Vàng khó tạo “sóng” cuối năm
24/10/2016 18:51:55
Với những giải pháp điều hành của Chính phủ và NHNN đã giúp giảm vàng hóa trong nền kinh tế, cũng như nguồn cung vàng không khan hiếm, nên cho dù nhu cầu vàng cuối năm có tăng thì thị trường vàng cũng không có cơ hội “tạo sóng”.

Tin liên quan

(Ảnh minh họa)

Từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC đã tăng gần 3 triệu đồng/lượng, từ mức bán ra 32,88 triệu đồng/lượng hiện lên tới 35,69 triệu đồng/lượng. Điểm dễ nhận thấy là diễn biến giá vàng trong nước thời gian qua đã tăng giảm theo giá vàng thế giới, chứ không tăng theo kiểu “một mình một chợ” như thời điểm những năm từ 2012 trở về trước. Tuy nhiên, nhu cầu vàng miếng cũng giảm mạnh khi người dân am hiểu thị trường hơn, không đầu tư ồ ạt theo “tâm lý đám đông” và bất chấp rủi ro.

Theo một chuyên gia kinh doanh vàng, nếu như trước đây, khi mà thị trường vàng chưa được kiểm soát, sắp đặt, những thông tin diễn ra vừa qua như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất, sự kiện Brexit… sẽ tác động mạnh tới giá vàng. Chính phủ và NHNN đã “làm nguội” thị trường vàng bằng các văn bản quy phạm pháp luật và các giải pháp điều hành hợp lý, hướng tới việc giảm “vàng hóa” nền kinh tế. Đến thời điểm này, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vẫn đang phát huy hiệu quả, giúp thị trường vàng hoạt động ổn định.

Cho nên, câu hỏi đặt ra với các nhà đầu tư hiện nay là diễn biến giá vàng sắp tới sẽ như thế nào? Và nhu cầu vàng cuối năm có tác động tới thị trường kim loại quý này không? Thực tế ở Việt Nam lâu nay, nhu cầu mua vàng tích trữ luôn tăng vào dịp cuối năm, khi thị trường bước vào mùa cưới; giai đoạn các nhà đầu tư, các doanh nhân, người kinh doanh và lao động chốt lợi nhuận cả năm… Nhưng đây là dịp mà nhiều thị trường tiêu thụ vàng lớn như Ấn Độ, Trung Quốc… cũng tích cực mua vào.

Theo phân tích của Hiệp hội Vàng và Trang sức Ấn Độ, giá kim loại quý này đang giao dịch trong phạm vi từ 1.250-1.260USD/oz, một khoảng cách khá lớn so với một tháng trước đây. Doanh thu vàng trang sức dự kiến sẽ tăng ít nhất 60% so với năm ngoái. Đặc biệt, lễ hội Diwali đang đến gần - thời điểm mà người dân cho là tốt lành để mua vàng. Điều này sẽ hỗ trợ phần nào cho giá vàng đi lên. Sau Diwali là đến mùa cưới của Ấn Độ, nên nhu cầu vàng có thể tăng lên.

Giá vàng quốc tế điều chỉnh theo cung cầu cũng có thể tác động đến giá vàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, giao dịch tại thị trường vàng Việt Nam có thể sẽ rất khác. Phụ trách kinh doanh của một DN kinh doanh vàng trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội thừa nhận, sau khi trật tự trên thị trường vàng được thiết lập và hoạt động ổn định, thì cuối năm có thể được xem như mùa làm ăn của các DN kinh doanh vàng. Nhưng khác biệt là nhu cầu vàng lúc này chủ yếu để trang sức, tích trữ chứ không phải đầu cơ, lướt sóng.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ duy trì chính sách điều hành hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô những năm gần đây, kiềm chế lạm phát ở mức thấp đã gia tăng niềm tin, tạo sự ổn định giá trị tiền đồng, nhu cầu mua vàng giảm. Phía quan điểm của nhà điều hành thị trường, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính tiền tệ trong và ngoài nước, tiếp tục thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Chính vì vậy có thể nói rằng, với những giải pháp điều hành của Chính phủ và NHNN đã giúp giảm vàng hóa trong nền kinh tế, cũng như nguồn cung vàng không khan hiếm, nên cho dù nhu cầu vàng cuối năm có tăng thì thị trường vàng cũng không có cơ hội “tạo sóng”.

Theo Thời báo Ngân hàng  

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến