Dòng sự kiện:
Tỷ phú USD Trần Bá Dương: Người “giải cứu” đại gia
16/02/2020 08:47:40
Sau hơn 1 năm đầu tư hàng tỷ USD vào 'con tàu khổng lồ đang chìm giữa đại dương' của bầu Đức, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch CTCP ô tô Trường Hải lại tiếp tục rót ngàn tỷ đồng 'giải cứu' 'vua cá tra' Hùng Vương.

Người giải cứu đại gia

Vừa qua, từ ngày 8/1 - 10/1, CTCP Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi - công ty con của Tập đoàn Ôtô Trường Hải (Thaco) đã mua vào hơn 53 triệu cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương. Sau giao dịch, Thadi nắm 24,3% vốn của Hùng Vương. Trước đó, công ty nông nghiệp của Thaco chưa nắm giữ cổ phiếu nào tại doanh nghiệp của ông Dương Ngọc Minh.

Dữ liệu trên sàn chứng khoán cho biết trong 3 ngày 8 - 10/1, hơn 53 triệu cổ phiếu của Hùng Vương đã được sang tay theo phương thức thỏa thuận với giá trị tổng cộng gần 430 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Thủy sản Hùng Vương có khoản lỗ lên đến nghìn tỷ trong niên độ tài chính 2019 – 2020, sau kiểm toán lỗ ròng thuộc về công ty mẹ tăng thêm 600 tỷ lên 1.075 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến 30/9/2019 là 1.489 tỷ đồng. Bên cạnh khoản lỗ lớn HVG còn bị kiểm toán đưa ra nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.

Trong bối cảnh thua lỗ lớn như trên, Thủy sản Hùng Vương hay Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đều đang nhận được sự rót vốn từ Thaco. Chính vì điều này, trên thị trường đã gọi ông Trần Bá Dương là "người giải cứu đại gia".

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco

Từ kỹ sư cơ khí đến tầm vóc Việt của một tỷ phú

Trần Bá Dương sinh năm 1960 tại Huế. Ông là người sáng lập và cũng là Chủ tịch HĐQT CTCP ô tô Trường Hải. Ngoài ra ông còn được biết đến tới tư cách Tổng giám đốc CTCP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh.

Ông Trần Bá Dương xuất hiện trong danh sánh tỷ phú thế giới củaForbes, ở vị trí 1.349 với tài sản 1,7 tỷ USD (ngày 14/2).

Trần Bá Dương bắt đầu làm việc tại một nhà máy sửa chữa ô tô vào những năm 1980 và cuối cùng làm việc để trở thành quản lý. Ông thành lập Trường Hải năm 1997; ban đầu họ bán xe và sau đó bắt đầu lắp ráp xe cho các thương hiệu nước ngoài như Kia, Mazda và Peugeot.

Bước ngoặt của công ty ông đến vào năm 2008, khi Jardine Cycle & Carriage, một nhà phân phối xe hơi ở Singapore, đã mua cổ phần của Thaco. Đến năm 2016, Thaco trở thành công ty ô tô lớn nhất của Việt Nam với thị phần ô tô chiếm 32%. 

Sau khi đạt được thành công lớn khi đầu tư vào Thaco, ông Dương tiếp tục làm những điều không nhiều người ủng hộ. Không dừng lại ở ô tô, ông Dương nuôi nhiều tham vọng về một tập đoàn đa ngành và lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.

Năm 2013, ông Trần Bá Dương trở thành Chủ tịch CTCP đầu tư đại ốc Đại Quang Minh - chủ đầu tư dự án Khu đô thị Sala tại Thủ Thiêm, Quận 2 (TP HCM) theo hình thức BT với tổng vốn đầu tư tính bằng đơn vị chục nghìn tỷ.

Thời điểm quyết định đầu tư vào Thủ Thiêm, nhiều người cho rằng ông Dương "điên" vì dự án đã rơi vào bế tắc suốt hàng thập kỷ. Bản thân ông Dương cũng vốn chỉ quen thuộc với lĩnh vực ô tô. "Là tân binh trên thị trường, nhưng chúng tôi quyết tâm xây dựng khu đô thị có quy mô lớn, kiểu mẫu tại TP.HCM", ông Dương nói.

Bốn tuyến đường chính Đại Quang Minh xây dựng đã tạo ra sự thay đổi lớn cho Thủ Thiêm, hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối tốt hơn với khu trung tâm cả bờ Đông và bờ Tây, tạo tiền đề cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội cho Thủ Thiêm và TP HCM .

Chiến lược của Đại Quang Minh là tấn công tổng lực, hàng loạt công trình được đồng loạt triển khai, cần rất nhiều sự hiểu biết về kỹ thuật, mỹ thuật, quản trị tổng lực và chi tiết. Ông Dương đã huy động toàn bộ các nhà thầu Việt Nam và chỉ có nhà thầu Việt Nam tham gia được vào dự án này.

"Tôi quan niệm trong đối tác không phân biệt đối tác chiến lược và đối tác thường. Đại Quang Minh có những nhà thầu lớn, nhưng đồ nhỏ tôi thuê các công ty nhỏ làm. Đất nước cho mình cơ hội phát triển thì mình phải có trách nhiệm giúp các doanh nghiệp nhỏ phát triển theo. Nếu người ta chưa đạt, mình phải giúp họ tiêu chuẩn tiêu chí để họ hoàn thiện. Khi anh Trình, giám đốc marketing đưa những thương hiệu nước ngoài vào Đại Quang Minh, tôi đau lắm. Phải làm sao đưa thương hiệu chất lượng của Việt Nam vào, nếu đúng tiêu chuẩn, tiêu chí, là chúng tôi mua", ông Dương chia sẻ.

Nói về lý do đi đến quyết định hợp tác với HAGL, Thủy sản Hùng Vương khi đang nợ nần, thu lỗ, thậm chí có nguy cơ phá sản, tỷ phú USD Trần Bá Dương dùng từ cơ duyên và thực tế từ trước đến nay, các quyết định đầu tư của ông đều gắn với 2 chữ cơ duyên.

60 tuổi và 40 năm hành nghề, cuộc đời ông Trần Bá Dương đã trải qua không ít thăng trầm. Người ta thấy đâu đó trong ông Dương tư duy, tầm nhìn của một doanh nhân "lớn".

Điều mà ông Dương hướng tới trong kinh doanh có lẽ không chỉ là lợi nhuận mà còn là một tầm vóc Việt, làm sao để "Việt hoá" được tối đa các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Trong lựa chọn đối tác, hợp tác sản xuất, ông Dương hoàn toàn có thể lựa chọn các doanh nghiệp nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm, cạnh tranh nhưng ông luôn ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp Việt, lao động trong nước để tăng tính nội địa, giá trị gia tăng cho từng sản phẩm; tạo thêm cơ hội, việc làm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho người lao động trong nước.

Khánh Linh (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến