Dòng sự kiện:
Tỷ giá năm 2019 sẽ bị áp lực nhiều hơn năm 2018?
20/02/2019 11:12:19
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, thời gian tới áp lực tỷ giá sẽ rất lớn nếu căng thẳng về kinh tế, chính trị trên thế giới chưa giảm xuống.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trước Tết nguồn kiều hối “chảy” về rất dồi dào, vì thế đã “đẩy” tỷ giá xuống mức thấp hoặc giữ tỷ giá ở mức ổn định. Sau Tết, nguồn kiều hối giảm mạnh đã đẩy tỷ giá tăng nhẹ. Cùng với đó, các hoạt động về xuất nhập khẩu cũng bắt đầu vào dịp đầu năm đã làm tăng mức cầu về ngoại hối, thành ra nguồn cung suy giảm còn cầu thì tăng nhẹ.

Sau Tết, tỷ giá chỉ tăng nhẹ. (Ảnh minh họa: KT)

Đồng thời, giá trị của đồng USD vẫn ở mức cao, trong bối cảnh khủng hoảng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc thì thị trường vẫn coi đồng USD như một đồng bạc mạnh trên thế giới. Đây cũng là nguyên nhân tạo áp lực lên tỷ giá…Nhận định về diễn biến của tỷ giá trong ngắn hạn, TS. Hiếu phân tích, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc hiện vẫn là vấn đề nan giải, có nhiều ảnh hưởng và tác động trên thị trường thế giới, từ đó tạo áp lực lên tỷ giá và VND.

Từ những phân tích trên, ông Hiếu nhận định, trong vòng 3 tháng tới, tỷ giá có thể sẽ ổn định, tuy nhiên, phụ thuộc nhiều vào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc. Tới đây, nếu đàm phán giữa hai bên đạt được thỏa thuận thì cuộc chiến tranh thương mại sẽ hạ nhiệt, từ đó giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Ở chiều ngược lại, trong vòng 60 ngày tới, nếu cuộc chiến tranh này đi vào bế tắc thì sẽ tạo áp lực lên tiền đồng, vì đồng nhân dân tệ có thể tiếp tục bị  phá giá để đối đầu với cuộc chiến tranh thương mại. Từ đó cũng sẽ tạo áp lực lên tỷ giá, lên VND và phá giá đối với USD.

Về dài hạn, ông Hiếu cho rằng, năm 2019, tỷ giá có thể tăng lên mức 3%.

Có cùng nhận định, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cũng cho hay, thời điểm sau Tết, về cơ bản, tỷ giá ổn định, không biến động nhiều. Tuy nhiên, thời gian tới áp lực tỷ giá sẽ rất lớn khi mà căng thẳng về kinh tế, chính trị trên thế giới chưa giảm xuống.

Bên cạnh đó, cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc chưa đi đến hồi kết và rất có thể “câu chuyện thương mại” giữa hai nước sẽ kéo dài thêm vài năm nữa. Khi đó bài toán về áp thuế hay những chiêu thức do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc áp dụng trong chính sách tiền tệ có liên quan tới phá giá đồng nhân dân tệ sẽ lại diễn ra.

Theo TS. Tín, trong năm nay, nếu căng thẳng của cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất nhì thế giới này không được giải quyết một cách rốt ráo thì nhiều khả năng đồng NDT sẽ tiếp tục bị phá giá, tạo áp lực khiến các ngoại tệ khác cũng giảm giá theo. Từ đó gây áp lực lên tỷ giá và VND.

“Ngoài ra, lạm phát cũng là một trong những tác động trực tiếp lên tỷ giá và lãi suất. Khi lãi suất tăng sẽ gây áp lực lên lạm phát thì tỷ giá là bài toán hai chiều chứ không phải là 1 chiều. Cho nên, năm 2019, tỷ giá sẽ bị áp lực nhiều hơn năm 2018”, ông Bùi Quang Tín cho hay.

Với nhận định đó, ông Tín quan ngại, nếu tỷ giá tăng đột biến sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi trong điều kiện hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngại mua hợp đồng phái sinh về tỷ giá. Nếu tỷ giá tăng quá mức 2,5% hay quá 3% như năm 2018 thì  doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro.

Do đó, chuyên gia kinh tế khuyến cáo, các doanh nghiệp nên mua những hợp đồng giao trong tương lai. Những hợp đồng tương lai như vậy sẽ bảo đảm doanh nghiệp có thể mua được một số lượng ngoại tệ hay bán số lượng ngoại tệ với giá họ đã thương thảo và chốt với ngân hàng. Đây là cách tốt nhất để giảm thiểu rủi do do những biến động tỷ giá ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến