Dòng sự kiện:
Vàng xóa sạch mức tăng từ đầu năm
22/02/2023 12:30:46
Những tín hiệu tiêu cực dồn dập về tình hình lạm phát khiến giá vàng trượt dài. Toàn bộ mức tăng kể từ đầu năm nay đã bị xóa sạch.

Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 21/2, giá vàng thế giới đã rơi xuống hơn 1.830 USD/ounce, đánh dấu mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1.

Như vậy, toàn bộ mức tăng kể từ đầu năm đến nay của kim loại quý đã bị xóa sạch.

So với mức cao nhất 9 tháng (hơn 1.955 USD/ounce) được thiết lập vào đầu tháng này, giá của mỗi ounce vàng đã bay hơi 125 USD.

Trong khi đó, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - vẫn duy trì trên ngưỡng 104 điểm, sát mức cao nhất trong vòng 6 tuần. USD tăng, vàng giảm do những dữ liệu mới nhất về nền kinh tế và lạm phát của Mỹ.

Giá vàng thế giới rớt xuống hơn 1.830 USD/ounce. Ảnh: Trading Economics.

Tin xấu dồn dập

"Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tiếp tục mạnh tay và nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đang tăng lên", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - nhận định với Zing.

Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 16/2, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 1 đã tăng 0,7% so với tháng 12/2022 và 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2022 và cao hơn dự đoán trước đó của giới quan sát.

Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải tiếp tục mạnh tay và nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đang tăng lên

Ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ)

"Báo cáo PPI tháng 1 là một bước lùi trong cuộc chiến chống lạm phát. Việc PPI tăng chuyển thành CPI tăng sẽ có độ trễ. Bởi các nhà sản xuất chuyển chi phí của họ - về cả nguyên liệu thô lẫn chi phí vận chuyển - cho người tiêu dùng", chuyên gia kinh tế cấp cao Kurt Rankin của PNC nhận định.

PPI đi lên sẽ tiếp thêm nhiệt lượng cho đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), vốn đã tăng vượt dự báo của giới quan sát trong tháng 1.

Theo dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 14/2, lạm phát tại Mỹ tăng cao trong tháng 1 do chi phí nhà ở, giá xăng và nhiên liệu đi lên. CPI tăng 0,5% so với tháng trước đó và 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh số bán lẻ tại Mỹ cũng tăng mạnh trong tháng 1. Người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay cho xe cộ, đồ nội thất, quần áo và ăn hàng. Bộ Thương mại Mỹ cho biết gia tăng trong chi tiêu của tháng 1 năm nay là mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.

Trước đó, theo CNBC, bà Maria Vassalou - đồng Giám đốc đầu tư tại Goldman Sachs Asset Management - cảnh báo nếu doanh số bán lẻ cho thấy sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng vẫn lớn, Fed có thể tăng lãi suất lên 5,5% ở cuối chu kỳ nhằm kìm hãm lạm phát.

Áp lực bán tháo ngày càng lớn

Trước đó, các thị trường đều đánh giá rằng Fed chuẩn bị kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Giới đầu tư dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm thêm một lần nữa rồi tạm dừng, và bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm.

Nhưng nếu ngân hàng trung ương Mỹ thắt chặt chính sách lâu hơn dự báo, thị trường có thể chịu sức ép lớn. Bởi khả năng Fed bớt diều hâu hơn đã được phản ánh trên giá.

"Rõ ràng là rủi ro đang gia tăng. Và lạm phát hạ nhiệt không đủ nhanh như mong muốn của Fed", CNBC dẫn lời ông Jeffrey Roach - chuyên gia kinh tế trưởng tại LPL Financial - bình luận.

Điều này sẽ triệt tiêu mọi động lực hỗ trợ đà tăng của giá vàng. Vàng rất nhạy cảm với lãi suất. Bởi lãi suất tăng cao khiến chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng lên. Nói với Zing, ông Moya tại Oanda cũng cho rằng áp lực chốt lời cũng đang đè nặng lên thị trường vàng, sau khi giá tăng vọt trong những tháng qua.

Dù đã quay đầu lao dốc, giá của mỗi ounce vàng vẫn cao hơn 127 USD so với mức thấp nhất năm ngoái, gần 1.703 USD vào cuối tháng 9.

Tác giả: Thảo My

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : giá vàng , vàng
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến