Trong thời gian qua có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân kêu gọi, mời chào nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán thông qua sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán ảo… hoặc công ty trung gian có kết nối với các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế (trong đó có những công ty sử dụng tên công ty chứng khoán để giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép).
Điều này đã gây hiểu nhầm cho các nhà đầu tư đây là các sàn giao dịch chứng khoán và công ty chứng khoán được hoạt động hợp pháp và thuộc sự quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Qua phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng và phản ánh của nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa phát đi thông báo về vấn đề trên.
Cụ thể, theo quy định của pháp luật chứng khoán, chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) được tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán ở Việt Nam. Do đó, ngoài Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán.
Các loại chứng khoán được phép giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam được pháp luật về chứng khoán quy định phải đáp ứng các điều kiện về niêm yết và đăng ký giao dịch và được Sở Giao dịch chứng khoán chấp thuận trước khi được đưa vào giao dịch.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép hoạt động cho các công ty chứng khoán đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không quản lý, giám sát các công ty chứng khoán hoặc các tổ chức kinh doanh, vận hành các sàn giao dịch chứng khoán mà không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép hoạt động.
Do vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo các nhà đầu tư cần cảnh giác và tìm hiểu kỹ thông tin khi được mời tham gia đầu tư vào các loại chứng khoán thông qua các sàn giao dịch chứng khoán và các tổ chức trung gian không được pháp luật chứng khoán quy định hoặc thừa nhận, để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra.
Kênh đầu tư vào chứng khoán đã có bước phát triển mạnh trong hơn một năm qua, thu hút lực lượng lớn người dân tham gia nhưng cũng phát sinh các hình thức lừa đảo. Trong tuần qua, Chứng khoán BIDV (BSC) cũng đã chính thức phát đi thông cáo cảnh báo hình thức mạo danh sử dụng trái phép logo, thương hiệu của BSC để lừa đảo qua Zalo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Thủ đoạn chung của các đối tượng này là mạo danh nhân viên BSC hoặc đối tác hợp tác với BSC để nhắn tin/kết bạn với người bị hại thông qua Zalo. Mục đích chính là mời chào, lôi kéo người bị hại thực hiện nộp tiền và tham gia các nhiệm vụ được đưa ra trên ứng dụng để nhận lại hoa hồng ở mức cao từ 60% - 200%. Sau khi chiếm đoạt được số tiền lớn hoặc bị nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, đối tượng sẽ chặn kết bạn hoặc xóa người dùng ra khỏi ứng dụng, đặc biệt là yêu cầu người bị hại trực tiếp đến trụ sở của BSC để khiếu nại.
Tác giả: T.T
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy