Phạm Công Danh “tiêu” 9.000 cây cầu
05/09/2016 09:45:29
Phiên toà sơ thẩm đại án Phạm Công Danh (ảnh) đã đến hồi kết thúc, càng ngày xuất hiện càng nhiều những vụ án nghìn tỉ, chục nghìn tỉ làm cho những cử tri lao động chân chính, hằng ngày phải kiếm sống không đủ ăn bức xúc và không hiểu tại sao những số tiền lớn như vậy liên tục bị rút ra, chiếm đoạt. Phạm Công Danh đã làm gì để rút tiền, rồi tiêu số tiền lớn đó đi đâu?

Tin liên quan

“Xài” hết 1.800 ngôi trường… hay “tiêu” mất 9.000 cây cầu

Hơn 18.000 tỉ đồng là số tiền Phạm Công Danh, chủ mưu đại án Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) cùng 35 đồng phạm đã rút ra và tiêu xài, trong đó 9.000 tỉ đồng là số tiền chưa thu hồi được. Số tiền 9.000 tỉ này lớn hơn cả dự án cầu Bạch Đằng đã được phê duyệt nối TP. Hạ Long vào đường cao tốc Hà Nội, Hải Phòng có tổng giá trị 7.600 tỉ đồng. Còn nếu so với nhiều cây cầu được Nhà nước và các nhà tài trợ xây dựng trong nhiều năm qua có giá trị từ 400 triệu đến 1 tỉ đồng/cầu ở những vùng khó khăn thì có thể xây được 9.000 cây cầu (tính 1 tỉ đồng/cầu). Số tiền này cũng có thể xây được 1.800 ngôi trường cho trẻ em nếu tính 5 tỉ đồng/trường học. Số tiền Phạm Công Danh đã tiêu, đã hưởng lợi “lập kỷ lục” mới, vượt xa tất cả các đại án trước đó.

Chiếm đoạt tài sản hay gây thiệt hại?

Chiếm đoạt tài sản là hành vi lấy tài sản của người khác, tước bỏ quyền kiểm soát, định đoạt của chủ sở hữu, sử dụng tài sản đó cho mục đích cá nhân mình. Phạm Công Danh đã rút tiền của VNCB, chi tiêu, mua sắm tài sản, trả nợ cho cá nhân mình, hành vi này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản? Thực tế Phạm Công Danh chỉ bị truy cứu về tội cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của VNCB. Gây thiệt hại có nghĩa Phạm Công Danh làm mất tiền của VNCB, nhưng không chiếm đoạt. Nếu có gây thiệt hại, nhưng có chiếm đoạt thì phải xử lý về hành vi chiếm đoạt. Trong khi đó, thực chất, việc Phạm Công Danh cố ý làm trái khi lập hợp đồng khống, vi phạm quy định về cho vay chỉ là nhằm để Phạm Công Danh chiếm đoạt tiền của VNCB. Phạm Công Danh đã chiếm đoạt và tiêu xài 18.000 tỉ đồng, chưa thu được 9.000 tỉ đồng. Mức hình phạt cao nhất của tội cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay chỉ là 30 năm tù.

Hành vi gây thất thoát, gây thiệt hại trong tội cố ý làm trái và hành vi chiếm đoạt trong tội lừa đảo khác nhau rất rõ ràng. Không xử lý Phạm Công Danh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không những là bỏ lọt tội phạm, việc xác định sai tội danh còn ảnh hưởng đến cả quá trình thu hồi các tài sản mà Danh đã chiếm đoạt. Do quan điểm sai này, hàng ngàn tỉ Phạm Công Danh chi tiêu đã không được làm rõ xem đang ở đâu để thu hồi. Thậm chí, đại diện viện kiểm sát còn đề nghị trả lại cho Phạm Công Danh bất động sản, đồng hồ Patek Philippe Geneva, nhẫn kim cương, ước tính cũng đã có giá trị hàng chục tỉ đồng!

Đồng phạm - người xử người không

Phạm Công Trung, em trai Phạm Công Danh là một trong những người đứng tên mua cổ phần VNCB cùng Phạm Công Danh. Quá trình điều tra thể hiện, để lập hồ sơ cho 14 công ty vay 5.000 tỉ đồng của VNCB, Phạm Công Trung nhờ người đứng tên một số công ty này. Phạm Công Trung là người trực tiếp thực hiện việc lập các hồ sơ không đúng sự thật, hợp đồng đầu vào, đầu ra để làm phương án vay vốn không đúng. Sau khi số tiền vay được rút ra khỏi VNCB, chính Phạm Công Trung là người trực tiếp sử dụng số tiền vay này, đứng tên mua cổ phần tăng vốn điều lệ của VNCB.

Các cá nhân đứng tên các công ty vay vốn tại VNCB đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong đó nhiều người không có trình độ, chỉ biết ký, có cả bảo vệ, lái xe, nhận lương tháng vài triệu đồng. Nhiều người trong số này khai nhận Phạm Công Trung chính là người lôi kéo, chỉ đạo họ phạm tội. Có trường hợp cả hai vợ chồng đều bị Phạm Công Danh, Phạm Công Trung lôi vào vòng tù tội.

Không có sự giúp sức của Trung, Danh không thể rút được tiền. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận định, Phạm Công Trung giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh, do đó đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt giam với Phạm Công Trung, nhưng quyết định này đã không được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn. Trong các kiến nghị xử lý hình sự với các đối tượng có liên quan khác tại phiên tòa, đại diện viện kiểm sát cũng không hề nhắc đến Phạm Công Trung.

Nếu không xác định đúng tội danh của Phạm Công Danh, nếu không xử lý nghiêm hành vi của Phạm Công Trung, cánh tay đắc lực của Phạm Công Danh, thì đại án này kết thúc sẽ không trọn vẹn hoặc chưa thể kết thúc.

Theo Lao Động

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến