Vạch đường cho tỷ giá 2016, chuyên gia nói gì?
04/01/2016 09:19:00
ANT.VN – Sắp tới NHNN sẽ ban hành cơ chế điều hành tỷ giá mới, chuyển sang cơ chế thông báo hàng ngày, và tỷ giá hàng ngày sẽ căn cứ vào cung cầu trong nước cũng như tình hình biến động của tỷ giá quốc tế.

Tin liên quan

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Chính sách tỷ giá là một trong những chủ đề được dư luận đang rất quan tâm hiện nay. Bà có thể cho biết quan điểm và định hướng điều hành tỷ giá trong thời gian tới?

Quan điểm điều hành chính sách tỷ giá của NHNN vẫn luôn nhất quán và kiên định mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Vừa qua, tại Hội nghị toàn ngành Ngân hàng, Thống đốc NHNN đã nói về định hướng điều hành tỷ giá tiến tới điều hành theo cách thức linh hoạt và thị trường hơn. Bà có thể cho biết cách thức điều hành mới này?

NHNN sẽ vẫn công bố tỷ giá nhưng khác ở chỗ tỷ giá có thể được điều chỉnh lên/xuống hàng ngày. Tỷ giá do NHNN công bố sẽ được xác định trên cơ sở: Tham chiếu diễn biến của đồng USD và một số đồng tiền trên thế giới; tham chiếu tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng; và trên cơ sở các cân đối vĩ mô, tiền tệ, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô.

Việc điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn, phù hợp với bối cảnh thương mại và đầu tư quốc tế sẽ luân chuyển nhanh hơn và mạnh hơn sau hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

Với cách thức điều hành mới này, NHNN cho biết sẽ điều hành và có biện pháp để ổn định được thị trường…

Việc cân nhắc mức độ tham chiếu các yếu tố nêu trên để xác định tỷ giá công bố sẽ được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo yếu tố linh hoạt, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố quản lý theo đúng chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý đã được xác định tại các văn bản về quản lý ngoại hối hiện hành.

Cách thức điều hành tỷ giá mới này sẽ cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt, kịp thời hơn với diễn biến trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc điều hành tỷ giá theo cách thức mới, NHNN sẽ thực hiện các giải pháp CSTT đồng bộ để đảm bảo mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế

Thưa ông, trong thời gian tới, NHNN sẽ công bố cơ chế tỷ giá mới. Vậy theo ông, cơ chế này sẽ phát huy tác dụng như thế nào trong việc định hướng chính sách tỷ giá của NHNN?

Tôi cho rằng đã đến thời điểm hội tụ đủ các điều kiện bên trong và bên ngoài để NHNN đưa ra một cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái mới: Thứ nhất là phục vụ cho tiến trình hội nhập của VN. Thứ hai là chúng ta tiếp tục tiến trình đẩy mạnh chống đô la hóa nền kinh tế và thông qua đó tăng cường hiệu lực về chính sách tiền tệ trong việc phục vụ cho tăng trưởng kinh tế cũng như ổn định, kiềm chế kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.

Cơ chế điều hành tỷ giá mới, tương quan giữa đồng VN với USD sẽ được định vị như thế nào?

Về nguyên tắc, cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái mới, chúng ta sẽ dựa trên mấy trụ cột: Thứ nhất, cách xác định tỷ giá hối đoái, chúng ta gọi là tỷ giá hối đoái trung tâm dựa trên không chỉ là mối quan hệ trực tiếp giữa đồng VN và đồng USD như là một đồng ngoại tệ phổ biến hiện nay trong quan hệ thương mại, quan hệ đầu tư, tài chính của Việt Nam, mà chúng ta cũng sẽ tính toán tỷ giá trung tâm đó dựa trên mối tương quan giữa tỷ giá hối đoái giữa đồng USD với một số đồng tiền chủ chốt khác và căn cứ vào đó xác định một tỷ giá hối đoái hợp lý nhất trong mối quan hệ thương mại đa chiều của VN hiện nay chứ không chỉ là mối tương quan trực tiếp giữa VNĐ và đồng USD như trước đây.

Thứ hai, đó là việc chúng ta sử dụng tỷ giá hối đoái liên ngân hàng thực tế giao dịch hàng ngày và theo đó chúng ta sẽ công bố tỷ giá hối đoái giao dịch trung tâm đó hàng ngày. Tôi cho rằng với cách dự định điều hành như vậy chắc chắn là sẽ linh hoạt và chủ động, đồng thời cũng phản ánh các nguyên tắc thị trường hơn so với cách điều hành tỷ giá hối đoái như trước đây mà chúng ta cũng cố định trong thời gian khá dài và tỷ giá hối đoái liên ngân hàng đó chưa phải là tỷ giá thực tế.

Thứ ba, cũng không kém phần quan trọng là việc công bố tỷ giá trung tâm cũng như cách xác định tỷ giá đó chúng ta cũng đưa thêm biện pháp, công cụ để làm sao tỷ giá trung tâm chúng ta công bố đó tạo ra hiệu lực và khả năng của chúng ta có thể can thiệp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả về chính sách tiền tệ nói chung cũng như điều hành tỷ giá hối đoái nói riêng trên thị trường tiền tệ Việt Nam, đó là chúng ta sẽ bổ sung các công cụ nghiệp vụ để làm sao tỷ giá đó kể cả các công cụ phái sinh hay là các hoạt động để chuyển hẳn quan điểm quản lý ngoại hối của Việt Nam từ quan hệ tín dụng trước đây sang quan hệ mua bán trực tiếp đồng ngoại tệ nói chung cũng như là đồng Đô la Mỹ, theo đó sẽ giảm được mức độ đô la hóa cho nền kinh tế.

Cách thức điều hành tỷ giá mới khác với các năm trước là chúng ta thường công bố một biên độ nhất định rồi thị trường neo vào đó và có sự kỳ vọng. Bây giờ chúng ta không điều hành như vậy nữa thì nó sẽ làm thay đổi như thế nào tới tâm lý cũng như việc găm giữ ngoại tệ hiện nay?

Ở đây có 2 vấn đề tôi cho rằng liên quan tới tâm lý găm giữ ngoại tệ cũng như liên quan tới các trường hợp đầu cơ liên quan tới tỷ giá cũng như đầu cơ ngoại tệ trong một số thời gian gần đây kể cả ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý thì với việc điều hành cơ chế tỷ giá hối đoái mới mà chúng ta có thể là sẽ công bố hàng ngày với một biên độ cho phép thì rõ ràng sẽ giảm được mức độ kỳ vọng quá mức vào việc phá giá hay nỗ lực quá mức để giữ tỷ giá hối đoái như là trong thời gian vừa qua chúng ta đã phải làm.

Vấn đề thứ hai quan trọng hơn là chúng ta dựa trên nền tảng ổn định của đồng tiền Việt Nam, đồng thời tăng niềm tin trong việc sử dụng, tích trữ bằng đồng VN thay vì ngoại tệ như trước đây, trong đó kể cả đồng Đô la Mỹ và cùng với việc chúng ta kéo giảm lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ bằng đồng Đô la Mỹ về mức 0% thì có thể nói tất cả những biện pháp đó đồng hướng với việc giảm tình trạng đô la hóa cũng như giảm tâm lý và thực tế về tích trữ và găm giữ đồng ngoại tệ để làm sao chúng ta có một thị trường ngoại tệ diễn biến theo nguyên tắc của thị trường nhiều hơn và đồng thời với đó là giữ được hai nguyên tắc chủ chốt trong điều hành chính sách tỷ giá hối đoái là nguyên tắc chủ động và nguyên tắc linh hoạt gắn với thị trường.

Quay trở lại câu chuyện người dân và doanh nghiệp có nhu cầu về ngoại tệ. Trước đây có thể đến ngân hàng mua bán hoặc vay thì bây giờ họ chuyển chỉ còn là quan hệ mua hoặc bán thôi. Vậy thì trong năm 2016 này họ sẽ phải ứng xử như thế nào đối với đồng ngoại tệ mà họ có trong tay hoặc là họ sẽ phải mua từ ngân hàng thương mại?

Rõ ràng, việc dịch chuyển từ quan hệ tín dụng ngoại tệ, kể cả tín dụng tiền gửi cũng như cho vay bằng ngoại tệ chuyển dần và tiến tới là hoàn toàn sang quan hệ mua – bán ngoại tệ thì sẽ giúp rất nhiều trong việc ổn định tỷ giá hối đoái cũng như đảm bảo sự ổn định trên thị trường ngoại tệ, tránh những kỳ vọng hay những hoạt động đầu cơ liên quan tới hoạt động tín dụng bằng ngoại tệ.

Vấn đề thứ hai là với cách điều hành tỷ giá hối đoái một cách linh hoạt và theo các nguyên tắc thị trường như vậy thì rõ ràng với những đối tượng nắm giữ cũng như có nhu cầu đối với ngoại tệ và đối với Đô la Mỹ nói riêng thì có thể có những quyết định mà sẽ phù hợp hơn với diễn biến của thị trường, đồng thời với đó là quan hệ cung cầu trên thị trường cũng như là căn cứ vào khả năng có thể dự báo được trong cách điều hành tỷ giá hối đoái hàng năm thay vì chúng ta đưa ra những biên độ và cam kết ràng buộc mà trong khi bối cảnh hay những điều kiện thực tế có thể là chúng ta khó khăn trong giữ các cam kết ràng buộc tạo ra tâm lý không tốt trong việc đầu cơ găm giữ ngoại tệ để kiếm lợi trong những trường hợp tỷ giá bị thay đổi đột ngột.

Đối với các nhu cầu về găm giữ, thậm chí là đầu cơ ngoại tệ để kỳ vọng một mức phá giá nào đó của đồng VN thì liệu rằng với cơ chế mới, tình trạng đầu cơ ngoại tệ có khả thi không?

Với cơ chế điều hành tỷ giá mới có thể được ban hành trong thời gian tới, tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ vẫn có thể xảy ra, tuy nhiên tính chất đầu cơ sẽ thay đổi và chủ yếu tuân theo nguyên tắc, diễn biến, cân đối trên thị trường, thay vì dự báo, tâm lý kỳ vọng vào những thay đổi trong chính sách điều hành hoặc là tỷ giá hối đoái diễn biến hàng ngày và diễn biến có lên, có xuống theo một rổ tiền tệ và do chịu tác động của rất nhiều yếu tố của thị trường bên trong cũng như bên ngoài.

Do đó, đối với giới đầu cơ, việc dự báo để có thể tăng cường đầu cơ đối với ngoại tệ sẽ giảm đi rất nhiều do khả năng dự báo, dự đoán sẽ khó hơn rất nhiều. Vấn đề thứ hai để chống găm giữ và đầu cơ này tôi cho rằng rất quan trọng đi đôi với tỷ giá hối đoái là các chính sách về quản lý ngoại hối cũng như làm sao giảm thiểu vai trò, hoạt động của thị trường ngoại hối phi chính thức – còn gọi là thị trường ngoại hối đen. Thông qua đó, để chuyển hoạt động kể cả mua bán ngoại tệ như chúng ta mong muốn vào hệ thống chính thức thì việc đầu cơ, găm giữ, sử dụng ngoại tệ một cách không hợp lý trên thị trường sẽ giảm đi rất nhiều.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Giám đốc Ban Nguồn vốn và tiền tệ BIDV

Thưa ông sắp tới NHNN sẽ ban hành cơ chế điều hành tỷ giá mới, vậy thì theo nhận định của BIDV thì cơ chế điều hành tỷ giá mới này sẽ có khác biệt nhiều so với cơ chế điều hành cũ từ năm 2011 đến nay không?

Theo thông tin mà chúng tôi nhận được qua các phương tiện báo chí và qua các cuộc họp với Ngân hàng trung ương thì chúng tôi cũng hiểu rằng cơ chế điều hành tỷ giá mới trong năm 2016 cũng có một số khác  biệt cơ bản so với chính sách điều hành của năm 2015. Sự khác biệt cơ bản ở đây là tỷ giá sẽ có sự thông báo tỷ giá liên ngân hàng trong ngày và duy trì biên độ giao dịch hàng ngày.

Cơ chế điều hành tỷ giá mới sẽ chuyển sang cơ chế thông báo hàng ngày, và tỷ giá hàng ngày sẽ căn cứ vào cung cầu trong nước cũng như tình hình biến động của tỷ giá quốc tế. Tôi cho rằng việc điều hành tỷ giá hàng ngày này sẽ phản ảnh sát hơn các diễn biến của thị trường kể cả trong nước và quốc tế và giúp cho NHNN chủ động hơn trong việc ứng biến với  các biến động của thị trường trong nước và quốc tế ảnh hưởng tới tỷ giá của thị trường VN.

Vì sao NHNN lại có thể chủ động ứng biến với các cú sốc hoặc các biến động từ thị trường bên ngoài thế  giới trong việc điều hành tỷ giá trong nước?

Rõ ràng với cơ chế điều hành tỷ giá mới, việc chúng ta theo dõi sát biến động hàng ngày và điều chỉnh tỷ giá hàng ngày sẽ giúp chúng ta phản ứng nhanh hơn với biến động của thị trường.

Trước đây, chúng ta có thể để tỷ giá bình quân liên ngân hàng duy trì trong  khoảng thời gian một hoặc vài tháng tùy vào mức độ tích tụ của thị trường và trên cơ sở diễn biến tích tụ của thị trường trong khoảng thời gian đủ dài thì NHNN mới xem xét việc điều chỉnh đấy, và mỗi việc điều chỉnh thì mức độ điều chỉnh có thể rất lớn, có thể là 1% hoặc là trên 1%.

Nhưng với công thức hiện tại thì chúng ta có thể điều chỉnh hàng ngày,  và căn cứ vào diễn biến của thế giới thì mức điều chỉnh có thể cao hoặc thấp nhưng không có những biến động quá mạnh lên tới vài % như trước đây nữa. Tôi nghĩ rằng , phản ứng của thị trường hay của NHNN cũng sẽ nhanh và hiệu quả hơn.

Trước đây thì NHNN công bố biên độ tỷ giá giao dịch trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm, qua đó các doanh nghiệp , những đối tượng có nhu cầu về ngoại tệ có thể căn cứ vào đó hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh của họ. Nhưng hiện nay không có sự công bố đó nữa thì liệu rằng các doanh nghiệp có chủ động được trong việc hoạch định phương án sản xuất kinh doanh mà có liên quan đến vấn đề tỷ giá, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu?

Thực ra, biên độ thì có hai vấn đề cần phải làm rõ, trước đây NHNN công bố mức độ điều chỉnh, tức là kỳ vọng về khả năng duy trì tỷ giá trong phạm vi biến động nào đó. Thứ hai biên độ ở đây thường là biên độ giao dịch trên tỷ giá NHNN công bố.

Với việc công bố trước đây thì tôi hiểu NHNN cũng muốn dựa trên dự báo về tình hình vĩ mô trong nước và tình hình đang biến động của thị trường quốc tế để đưa ra định hướng về mặt chính sách để giúp cho doanh nghiệp trong nền kinh tế hoặc giúp cho người dân có nhu cầu hợp pháp, hợp lệ về ngoại tệ có thể có định hướng trong việc phòng ngừa rủi ro hoặc sử dụng ngoại tệ như thế nào cho hợp lý.

Tuy nhiên, với diễn biến của thị trường quốc tế như thời điểm hiện nay thì tôi cho rằng việc điều chỉnh sang chính sách mới là phù hợp với thị trường đang bước vào giai đoạn có sự giằng co và điều chỉnh có nhiều biến động bất thường xảy ra. NHNN công bố cơ chế điều hành tỷ giá mới thì NHNN cũng đồng thời công bố cung cấp sản phẩm mua bán kỳ hạn thực hiện trực tiếp giữa NHNN với các NH thương mại trong thời gian tới. Với việc này thì NHNN đã giúp các NH thương mại có công cụ cũng như có sản phẩm để chủ động trong việc cung ứng và phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp.

Thị trường luôn có các kỳ vọng có thể tăng, giảm, hoặc đi ngang ở trong tương lai tùy vào diễn biến thị trường. Cụ thể trong năm 2016 chúng ta dự đoán cán cân thanh toán vẫn có thể thặng dư 5-7 tỷ đô la Mỹ, cộng với việc chúng ta tham gia TPP hoặc FTA, nếu chúng ta nhìn nhận  lịch sử 2007 khi chúng ta bắt đầu vào WTO, thời điểm đó với sức hấp dẫn của việc VN tham gia WTO, các cơ hội do việc tham gia WTO đem lại, thì dòng vốn nước ngoài chảy vào VN rất mạnh, kể cả FDI lẫn FII, trong thời gian ngắn đấy khung ngoại tệ của thị trường trong nước tăng rất mạnh, lạm cho tỷ giá USD/VND giảm xuống. Thậm chí VND còn tăng giá so với Đô la Mỹ, thế  thì việc dịch chuyển trong năm 2016 này chúng ta có nhiều tổ chức và  nhiều nghiên cứu đánh giá rằng TPP thậm chí còn đem lại lợi thế cho VN cao hơn cả WTO. Vậy việc chúng ta triển khai tốt, tận dụng chính sách hoặc lợi thế của việc tham gia TPP và FTA này, không loại trừ nó cũng tạo ra khả năng là các dòng vốn nước ngoài đổ vào VN khá mạnh, và để đón nhận các cơ hội của TPP và FTA đem lại, và các việc ấy cũng giúp tạo ra dư địa để NH trung ương có thể tạo ra tỷ giá USD/VND ở mức độ hợp lý.

Trong tương lai và trong ngắn hạn trước mắt thì điểm quan trọng hàng đầu ở đây là làm sao tạo ra thành quả cho thị trường ngoại tệ, phục vụ nhanh chóng kịp thời và thông suốt nhu cầu hoạt động cơ bản của nền kinh tế cũng như của xã hội. Đặc điểm điều hành tỷ giá của NHNN trong 3- 4 năm trở lại đây và đến 2015 mặc dù chúng ta có một số bất ngờ với điều chỉnh chính sách của NH trung ương TQ cũng như việc tăng lãi suất của FED, nhưng việc điều chỉnh tỷ giá có mạnh hơn chút, nhưng điểm cơ bản nhất và quan trọng nhất mà chúng ta đã làm được khác hẳn so với giai đoạn trước là tính thông suốt của thị trường ngoại tệ.

Thay vì doanh nghiệp đến gõ cửa các NH để vay hay mua ngoại tệ, với mức  giá được NHNN cam kết và bảo hộ, bây giờ họ phải giao dịch với sự biến động hàng ngày, vậy thì họ cũng phải chấp nhận điều đó hay sao ?

Tôi nghĩ rằng đã là người kinh doanh, trong hoạt động KD của mình chúng ta luôn luôn kinh doanh tương lai trên nền hiện tại. Đối với doanh nghiệp, có thể phải đối mặt với vấn đề cung cầu của sản phẩm DN kinh doanh, các rủi ro về vận hành, pháp lý , rồi thị trường,… Trong rủi ro về thị trường thì có rủi ro về giá cả hàng hóa, rủi ro  về  giá cả đầu ra, nguyên vật liệu đầu vào, giá cả của các sản phẩm tài chính ảnh hưởng đến tài chính của doanh nghiệp,  trong đấy có bao gồm cả lãi suất và tỷ giá thì những  biến động đó là mang tính khách quan của thị trường mà các doanh nghiệp khi đã tham gia kinh doanh đều cần phải có phương pháp quản trị. Đấy chính là lý do vì sao ở các thị trường quốc tế, ở các thị trường tài chính phức tạp và phát triển thì thay vì họ cố định tỷ giá thì họ sẽ đưa ra sản phẩm ở thị trường tài chính để giúp cho các doanh nghiệp có thể chủ động sử dụng hiệu quả các sản phẩm đấy với các chiến lược kinh doanh khác nhau với các kỳ vọng khác nhau trên thị trường. Các sản phẩm đấy như tôi nói lúc nãy, có thể là kỳ hạn, có thể là hoán đổi, có thể là tương lai, có thể là quyền chọn. Việc NHNN triển khai song song với việc điều hành cơ chế linh hoạt theo thị trường thì cùng với đó là đưa ra các sản phẩm giúp doanh nghiệp có thể chủ động và tính toán thực thi các chiến lược kinh doanh của mình phù hợp với tỷ giá. Tôi cho rằng nó rất phù hợp và hướng tới nhứng phương thức quản trị không chỉ của NHNN mà giúp các DN hình thành văn hóa KD và những kỹ năng KD và phương thức KD phù hợp hơn với thông lệ  và chuẩn mực của thị trường quốc tế.

Ông dự đoán thế nào về mặt bằng lãi suất trong năm 2016?

Thực ra điểm này qua thực tiễn hoạt động kinh doanh chúng tôi thấy diễn biến lãi suất trong năm 2016 còn tùy thuộc vào mặt bằng lãi suất ở những sản phẩm, kỳ hạn cụ thể. Chúng ta có những lãi suất cho vay trên thị trường 1, lãi suất cho vay và lãi suất nhận của thị trường 2, các kỳ hạn ngắn, trung hạn và dài hạn. Hiện nay, theo như Thống đốc  có phát biểu trong các cuộc họp gần đây theo tôi được biết thì khả năng điều hành hạ mặt bằng lãi suất trong năm 2016 có thể khó, vì theo nhận định về  áp lực của NHNN thì để duy trì độ lệch hợp lý giữa lãi suất VND và lãi suất ngoại tệ  để đảm bảo giữ tương đối về tỷ giá USD/ VND  để phục vụ cho sự phát triển của kinh tế. Mặt khác, cũng để đảm bảo lạm phát mục tiêu mà Quốc hội đưa ra trong năm 2016 ở mức 5% thì mức lãi suất hiện nay cũng ở mức tương đối phù hợp. Nếu hạ nữa thì cũng ảnh hưởng đến việc quản lý và kiềm chế lạm phát , khả năng chúng ta triển khai  tốt  có thể hạ lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 khoảng từ 0,2 đến 0,5%, đấy là mục tiêu tôi được biết từ phía NHNN có đưa ra.

Đối với các cơ quan hoặc các đơn vị kinh doanh như BIDV hoặc các tổ chức trên thị trường chúng tôi luôn luôn nhìn 2 yếu tố  quan trọng: yếu tố ý chí chính trị  của các tổ chức quản lý và yếu tố thực tiễn diễn biến cung cầu, và chúng tôi dự đoán biến động của thị trường. Thực tế là trong năm 2015 vừa qua tăng trưởng tín dụng của chúng ta khá tốt, mà huy động đang có chiều hướng giảm xuống, và kinh tế đang có dấu hiệu  phục hồi khá tốt, cụ thể là GDP hết năm công bố ở mức 6,68% là cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Đó là diễn biến cho thấy kinh tế có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn biến thuận lợi thì nhu cầu vay  và tăng trưởng tín dụng của NHNN có thể trong năm 2016 này có thể tiếp tục ở ngưỡng 16-18%, ngưỡng này tôi cho rằng sẽ làm cho mặt bằng lãi suất ít nhất duy trì ở mức đi ngang. Nếu việc đòi hỏi để tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta giảm lãi suất trong thời gian tới thì tôi nghĩ rằng nó cần phải có dịch chuyển sâu hơn, đây là chủ đề khá dài mà chúng ta cần thảo luận thêm.

Hiểu Minh

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến