USD giảm mạnh suốt gần 1 tháng
Thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam trong những tuần gần đây diễn biến khó lường giống như trên thế giới. Giá vàng quay đầu giảm mạnh, trong khi đồng USD cũng không ngừng tụt dốc. Các thị trường chứng khoán rập rình tăng nhanh.
Những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 với số người nhiễm tăng mạnh ở châu Âu và Mỹ khi mùa đông đến gần và cuộc bầu cử tại Mỹ chưa tới hồi kết,... đã tác động không nhỏ tới các thị trường tài chính quốc tế, qua đó ảnh hưởng tới Việt Nam.
Tại Việt Nam, trong phiên giao dịch 20/11, tỷ giá trung tâm giữa đồng USD và đồng Việt Nam (VND) được điều chỉnh tăng thêm 15 đồng lên mức 23.179 đồng đổi 1 USD. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng thấp nhất kể từ đầu năm 2020.
Cho dù tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng mạnh trở lại trong một phiên nhưng USD tại các ngân hàng vẫn ở mức thấp và chưa thoát xu hướng giảm. USD trên thị trường tự do thậm chí còn được bán ra ở mức thấp hơn so với ở các ngân hàng.
Đồng USD được dự báo sẽ còn giảm tiếp.
Thị trường tài chính Việt Nam tiếp tục chứng kiến một diễn biến hiếm có, người cầm đồng VND không lo mất giá, trong khi đó đồng USD có xu hướng giảm dần sau khi tạo ra vài cơn sốt và lập đỉnh đầu năm.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) - cho rằng, sở dĩ đồng USD trên thị trường trong nước có xu hướng đi xuống trong khi VND vững giá là bởi nền kinh tế Việt Nam được đánh giá nằm trong top tăng trưởng tích cực trong 2020 và 2021, trong khi thế giới còn bất ổn.
Theo ông Lê Quang Trí, dòng tiền USD vào Việt Nam khá lớn, từ kiều hối, FDI, FII... Còn trên thế giới, đồng USD chịu áp lực giảm khá mạnh, xuất phát từ chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ và định hướng bơm thêm tiền kích thích nền kinh tế của chính quyền Mỹ, dù ông Joe Biden hay ông Donald Trump chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng nhiệm kỳ tới.
Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 lên 2,4%, thay vì mức 1,6% trước đó, nhờ việc Việt Nam ứng phó kịp thời và ngăn chặn thành công dịch Covid. Đây là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới.
IMF cũng dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt 6,4% và lạm phát dự kiến sẽ vẫn gần với mục tiêu của Chính phủ là 4%.
Công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's Analytics nhận định, nền kinh tế Việt Nam cùng với các nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng tốc nhanh nhất trên thế giới với mức trên 7% trong năm 2021. Châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực dẫn đầu về sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch.
Còn nhóm nghiên cứu của BIDV dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục theo hình chữ V, năm 2021 tăng khoảng 6,5-7%.
Hồi hộp chờ những biến động mới
Với những diễn biến mới, nhiều dự báo cho rằng, đồng VND sẽ ổn định, không có nhiều biến động trong thời gian tới. Theo BVSC, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục nâng cao dự trữ ngoại hối, lên các mức cao kỷ lục mới. Một lượng tiền lớn được bơm ra thị trường khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục dồi dào.
Trước đó, SSI Research cũng cho rằng VND khó mất giá mạnh như đã từng xảy ra hồi cuối tháng 3 do thanh khoản ở các ngân hàng dồi dào và lãi suất thị trường 2 ở vùng thấp, các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiết kiệm.
Sự bất ổn cùng với các chính sách tiền tệ tài khóa của Mỹ là yếu tố đẩy USD đi xuống.
Trên thế giới, đồng USD cũng được dự báo sẽ suy giảm.
Citigroup dự đoán đồng USD có thể giảm 20% trong năm 2021 do thế giới đã có vaccine ngừa Covid-19.
Thông tin trên các hãng truyên thông quốc tế cho biết, hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (châu Âu) vừa công bố vaccine có mức độ hiệu quả tăng từ mức 90% lên 95%. Trong khi đó, Moderna của Mỹ cũng đã thử nghiệm vaccine Covid-19 với hơn 30 nghìn người tình nguyện, hiệu quả đạt gần 95%. Nga cũng công bố vaccine có hiệu quả 93% trong giai đoạn thử nghiệm và Shanghai Fosun Pharmaceutical cho hay đã nhận được sự chấp thuận của Trung Quốc để thử nghiệm vaccine này.
Theo Reuters, Giám đốc điều hành Ugur Sahin của BioNTech cho biết, nếu mọi việc suôn sẻ, vaccine Covid-19 của Pfizer và BioNTech có thể có giấy phép sử dụng ở Mỹ và châu Âu vào giữa tháng 12 tới. Thông tin này khiến chứng khoán khu vực châu Á tăng, qua đó làm giảm dòng tiền đổ vào đồng USD.
Sự hồi phục nhẹ của đồng USD trên thị trường thế giới hai ngày qua là do giới đầu tư giảm kỳ vọng về các gói kích thích, sớm bơm tiền vào nền kinh tế. Tuy nhiên, đây được cho vẫn là diễn biến trong ngắn hạn. Về dài hạn, một lượng tiền khổng lồ sẽ khiến lạm phát Mỹ lên cao.
Theo IMF, khi đại dịch Covid-19 ập đến và kéo giảm nền kinh tế toàn cầu, chính phủ và ngân hàng trung ương (NHTƯ) đã cam kết chi 19,5 nghìn tỷ USD để cứu trợ kinh tế. Mỹ là một trong những nước bơm tiền nhiều nhất.
Hiện giới đầu tư đánh cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng mua nợ của chính phủ trong những tuần tới để chống lại nguy cơ suy thoái kinh tế do số ca mắc Covid-19 tăng đột biến. Fed có thể phải điều chỉnh việc mua vào trái phiếu kho bạc khi mà lợi tức trái phiếu 10 năm tăng cao, làm tăng chi phí vay vốn đối với các công ty và cá nhân - điều có thể đe dọa tăng trưởng kinh tế của Mỹ.
Một đồng Nhân dân tệ (NDT) có xu hướng tăng khá nhanh theo những diễn biến tích cực của kinh tế Trung Quốc cùng với tham vọng mở rộng ảnh hưởng trên thị trường tài chính quốc tế của Bắc Kinh cũng tạo ra áp lực đối với đồng USD.
Trong tuần, giới đầu tư chứng kiến đồng NDT tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm rưỡi và đang tiến dần tới ngưỡng 1 USD đổi 6,5 NDT (so với mức trên 7 NDT các năm trước). Nhiều chuyên gia nhận định, xu thế tăng giá của đồng tiền này có thể vẫn duy trì trong thời gian tới.
Gần đây, đồng bảng Anh và euro cũng có xu hướng hồi phục nhờ những tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Tác giả: V. Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy