Nhắm vào các nhà máy lọc dầu
Trong bối cảnh bế tắc trên chiến trường do thiếu đạn dược và nhân lực, Ukraine tăng cường tấn công sâu vào đằng sau chiến tuyến của Nga, nhắm vào tàu chiến, các tuyến đường sắt và sân bay của đối phương nhằm làm giảm bớt các hoạt động quân sự của Moscow.
Gần đây nhất, chiến dịch này của Kiev tập trung vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ, đánh vào các nhà máy lọc dầu nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Trong các cuộc tấn công ngày 12-13/3, UAV Ukraine đã tấn công 4 cơ sở lọc dầu của Nga. Kể từ đầu năm tới nay, Ukraine tuyên bố đã tiến hành gần chục cuộc tấn công như vậy.
Lính cứu hỏa đang nỗ lực dập lửa tại một cơ sở dầu mỏ Nga sau cuộc tấn công của UAV Ukraine. Ảnh: Roman Starovoit (Thống đốc khu vực Kursk của Nga)
Các chuyên gia và giới chức Ukraine cho hay, Kiev hy vọng sẽ có thể làm gián đoạn các tuyến hậu cần và hoạt động chiến đấu của Nga bằng cách nhắm mục tiêu vào các nhà máy lọc dầu, nơi cung cấp nhiên liệu cho xe tăng, máy bay chiến đấu và các thiết bị quân sự quan trọng khác của Moscow.
Kiev cũng hy vọng có thể làm giảm lợi nhuận mà Nga kiếm được từ việc xuất khẩu các mặt hàng dầu mỏ và gây gián đoạn thị trường dầu mỏ nội địa của Nga.
Ông Mikhail Krutikhin, một nhà phân tích năng lượng độc lập ở Oslo (Na Uy) cho hay, các cuộc tấn công đã khiến Nga phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1/3, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước trong thời gian sửa chữa các nhà máy lọc dầu bị hư hại.
Trong một bản cập nhật tình báo công bố tuần trước, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng: “Có khả năng công suất lọc dầu của Nga đã tạm thời bị giảm” do các cuộc tấn công của Ukraine.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 13/3 nói rằng, mục tiêu của các cuộc tấn công vào cơ sở lọc dầu, cùng với cuộc xâm nhập của các nhóm vũ trang được Ukraine hậu thuẫn vào lãnh thổ Nga trong tuần này là nhằm “làm gián đoạn cuộc bầu cử tổng thống ở Nga”.
Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng, mục tiêu khác của Kiev là nhằm “có được một con át chủ bài nào đó trong quá trình đàm phán trong tương lai”.
Lý do UAV Ukraine nhắm vào các cơ sở lọc dầu của Nga khá rõ ràng. Theo chuyên gia về năng lượng Krutikhin và giáo sư Damien Ernst thuộc đại học Liège ở Bỉ, Nga có rất nhiều nhà máy lọc dầu và chúng nằm rải rác trên khắp lãnh thổ Nga. Moscow không thể bố trí hệ thống phòng không để bảo vệ tất cả các cơ sở đó. Nhiều nhà máy bị tấn công nằm ở phía Tây, gần Ukraine hơn.
Các nhà máy lọc dầu nói riêng là trọng tâm hàng đầu vì chúng biến dầu thô thành các sản phẩm có giá trị như xăng, dầu diesel, dầu hỏa và nhiên liệu máy bay.
Không giống như các cơ sở hạ tầng khác như đường ống dẫn dầu, các nhà máy lọc dầu có nhiều máy móc với các quy trình kỹ thuật phức tạp. Có thể mất tới vài tháng để sửa chữa nếu chúng bị hư hại.
Việc sửa chữa có thể mất nhiều thời gian hơn bình thường do các lệnh trừng phạt của phương Tây cấm bán một số linh kiện nhất định cho Nga.
Nỗ lực vô ích?
Sau các cuộc tấn công ngày 12-13/3, hai nhà máy lọc dầu gần Nizhny Novgorod, phía Đông Moscow và ở khu vực phía Nam Rostov tạm thời bị dừng hoạt động. Theo chính quyền địa phương, hỏa hoạn cũng bùng phát tại 2 nhà máy lọc dầu khác của Nga.
Ảnh vệ tinh do Maxar cung cấp cho thấy cơ sở lọc dầu Nga bốc cháy sau cuộc tấn công ở Klintsy hồi tháng 1/2024.
Việc các cơ lọc dầu của Nga bị gián đoạn hoạt động không có nghĩa là Ukraine thực sự có thể làm suy yếu gã khổng lồ năng lượng, vốn là cốt lõi của nền kinh tế Nga và đem lại nguồn tiền để Moscow duy trì chiến dịch quân sự đặc biệt.
Hiện vẫn chưa rõ tác động của các cuộc tấn công nói trên đối với cục diện trên chiến trường. Nga vẫn đang có lợi thế và liên tục dồn ép dọc chiến tuyến trong những tuần gần đây.
Ông Sergey Vakulenko, cựu giám đốc cấp cao của Gazprom Neft và hiện là chuyên gia năng lượng tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết Nga đang sản xuất nhiều dầu diesel hơn mức cần thiết để cung cấp cho quân đội.
Các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Nga cho tới nay hầu như không ảnh hưởng đến công suất sản xuất dầu diesel và ảnh hưởng khá nhỏ đối với doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga.
Trước đây đã có nhiều nỗ lực nhằm làm suy yếu ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, các nước phương Tây đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt sâu rộng nhắm vào lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga. Hầu hết châu Âu đã từ bỏ năng lượng Nga.
Dù vậy, Nga đã tìm cách làm giảm tác động bằng cách mở rộng bán hàng sang các nước thân thiện hơn, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ, thậm chí đầu tư vào đội tàu “bóng tối” để xuất khẩu dầu để tiếp tục xuất khẩu dầu ra thế giới.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, một tổ chức nghiên cứu độc lập ở Phần Lan, kể từ khi xung đột nổ ra, Nga đã thu về khoảng 450 tỷ USD từ xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ. Các chuyên gia quân sự cho rằng nguồn thu này đã giúp Moscow mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng và mua tên lửa, máy bay không người lái từ nước ngoài.
Thứ trưởng năng lượng Nga Pavel Sorokin ngày 14/3 cho hay Nga đang xoay trục một lần nữa để đối phó với thách thức mới. Ông dự đoán sản lượng của các nhà máy lọc dầu sẽ giảm trong năm nay, nhưng nhấn mạnh Nga có nhiều lựa chọn và thay vào đó sẽ tăng xuất khẩu dầu thô.
“Tình hình vẫn ổn định và không có gì đột biến. Xuất khẩu dầu mỏ sẽ cao hơn”, ông Sorokin nói.
Tác giả: Hoàng Phạm/Theo NY Times
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy