Dòng sự kiện:
Ưu đãi thuế Việt Nam-EAEU FTA: Cơ hội gia tăng xuất khẩu nông sản Việt
04/11/2021 06:26:53
Với mức ưu đãi thuế theo Hiệp định Việt Nam-EAEU, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá để cạnh trạnh tốt hơn khi xuất khẩu nông sản, thuỷ sản vào Nga và EAEU.

Hạt điều nhập khẩu từ Việt Nam chiếm thị phần lớn nhất tại Nga. (Ảnh minh hoa: Đình Huệ/TTXVN)

Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để gia tăng xuất khẩu nông sản, thủy hải sản, thực phẩm sang thị trường EAEU (bao gồm các nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan). Quy định về thuế vừa được áp dụng là thời điểm vàng cho doanh nghiệp tận dụng lợi thế cạnh tranh, tích cực quảng bá sản phẩm, xúc tiến đưa hàng hoá sang thị trường EAEU.

Cơ hội để bứt phá nhờ ưu đãi thuế

Trong năm 2020, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, xoài sấy là những sản phẩm Việt Nam giữ thị phần nhập khẩu lớn nhất tại Nga. Hạt điều nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng 83,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu 80,3 triệu USD hạt điều củaNga. Đối với cà phê, Việt Nam cũng dẫn đầu khi chiếm 20,7% kim ngạch nhập khẩu cà phê 652 triệu USD của Nga năm 2020. Xoài sấy chiếm 92,4% tổng số kim ngạch nhập khẩu, hạt tiêu chiếm 39,3%.

Trong năm 2020, Việt Nam đứng thứ 5 trong các nước xuất khẩu thủy sản (cá, tôm các loại) vào Nga, trong đó sản phẩm cá phi lê từ Việt Nam có kim ngạch nhập khẩu xếp thứ nhất trong các nước xuất khẩu vào Nga; sản phẩm cá khô, hun khói củaViệt Nam đứng thứ hai.

Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á Âu (Việt Nam-EAEU FTA) ký kết năm 2016 đến nay, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thuỷ sản của Việt Nam sang Nga tặng mạnh, thậm chí một số sản phẩm tăng gấp hàng chục lần.

Tại hội thảo đào tạo kỹ năng xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Nga và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 2/11, ông Nguyễn Tuấn Hải, Trưởng Ban thuộc Ban Quan hệ Quốc tế (VCCI) cho biết từ 12/10, theo quyết định của Hội đồng Ủy ban kinh tế Á-Âu, Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU) đã đưa 75 nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

“Trong bối cảnh mới đó, Hiệp đinh thương mại tự do Việt Nam-EAEU trở thành công cụ hữu hiệu, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp khi xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh, đặc biệt là hàng nông thủy sản sang thị trường Nga cũng như Liên minh kinh tế Á-Âu,” ông Nguyễn Tuấn Hải nói.

Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga cho biết ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập có rất nhiều nước là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam về xuất khẩu hàng nông thủy sản vào thị trường Nga và EAEU như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Argentina, Chile, Peru….

“Trong khi hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác vào EAEU và Nga sẽ chịu mức thuế nhập khẩu thông thường (trước đây bằng 75% mức thuế bình thường), các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào EAEU và Nga lại được hưởng mức thuế ưu đãi theo cam kết tại Việt Nam-EAEU FTA. Sau 5 năm thực hiện hiệp định, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã được ưu đãi thuế bằng 0%,” ông Dương Hoàng Minh cho hay.

Với mức ưu đãi thuế theo Việt Nam-EAEU FTA, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá để cạnh trạnh tốt hơn khi xuất khẩu hàng hoá vào Nga và EAEU.

Ông Dương Hoàng Minh nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tận dụng tối đa các ưu đãi của Việt Nam-EAEU FTA trong bối cảnh mới để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản Việt Nam sang Nga.

Xúc tiến các kênh quảng bá sản phẩm Việt

Đánh giá về một số sản phẩm nông sản, thủy sản mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh vào Nga, ông Kirill Tsygankov, đại diện Cơ quan thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam nhận định có thể thấy cơ hội lớn xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam đối với các sản phẩm: Rau quả tươi và đóng hộp, càphê, thủy sản, hàng dệt may, đồ gỗ và các sản phẩm ngành chế biến gỗ, đặc biệt là bàn ghế mây dùng ở ngoài trời đang được ưu chuộng ở Nga.

Rau quả tươi và đóng hộp rất có cơ hội lớn xuất khẩu sang Nga. (Ảnh minh hoạ: Minh Trí/TTXVN)

Ông Kirill Tsygankov nhấn mạnh về triển vọng xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam sang Nga: “Việt Nam có đa dạng các trái cây nhiệt đới tươi ngon, rau củ bổ dưỡng. Rất tiếc là người tiêu dùng Nga chưa được làm quen nhiều với rau quả tươi do chúng chưa được giới thiệu trên thị trường Nga.”

Theo ông Kirill Tsygankov các doanh nghiệp Việt Nam hãy tích cực sử dụng các kênh trực tuyến ở Nga như các sàn giao dịch đa ngành (YANDEX.MARKET https://market.yandex.ru, WILDBERRIES https://www.wildberries.ru, OZON https://www.ozon.ru…) và các sàn giao dịch chuyên ngành hẹp cho hàng nông sản (ARGOSERVER https://agroserver.ru, hệ thống thương mại AGRORU https://agroru.com…) để giới thiệu về các sản phẩm nông sản Việt Nam.

“Việt Nam có cơ hội rất lớn để gia tăng xuất khẩu nông sản, thủy hải sản, thực phẩm sang thị trường Nga,” ông Kirill Tsygankov nói.

Cũng nhấn mạnh việc tận dụng cơ hội đang có lợi thế cạnh tranh để tích cực quảng bá sản phẩm, xúc tiến hàng hóa sang thị trường Nga, ông Dương Hoàng Minh cho rằng các doanh nghiệp Việt cần chủ động khảo sát thị trường, tham quan, tham gia các triển lãm chuyên ngành tại Nga.

“Đối với hàng nông sản, thực phẩm có triển lãm World Food Moscow (tháng 9 hàng năm), Prodexpo (tháng 2 hàng năm)… doanh nghiệp có thể tham gia để nắm tình hình thị trường, xu hướng tiêu thụ hàng hóa… của người dân Nga, tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã. Các doanh nghiệp xuất khẩu chè, nông sản, trái cây, thủy sản, thực phẩm nên tham dự các triển lãm này,” ông Dương Hoàng Minh chia sẻ.

Thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đã thành công trong thâm nhập thị trường Nga đều thông qua việc tham dự các hội chợ, triển lãm (hạt điều, đồ uống, xoài sấy, cà phê…). Nếu doanh nghiệp làm tốt công tác thị trường, quảng bá sản phẩm khi tham gia vào các hội chợ, triểm lãm và sàn giao dịch thì sẽ có rất nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang Nga.

Tác giả: Hồng Kiều

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến