Vai trò của em trai Phạm Công Danh trong đại án VNCB là gì?
06/09/2016 11:30:29
ANTT.VN - Phạm Công Danh không phạm tội một mình, để lấy được hơn 18.000 tỷ đồng, Phạm Công Danh đã phải lôi kéo, dụ dỗ rất nhiều người tham gia vào quá trình phạm tội.

Tin liên quan

Giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh

Theo cơ quan điều tra, Phạm Công Trung đã giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh trong việc lập hồ sơ vay của 12 công ty (do Phạm Công Danh lập ra) tại 4 chi nhánh của BIDV với số tiền 4.700 tỷ đồng. Để lập hồ sơ vay, Phạm Công Danh, Phạm Công Trung đã lập 67 Hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng khống ký giữa 12 công ty với các đối tác khác. Trong 67 Hợp đồng này, có 4 Hợp đồng của Công ty Việt Trung (do Phạm Công Trung làm giám đốc) ký với các đối tác.

Với mục đích vay tiền tại BIDV nhằm mua cố phần tăng vốn điều lệ VNCB, Phạm Công Danh chỉ đạo Phạm Công Trung lấy số liệu dự án xây dựng của 30 dự án đem về cho Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Lưu Trung Kiên, Phan Minh Tùng lập hồ sơ, hợp đồng mua bán khống giữa 12 công ty và 29 công ty bên ngoài nhằm chứng minh đầu ra của phương án kinh doanh trong hồ sơ vay vốn BIDV.

Có rất nhiều lời khai của giám đốc các công ty ký các hợp đồng khống nêu việc ký hợp đồng khống là do Phạm Công Trung liên hệ, thỏa thuận với họ. Đặc biệt, Giám đốc các công ty của Phạm Công Danh liên quan đến việc lập hồ sơ khống để vay tiền tại VNCB, Sacombank, Tienphongbank, và rút tiền từ VNCB cũng khai Phạm Công Trung là người trực tiếp nhờ họ đứng tên làm giám đốc và lấy thông tin của họ, đưa họ đi ký thủ tục để thành lập doanh nghiệp.

Ngây thơ bị tội

Rất nhiều người ngây thơ, tin tưởng vào anh em Phạm Công Trung, Phạm Công Danh mà chịu cảnh tù tội. Điển hình như Nguyễn Tấn Thành, bảo vệ Tập Đoàn Thiên Thanh, được nhờ đứng tên giám đốc Công ty Thành Trí. Trần Thanh Tùng, bảo vệ Tập Đoàn Thiên Thanh, được nhờ đứng tên giám đốc Công ty Thanh Quang. Nguyễn Hữu Duyên, nhân viên rửa xe Tập đoàn Thiên Thanh, được nhờ đứng tên giám đốc Công ty Quang Đại. Nguyễn Quốc Thịnh, nhân viên bảo vệ Tập Đoàn Thiên Thanh, được nhờ đứng tên giám đốc Công ty Thịnh Quốc… Tất cả các cá nhân này đều ký mà không biết gì, giúp Phạm Công Danh rút tiền ngân hàng. Các cá nhân này đều bị truy tố cùng với Phạm Công Danh.

Với Phạm Công Trung, không chỉ gúp sức, Phạm Công Trung trực tiếp đứng tên, sở hữu cổ phần VNCB, mà số cổ phần này có được là do Phạm Công Trung dùng tiền rút trái pháp luật từ ngân hàng để mua.

Ngày 30/3/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra đã có lệnh khởi tố và bắt giam với Phạm Công Trung nhưng không được sự đồng tình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đến ngày 12/11/2015, Viện kiểm sát chính thức có quyết định không phê chuẩn việc khởi tố với Phạm Công Trung.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị thu hồi tiền từ nhóm Phú Mỹ, nhóm Trần Ngọc Bích để khắc phục thiệt hại của VNCB do Phạm Công Danh gây ra, cho dù những người bị thu hồi tiền cho rằng họ không liên quan gì đến hành vi phạm tội của Danh, không thể biết nguồn tiền Danh trả cho họ từ đâu mà có, nếu thu hồi thì không thể khôi phục được các giao dịch khác có liên quan, bản chất của việc thu hồi là bắt người không có lỗi phải chịu thiệt hại của VNCB. Riêng Phạm Công Danh được Viện kiểm sát đề nghị trả lại một bất động sản, đồng hồ dành cho “đại gia” hiệu Patek Philippe, nhẫn kim cương. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã kê biên 44 bất động sản mang tên Công ty Việt Trung do Phạm Công Trung làm giám đốc. Phạm Công Trung cũng đề nghị Tòa trả lại các tài sản này vì không liên quan đến Phạm Công Danh.

Phạm Công Trung có dấu hiệu giúp sức cho Phạm Công Danh, có hưởng lợi thì “lọt lưới”, vậy tại sao những người làm theo yêu cầu của Danh, Trung mà không hưởng lợi lại bị bắt giam? 

PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến