tục tăng, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng không nằm ngoài xu hướng. Riêng các ngân hàng thương mại tỷ giá đã tăng trên dưới 120 đồng, giá bán ra cao nhất đã vượt 23.460 đồng - mức cao kỷ lục.

Trước đó trong tuần cuối tháng 4, tỷ giá ở ngân hàng cũng đã tăng 70 đồng/USD và thị trường tự do tăng 115 đồng còn tỷ giá trung tâm tăng 30 đồng.

Báo cáo về thị trường tiền tệ tháng 4 vừa công bố hôm nay ngày 9/5 của Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân thuộc Công ty chứng khoán SSI (SSI Retail Research) cho rằng, một số yếu tố được cho là nguyên nhân tác động đến tỷ giá gồm: 

Thứ nhất, chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng giảm mạnh từ 1,5-1,8%/năm xuống 0,4-0,7%/năm; Thứ hai, chỉ số Dollar Index tăng mạnh lên trên mức 98 điểm; và thứ 3 là cung - cầu USD trong nước bớt thuận lợi hơn sau khi đã các tổ chức tín dụng đã bán tới 8,35 tỷ USD về NHNN từ đầu năm 2019 và Việt Nam nhập siêu 750 triệu USD trong nửa đầu tháng 4/2019. 

Nhóm phân tích cho biết, diễn biến thị trường tương đối bất ngờ trong bối cảnh hầu hết các thành viên đều đang tự tin với sự ổn định của tỷ giá nên đã có tác động tương đối lớn đến tâm lý, đặc biệt là ở thị trường tự do, đẩy tỷ giá trên ngân hàng và thị trường tự do đi lên.

"Nếu như không có việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc vào đầu tháng 5, chúng tôi nghiêng nhiều về khả năng tỷ giá sẽ ổn định trở lại" - nhóm phân tích đưa ra nhận định.

Cơ sở của nhận định này bao gồm: (1) diễn biến lãi suất VND tăng trên liên ngân hàng là ngắn hạn, chênh lệch lãi suất VND-USD sẽ khôi phục về mức 1-1,5%; (2) dự trữ ngoại hối gia tăng đáng kể, củng cố nguồn lực để NHNN bình ổn thị trường nếu có biến động mạnh; (3) triển vọng gia tăng nguồn vốn FII từ những thương vụ bán vốn lớn; (4) quan điểm của FED trong phiên họp đầu tháng 5 vẫn là giữ nguyên lãi suất trong năm 2019, lạm phát lõi PCE tháng 3 của Mỹ chỉ là 1,6% - thấp hơn so với lạm phát mục tiêu nên USD chưa có nhiều lý do đủ mạnh để tiếp tục tăng.

Song khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đứng trước nguy cơ leo thang, vấn đề kiểm soát tỷ giá sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào yếu tố bên ngoài, đặc biệt là diễn biến đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY). Chỉ tính trong vòng 4 ngày từ 6/5 đến 9/5/2019, đồng CNY đã mất giá khoảng 1,3%, xấp xỉ mức độ mất giá đã từng xảy ra vào giữa tháng 6/2018. 

Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng, khác với năm ngoái, các thành viên thị trường và phía Trung Quốc đều đã có sự chuẩn bị từ trước. Tỷ giá USD/CNY dù đã tăng lên 6,82 nhưng vẫn còn thấp hơn mức đỉnh của năm 2018 là 6,97. NHTW Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ can thiệp để giữ đồng CNY như đã làm trong năm 2018. Sự mất giá của CNY ảnh hưởng đến VND phần nhiều là ở khía cạnh tâm lý nên phía Việt nam vẫn còn nhiều công cụ để ổn định tỷ giá. Đồng VND vì vậy nếu có biến động vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát.

Trước đó, các nhà phân tích đến từ Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5 cũng đưa ra nhận định tỷ giá dù có biến động trong năm nay cũng sẽ không quá 2%. Điều này cũng đồng quan điểm với chuyên gia, TS. Võ Trí Thành - người đã dự báo chính xác về biến động tỷ giá năm 2018 - đưa ra tại hội nghị về ngành ngân hàng ngày 8/5.

Từ phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2019 NHNN sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường; kết hợp đồng bộ các công cụ, biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.

Theo Trí thức trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến