Điện mặt trời
Tháng 9/2018, UBND tỉnh Khánh Hoà công bố bổ sung 9 dự án điện mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
9 dự án này có tổng diện tích 795,1ha, tổng mức đầu tư 13.020 tỷ đồng trên địa bàn các xã Cam Thịnh, Cam An Bắc, Cam Thịnh Đông, Cam Thịnh Tây, Vạn Hưng và thị xã Ninh Hòa. Các dự án này do 9 công ty khác nhau làm chủ đầu tư.
Trong đó, ba dự án thuộc sở hữu của KN Investment Group là bộ đôi nhà máy điện mặt trời cùng quy mô (50MW) tại xã Cam An Bắc và Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm và Nhà máy điện mặt trời KN Vạn Ninh tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh.
Nhà máy KN Cam Lâm do CTCP Điện mặt trời KN Cam Lâm làm chủ đầu tư, còn nhà máy Cam Lâm VN do CTCP Cam Lâm Solar làm chủ đầu tư. Cả hai dự án đều được khởi công vào tháng 12/2018, và phát điện vận hành vào tháng 6/2019, tổng vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng.
Về phần mình, Nhà máy điện mặt trời KN Vạn Ninh do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển điện mặt trời KN Vạn Ninh làm chủ đầu tư đang hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư xây dựng và dự kiến phát điện vận hành vào tháng 6/2021, tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng.
Tổng công suất phát điển của bộ ba nhà máy là 200MW, trong đó nhà máy KN Vạn Ninh lớn nhất, với 100MW, hai nhà máy còn lại ở Cam Lâm cùng có công suất 50MW.
Hai trong ba dự án điện mặt trời khủng được giao cho tập đoàn của ông Lê Văn Kiểm đã sang tay cho nhà đầu tư Hàn Quốc
Theo tìm hiểu của ANTT, cả 3 doanh nghiệp dự án ban đầu đều được CTCP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành thành lập và góp vốn vào năm 2017. Tuy nhiên trong khi dự án KN Vạn Ninh vẫn thuộc chi phối của Golf Long Thành, thì 2 dự án còn lại đã có sự thay đổi căn bản trong cơ cấu sở hữu.
Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển điện mặt trời KN Vạn Ninh được thành lập ngày 23/3/2017, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó CTCP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành trực tiếp nắm 70%, và thông qua công ty con Công ty TNHH KN Cam Ranh sở hữu 30% còn lại. Tỷ lệ này duy trì cho đến nay.
Về phần mình, CTCP Điện mặt trời KN Cam Lâm được thành lập tháng 4/2017 với vốn điều lệ 400 tỷ đồng, còn CTCP Cam Lâm Solar đi vào hoạt động 4 tháng sau đó, có vốn 280 tỷ đồng. Vào thời điểm thành lập, Long Thành Golf chỉ chiếm 20% cổ phần 2 doanh nghiệp này, 80% còn lại được góp bởi ông Lê Văn Kiểm.
Trong 2 dự án này, nổi bật lên vai trò đặc biệt quan trọng của Hanwha Group. Tập đoàn Hàn Quốc không chỉ đóng vai trò tổng thầu EPC, mà còn là nhà cung cấp hàng trăm nghìn tấm pin năng lượng đầu vào.
Đáng chú ý hơn, trong năm 2019, trước khi dự án hoàn thành và phát điện, ông Lê Văn Kiểm đã sang tay 70% cổ phần của mỗi nhà máy cho Hanwha Energy Corporation Singapore Pte Ltd - thành viên của Hanwha Group. Chủ tịch HĐQT 2 doanh nghiệp này hiện là ông Lee Jonghyeok, trong khi TGĐ là bà Lê Nữ Thuỳ Dương, con gái của ông Lê Văn Kiểm.
Tham vọng ở Cam Ranh
Việc xin cấp phép, triển khai rồi nhượng lại cho nhà đầu tư nước ngoài ngay trước thời điểm dự án hoàn tất không khỏi khiến dư luận đặt vấn đề về vai trò "trung gian", hay "môi giới" dự án của KN Group. Tất nhiên đó chỉ là một trong nhiều giả thiết. Biết thêm rằng cả 2 dự án với quy mô phát điện cả trăm MW đều được tài trợ vốn bởi Shinhan Bank - một nhà băng lớn cũng đến từ Hàn Quốc.
Tính đúng sai của giả thiết này có chăng sẽ rõ ràng hơn khi nhà máy điện KN Vạn Ninh với công suất 100MW đi vào vận hành vào giữa năm sau theo kế hoạch. Liệu phần vốn chi phối trong dự án có một lần nữa "sang tay" cho nhà đầu tư ngoại?
Như ANTT đã đưa tin, KN Investment Group sở hữu quỹ đất đáng nể, với hàng nghìn ha trải từ Việt Nam sang Lào. Song dường như "mặt trận" chủ lực mà tập đoàn của vợ chồng doanh nhân Lê Văn Kiểm xác định là Khánh Hoà, sau khi bán lại một diện tích đáng kể trong dự án Long Thành cho Tập đoàn Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp) của Chủ tịch Nguyễn Đình Trung.
Trước bộ ba dự án điện mặt trời, Công ty TNHH KN Cam Ranh - công ty con của Golf Long Thành năm 2016 đã được chỉ định dự án The Lotus Cam Ranh, mà nay đổi tên thành KN Paradise Cam Ranh quy mô 794,45ha tại Bãi Dài, Cam Ranh, Khánh Hoà.
Đường về tay doanh nhân Lê Văn Kiểm của siêu dự án bằng tất cả các dự án khác tại Cam Ranh cộng lại sẽ được ANTT thông tin ở kỳ tới. Biết rằng dự án có nguồn gốc đất quốc phòng này cùng ba dự án năng lượng đều được Khánh Hoà chỉ định nhà đầu tư dưới thời kỳ cựu Bí thư Tỉnh uỷ Lê Thanh Quang và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh, những người bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm nghiêm trọng trong thời gian nắm quyền.
Tại một trong những quyết định cuối cùng trước khi bị cách chức Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Đức Vinh trung tuần tháng 9/2019 đã ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch 1/500 đối với dự án của KN Investment Group tại Cam Ranh. Trong đó, rất đáng chú ý là diện tích đất ở lâu dài không hình thành đơn vị ở (condotel) giảm 97ha, đất cây xanh, giao thông giảm 92ha.
Ở chiều ngược lại, đất phân khu đô thị được điều chỉnh tăng lên 180,2ha, chủ yếu gồm đất ở thấp tầng và cao tầng. Mật độ xây dựng toàn khu được đẩy lên 28,4%. Đây là siêu dự án đang được KN Group, thông qua pháp nhân lõi Golf Long Thành đẩy mạnh triển khai.
Nên biết rằng vào năm 2017, một diện tích rất lớn mặt biển cũng đã được Khánh Hoà cấp cho siêu dự án KN Paradise.
Hiểu Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy