Dòng sự kiện:
Vân Dung – Đàn ông chơi với tôi chỉ từ tim lên đầu
19/10/2017 11:11:57
Tôi là người không thích buồn. Vợ chồng có cãi nhau thì mai lại...

Hiệu ứng từ truyền hình hiện nay khiến nhiều nghệ sỹ sống rất tốt, Vân Dung đã bằng lòng với dấu ấn từ truyền hình của mình chưa và có mong cầu gì?

Bản thân tôi cũng đi lên từ truyền hình cách đây 17 năm. Truyền hình là nơi đưa rất nhiều tên tuổi ở lứa chúng tôi trở nên nổi tiếng và gần với công chúng hơn, chính vì thế chúng tôi rất biết ơn truyền hình. Nhờ có truyền hình mà anh chị em chúng tôi kiếm được tiền nuôi gia đình và bản thân. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc lắm! Lứa chúng tôi có Gặp nhau cuối tuần, Gala cười, rồi đến Táo quân là cực kỳ may mắn!

Hiện tại tôi thấy các chương trình hài phía Bắc đang còn thiếu và rất ít. Tôi mong có nhiều hơn chương trình hài và phim truyền hình hài hay để khán giả có thể lựa chọn những thứ mình thích. Từ khi anh Đỗ Thanh Hải lên làm giám đốc VFC, phim truyền hình của Việt Nam hay hơn rất nhiều. Khán giả luôn luôn đón chờ. Anh ấy mở ra một hướng mới là thường xuyên hợp tác với các bạn nước ngoài để làm phim hoặc mua kịch bản.

Các bạn diễn viên cũng rất giỏi nhưng chúng tôi cần những kịch bản hay, nội dung sâu sắc để cho diễn viên và đạo diễn được thể hiện. Tôi có một mong ước là có nhiều phim về đề tài tình yêu của lứa tuổi trung niên chúng tôi. Trong phim “Ghét thì yêu thôi”, chuyện tình yêu của Quang và Diễm chỉ là một nhánh nhỏ để phim có thêm màu sắc vui tươi và hóm hỉnh nhưng chủ yếu vẫn là tình yêu của các bạn trẻ.

Trong một bài báo, NSƯT Chí Trung tiết lộ lương Vân Dung chỉ có hơn 3 triệu, chị làm sao để sống với mức lương này?

Anh Chí Trung nói đúng đấy bạn ạ!

Tôi bắt đầu đi làm từ năm 1994 đến nay là gần 20 năm rồi. Một tháng tôi có khoảng 5-8 buổi diễn, tiền bồi dưỡng của nhà hát là 100 ngàn đồng, vai chính thì 120 ngàn đồng. Với chi phí đắt đỏ ở thủ đô thì ngay cả bản thân tôi cũng không nuôi nổi chứ chưa nói đến nuôi con. Lương ở các đoàn nghệ thuật đều thấp như thế cả!

Nhưng may là có truyền hình, chúng tôi được đi quay quảng cáo, được làm phim và được làm tiểu phẩm, làm tất cả những gì có thể làm được bằng nghề của mình thì mới sống được. Nhưng vẫn không thể phủ nhận vai trò của sân khấu vì tôi học sân khấu ra. Phải có “Đời cười” của Nhà hát Tuổi trẻ thì truyền hình mới biết đến tôi nên tôi vẫn phải biết ơn sân khấu là cái nôi tôi sinh ra và lớn lên, là ngôi nhà cho tôi đi về, ở đó có rất nhiều bạn bè, anh em bạn bè đồng nghiệp, những người tôi yêu quý. Còn truyền hình là nơi đưa tên tuổi của tôi đến gần với khán giả và cho tôi mọi thứ.

Chính vì thế tôi yêu cả truyền hình và sân khấu.

Tiền đã bao giờ khiến Vân Dung phải thay đổi con đường của mình chưa?

Có chứ! Tiền rất quan trọng, mình không thể đi ăn xin cả đời và cũng không thể để bố mẹ mình nuôi mãi nữa! Hồi tôi mới vào nghề vai chính là một thứ rất xa vời, vai phụ tôi cũng bao giờ mơ tới. Khi cảm thấy bế tắc về kinh tế, thấy mình không thể nuôi nổi mình, suốt ngày đi bưng bê bục bệ, chạy cờ mỗi đêm được 10- 20 ngàn đồng, tôi đã nghĩ đến việc mình phải chuyển nghề.

Nhưng làm gì bây giờ khi tiếng Anh không biết, vi tính cũng không, đi buôn thì không có vốn, hay đi làm thợ uốn tóc, sơn móng tay, hay thi đại học… Rồi tôi nghĩ nhà hát Tuổi Trẻ đã đặt vào tay mình một cái nghề, thì phải làm tốt nó đã, nếu cố hết sức mà vẫn không sống được thì mới tính tiếp. Con đường đẹp đẽ các anh chị lứa trước đã quá giỏi giang và xinh đẹp đi rồi nên tôi không thể đi cùng được, vì nếu đi cùng con đường ấy thì bao giờ tôi mới đến được đích. Vì tôi không đẹp lại không giỏi bằng cách anh chị.

Nhưng tôi không lấy thế làm buồn và may mắn hài kịch đã mang đến cho tôi một con đường mới. Con đường ấy thật gồ ghề, khó đi, tôi mang một hình ảnh không giống ai, xấu lạ nhưng tôi chấp nhận và cảm thấy mãn nguyện và hãnh diện với nó. Con đường xấu thế cũng chả ai muốn đi, thôi thì mình mình một đường cho lành. Nhiều người gặp tôi ngoài đời nói “Dung ơi sao trên sân khấu và truyền hình em xấu thế, xấu quá thể ý!”. Tôi chẳng hề buồn, tôi thấy vui lắm khi nghe điều đấy! Đó chứng tỏ là một thành công nho nhỏ của tôi vì trong tim khán giả tôi luôn là một người xấu lạ. Nên họ yêu quý tôi ở cái xấu lạ đấy!

Xuất thân từ một gia đình nghèo, tiền bạc có ý nghĩa như thế nào với Vân Dung?

Nhà tôi nghèo lắm, bố mẹ thường mua vải về tự may áo cho tôi. Hai chị em chỉ có một đôi dép lành, ai đi học thì dùng đôi lành, ai ở nhà thì dùng đôi dép cụt đầu đứt quai. Nhà là một cái nhà kho rộng 8m2 với 1 cái giường và mấy cái nồi. Nhà tôi thấp nên mỗi khi mưa là nước ngoài đường tràn vào, cả nhà ngồi thu lu trên giường và lấy nồi ra hứng nước dột. Thương nhất là chuyện mẹ tôi nuôi 1 con vịt cả năm, đến ngày sinh nhật tôi định mổ ăn cho khoảng 10 người. Khi bắt nó giết thịt thì chú vịt bị xổng bay ra hồ Hoàng Cầu, thế là cả gần chục con người thi nhau bơi ra hồ để bắt một chú vịt.

Tôi thấy sao mà nhà mình nghèo thế!

Và trong lòng tôi từ đó đã nhen nhóm ý nghĩ phải bằng mọi giá để kiếm được tiền bằng chính đôi tay của mình để nuôi được gia đình và nuôi được bản thân. Lớn hơn một chút, tôi biết đi đưa lạc rang, khâu khuy, khâu đệm mút, 14 tuổi tôi đã biết đi hóa trang đám cưới cho người ta một mình. Người dạy tôi hóa trang đám cưới là mẹ. Có những hôm thấy mẹ khổ và vất vả quá, tôi đã bảo: “Mẹ ơi để con đèo mẹ đi cho mẹ đỡ khổ và vất vả. Và cứ thế, hai mẹ con lọc cọc trên cái xe đạp rong ruổi từ đầu thành phố đến cuối thành phố rồi lại thì cuối thành phố đến đầu thành phố giữa trời mưa to gió bão. Đến đầu dốc nhà tôi, hai mẹ con cùng ngã rồi hai mẹ con ôm nhau khóc.

Nghe đồn là Vân Dung bị … lùn do gánh nước nhiều, chị gái chị cao 1m72 và từng thi hoa hậu?

Mỗi ngày tôi phải gánh 10 gánh nước trên vai nên tôi mới lùn như thế này, chị gái tôi không phải gánh nước nên cao 1m72. Hàng ngày chị đi bắt tôm tép, sửa điện đóm, lợp mái nhà làm những việc của đàn ông còn tôi nấu cơm, rửa bát, gánh nước để bố mẹ đi kiếm tiền. Có những hôm mất nước tôi phải đạp xe lên nhà bà ngoại ở Quán Thánh để thồ nước về! Tuổi thơ cực khổ nhưng chúng tôi rất vui vì được sống gần gũi với thiên nhiên, chơi những trò chơi của trẻ thơ như cưỡi trâu, lấy nhũ đá trong hang, mót lúa ngô và rất yêu thương bố mẹ.

Thời xưa có nhiều cám dỗ và buộc phải đánh đổi như bây giờ không, theo chị?

Ngày xưa cũng có người giầu và người nghèo, cũng có cám dỗ. Nhà tôi không có đến cái xe đạp để đi, nhà người khác có đến 3 cái xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy khâu, thế là giầu rồi. Nhưng quan trọng là cá tính của mình như thế nào. Mình xác định được tương lai, con đường mình đi và phụ thuộc nhiều vào sự giáo dục của gia đình.

Tôi đã từng từ chối rất nhiều người vì tôi hèn, mình nhận của người ta cái gì, mà trên người không có gì để trả. Người ta cho tôi cái gì đó rất lớn trong khi tôi nhà không có, xe không có, tiền không có, tài năng không có, thử hỏi lấy gì mà trả. Hồi đấy tôi chỉ là một đứa trẻ mới lớn, tôi đâu có gì ngoài bản thân, họ chưa đòi tôi đã hiểu là họ cần gì nên tôi đã từ chối. Mình được quyền từ chối mà!

Chính vì thế họ càng trân quý mình vì họ biết mình sống đàng hoàng, không vụ lợi. Đến giờ tôi vẫn chơi cả bạn trai, bạn gái có tình cảm riêng từ hồi bé, nhờ gì là sẵn sàng đến bất kể đêm hôm, dù chỉ để uống một cốc cà phê hay giúp đỡ tôi khi bố mẹ tôi đau ốm. Tôi vẫn giữ quan hệ với những người yêu thích tôi từ thưở bé, họ là những người sống rất tình cảm và chân thành. Mọi người thường nói “Chơi với Vân Dung là chơi từ tim lên đầu thôi nhỉ!”.

Vợ chồng chị Vân Dung bao lâu mới gặp nhau một lần?

Tôi và chồng vẫn thế, tôi mới vào trong Nam cách đây một tháng. Suốt ngày tôi cống tiền cho các hãng máy bay. Bây giờ còn đỡ chứ trước mất mười mấy triệu tiền điện thoại 1 tháng, giờ thì có gọi điện online và máy bay giá rẻ, chứ mọi khi tốn lắm suốt ngày cày tiền trả cho máy bay với điện thoại.

Chị thường đóng những vai đanh đá, ngoài đời chị có bị dính vào chuyện thị phi?

Tôi không nói xấu ai và cũng không nghe ai nói xấu mình, kể cả người ta nói xấu ngay bên cạnh tôi vẫn vui và vẫn chơi với họ. Tôi nghĩ là mình không nên để ý đến việc đó rồi lại ức chế, suy nghĩ thì thời gian đó mình để đi kiếm tiền nuôi gia đình, đi du lịch hay làm những gì mình thích không hơn sao! Thế cho cuộc đời nó bình yên!

Người ta bảo diễn viên hài trên sân khấu thì cười đấy thôi nhưng trong cuộc sống là người đa sầu đa cảm?

Buồn làm gì, chui vào chăn khóc lóc rồi mắt sưng húp lên và quan trọng là có ai thương mình đâu. Buồn làm gì sao lại phải buồn! Lúc mình đau khổ đáng thương chả lẽ lại lên livestream cho mọi người thấy à! Mẹ tôi thường nói: Con đừng yêu cái gì quá bởi vì khi yêu quá con sẽ trở thành nô lệ cho nó, nên cái gì cũng chỉ yêu 50%. Còn 50% hãy giữ lại cho mình!

Có những việc không may trên trời rơi xuống thì mình đành chịu, và chấp nhận. Không có sóng gió thì không thể có những phút bình yên. Bế tắc thì từ từ giải quyết, hôm nay không giải quyết được thì mai giải quyết, không giải quyết được thì nhờ mọi người cùng giải quyết. Tôi sợ chết lắm, cứ nghĩ chết đi rồi nằm đấy một mình, xuống dưới kia lại đi học, lại chạy cờ, lại làm nhà cửa từ đầu mệt lắm. Cuộc sống đã vốn vất vả rồi nên có gì cho qua được thì qua cho bình yên.

Có người bảo tôi sao lúc nào cũng cười, em không biết buồn à, tưởng chuyện đó em phải buồn lắm! Tôi bảo em thấy bình thường có gì đâu mà phải buồn! Em là người không thích buồn. Mọi chuyện đến với mình rồi sẽ lại đi thôi mà! Vợ chồng có cãi nhau thì mai lại làm lành, anh không cười thì em cười, em không xin lỗi thì anh xin lỗi. Tính tôi không thích chiến tranh lạnh. Cứ xông vào mổ phanh con lợn ra xem bên trong nó có gì rồi thì lại buộc lại mai ăn tiếp.

Cuộc sống này ngắn ngủi lắm, tuổi thơ thì vất vả, lớn lên thì đi học rồi lấy chồng lo cơm áo gạo tiền. Phụ nữ vốn đã quá vất vả và thiệt thòi thì buồn thêm làm gì nữa cho khổ. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã ngồi lên nóc tủ bóc oản thì tội gì mà phải buồn! Hãy biết chia sẻ công việc gia đình với người đàn ông và chia một nửa nỗi buồn của mình cho chồng. Trên cuộc đời này, phụ nữ làm được việc gì thì đàn ông cũng đều làm được việc đó, trừ sinh con.

Xin cảm ơn chị!

Theo Dân Việt

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến