Tin liên quan
Yêu cầu của TPP buộc các tổ chức ngân hàng tài chính phải cởi mở hơn. Ảnh minh họa: Giao dịch tại một chi nhánh Vietcombank. (Ảnh: Uyên Viễn)
TPP nói gì?
Nhìn chung, nội dung cam kết về ngành ngân hàng tài chính trong TPP gồm các điểm chính: mở rộng cam kết về mở cửa thị trường, trong đó lưu ý các tổ chức tài chính trong 12 nước được cung cấp và nhận dịch vụ xuyên biên giới; tăng cường minh bạch hóa; bảo hộ đầu tư với cơ chế giải quyết tranh chấp minh bạch, rõ ràng và có hiệu quả; không phân biệt quốc tịch nhân sự cấp cao; cho phép áp dụng các ngoại lệ và các quy định quản lý thận trọng; cam kết không chạy đua phá giá tiền tệ; thành lập Ủy ban Dịch vụ tài chính của khối TPP.
Diễn giải cụ thể hơn những điểm chính này, chúng tôi trao đổi với ông Cấn Văn Lực, chuyên gia nghiên cứu về ngân hàng. Ông cho biết, các quy định với ngành ngân hàng tài chính của WTO so với TPP về cơ bản không khác nhau nhiều, tuy nhiên yêu cầu của TPP buộc các tổ chức ngân hàng tài chính phải cởi mở hơn và có ba điểm nổi bật.
Thứ nhất, TPP cho phép 12 nước thành viên cung cấp các dịch vụ ngân hàng xuyên biên giới trong nội khối, tức khai thác chung khách hàng. Cá nhân, tổ chức tại Việt Nam có thể sử dụng dịch vụ của ngân hàng ở Mỹ hay ở bất kỳ ngân hàng nào trong 12 nước TPP mà ngân hàng đó không cần mở chi nhánh tại Việt Nam như trước. Trước đây WTO cho phép các ngân hàng mở chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại thị trường nước thành viên chứ chưa cho phép cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tiếp như TPP. Khi các ngân hàng có thể cung cấp dịch vụ từ xa sang thị trường nước khác qua mobile banking và internet banking và các công cụ khác, cạnh tranh chắc chắn sẽ khốc liệt hơn trên quy mô lớn.
Thứ hai, không phân biệt quốc tịch khi tuyển dụng nhân sự cấp cao, tức là các tổ chức, doanh nghiệp trong TPP không được từ chối nhân sự quốc tịch nước khác trong TPP. Nếu từ chối hồ sơ tuyển dụng phải có lý do rõ ràng và hợp lý. Nếu phân biệt trong tuyển dụng doanh nghiệp có thể bị cá nhân đó kiện lên Ủy ban TPP.
Thứ ba, về bảo hộ đầu tư, tổ chức, doanh nghiệp, chính phủ phải ứng xử công bằng với tất cả nhà đầu tư và các nhà đầu tư có thể kiện trực tiếp tổ chức, chính phủ đó lên Ủy ban TPP nếu họ không chứng minh được sự minh bạch và công bằng trong khi phân bổ các cơ hội cho đầu tư của mình. Ở đây có những quy định ngoại lệ, ví dụ nếu ngân hàng cung cấp dịch vụ A mà ảnh hưởng đến an ninh tài chính tiền tệ, vi phạm quy định về rửa tiền của nước B thì nước đó có quyền không cho phép ngân hàng A tiếp tục cung cấp dịch vụ, hoạt động, tất nhiên phải có bằng chứng.
Ông Lực cho rằng điều đó có nghĩa là khi TPP có hiệu lực, các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm hay ngân hàng nước ngoài sẽ hoạt động tại thị trường Việt Nam “thoải mái” gần như ở nước họ. Một chính phủ phải có lý do xác đáng mới có thể từ chối các tổ chức tài chính ngoại vào thị trường, và các lý do kiểu như đã có quá nhiều ngân hàng khó mà được chấp nhận. “TPP sẽ tạo ra một thế hệ mới cả về ngân hàng, bảo hiểm, và chứng khoán”, ông nói.
TPP cũng có ràng buộc chặt chẽ hơn WTO ở chỗ yêu cầu minh bạch hóa ở cấp độ cao hơn, đặc biệt với doanh nghiệp, tổ chức thuộc nhà nước. Các ngân hàng trung ương trong TPP đã cam kết đồng thuận không phá giá đồng tiền ở biên độ cao khiến nó có thể tác động đến xuất khẩu thái quá. Đây là điều khoản chưa bao giờ có trong các hiệp định song phương, tuy nhiên cần chờ xem quy định này sẽ được chi tiết hóa với liều lượng thế nào. Các ngân hàng trung ương, trong đó có Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải minh bạch, cung cấp thông tin về chính sách tiền tệ, tỷ giá chi tiết và cập nhật hơn (trên trang web, báo cáo...) chứ không trễ đến vài tuần, vài tháng và không có giải trình nào về sự bất nhất trong thông tin công bố như hiện nay.
Tuy nhiên trong TPP vẫn còn những cánh cửa khép hờ cho khu vực ngân hàng. Về các dịch vụ tài chính, theo báo cáo của một tổ chức độc lập khác, giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các ngân hàng Việt Nam vẫn được duy trì ở mức 30% và Chính phủ Việt Nam vẫn được ưu tiên nhất định với một số tổ chức tài chính của Chính phủ, ví dụ như Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số quyền nhất định với các ngân hàng thương mại có sở hữu nhà nước chi phối hoặc trong việc chuyển đổi cơ cấu hệ thống ngân hàng. Việt Nam cũng có thể thành lập một tổ chức tài chính (có thể gọi là ngân hàng) thuộc sở hữu của Chính phủ có chức năng nhận thế chấp và tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại (hiện nay chức năng này đang được NHNN thực hiện).
Ngân hàng Việt Nam đang ở đâu?
Những thay đổi trên sẽ đem đến diện mạo thế nào cho ngành ngân hàng, tài chính tại Việt Nam? Theo một số người trong ngành, về kiến trúc thượng tầng sẽ không có thay đổi nhiều, tức cơ cấu thị trường sẽ vẫn chia theo hai “đội”, gồm khu vực các tổ chức tài chính (công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm...) và ngân hàng thuộc khu vực quốc doanh và tư nhân. Nhưng họ cho rằng sự biến đổi về chất của thị trường sẽ thay đổi đáng kể. Sự cạnh tranh sẽ đậm đặc và sát sao hơn, chất lượng dịch vụ, thái độ dịch vụ và tính cá nhân hóa dịch vụ tài chính ngân hàng sẽ thay đổi rất mạnh mẽ. “Câu chuyện kinh doanh ngân hàng tài chính không còn là chuyện ai to ai nhỏ mà đã và sẽ là ai nhanh hơn ai”, tổng giám đốc một ngân hàng đang tập trung xây dựng chiến lược mới, nói.
Theo ông Cấn Văn Lực, cơ hội với các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng Việt Nam với TPP là việc dễ dàng hơn, nhiều sự lựa chọn hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, cơ hội đa dạng hóa thị trường và nền khách hàng cũng mở rộng hơn, nhiều lựa chọn hơn khi tìm kiếm đối tác làm ăn.
Nhưng thách thức là mỗi người sẽ tự mình buộc phải thay đổi, phải cập nhật liên tục, phải can đảm lao vào cái mới thậm chí chưa biết sẽ đi tới đâu, theo lãnh đạo một ngân hàng. Ông Lực cho rằng “các ngân hàng, tổ chức cần xác định công việc có thể sẽ liên quan đến kiện tụng pháp lý nhiều hơn. WTO là biển lớn, quyền lợi trực tiếp của WTO không gắn chặt và sát sườn như trong TPP. Nên nhớ anh được kiện trực tiếp Chính phủ nếu họ làm không đúng, nhưng mọi việc phải chặt chẽ rõ ràng minh bạch chứ không phải như lâu nay thích đâu đánh đấy”.
Với các cơ quan quản lý của Nhà nước, áp lực hoàn thiện và thay đổi thể chế, tư duy điều hành rất lớn. Ví dụ, riêng với NHNN, câu hỏi làm thế nào để quản lý được việc cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng xuyên biên giới, ứng xử thế nào để công bằng và minh bạch giữa các ngân hàng nội và ngoại là không dễ dàng.
Một thách thức đáng lo ngại, là sức khỏe các ngân hàng Việt Nam còn khá yếu. Năng lực tài chính (theo mô hình CAMELS) thuộc nhóm yếu nhất khu vực. Giá dịch vụ (phí, lãi suất) ở mức trung bình thấp, sản phẩm, dịch vụ còn đơn giản, năng lực quản trị điều hành và quản lý rủi ro ở mức thấp, năng suất hiệu quả làm việc thấp, trình độ công nghệ đang có xu hướng phát triển nhanh nhưng còn nhiều thủ tục, giấy tờ.
Sức khỏe ngân hàng Việt Nam khá yếu so với ngân hàng khu vực Tỷ lệ vốn tự có/tổng tài sản chứa rủi ro (CAR) của ngân hàng thương mại Việt Nam so với khu vực vào thời điểm 31-12-2014 theo công bố của NHNN là 12,8%, thấp hơn hầu hết các nước trong TPP, tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ. Ngay cả những nước có điều kiện kinh tế tương tự như Indonesia các ngân hàng cũng có CAR trung bình cao hơn: 19,8%; Philippines là 17%; Thái Lan là 15,6%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại Việt Nam là 3% thời điểm 30-9-2015 theo NHNN, so với con số của các ngân hàng khu vực thời điểm 31-12-2014 thì chỉ đứng sau Nga (6,7%), Pakistan (12,3%) và Ấn Độ (4,3%). ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) cuối năm 2014 của Việt Nam thấp nhất trong khu vực, ở 5,5% trong khi ở các nước khác: Thái Lan 16,2%, Singapore 17,1%, Trung Quốc 19%, Indonesia 18%, Malaysia và Philippines 13,5% (nguồn: SNL Financial). Quy mô tổng tài sản của ngân hàng Việt Nam theo thống kê trên trang web của các ngân hàng này cho thấy, ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam (Agribank) có tổng tài sản chưa bằng một nửa ngân hàng trung bình của Indonesia (Bk Mandiri) hay Thái Lan (Bangkok Bank). Quy mô thị trường tài chính Việt Nam (gồm cả ngân hàng, bảo hiểm, trái phiếu và chứng khoán) so với khu vực đứng thứ 10 trong 14 nước. Quy mô thị trường tài chính Việt Nam so với GDP khoảng 130% GDP, chỉ lớn hơn Lào, Indonesia và Campuchia. Trong khi đó, quy mô thị trường tài chính Nhật Bản gần 500% GDP, Trung Quốc khoảng 220% GDP, Hàn Quốc khoảng 330% GDP, Malaysia 370% GDP, Thái Lan 280% GDP, Singapore 350% GDP và Mỹ 400% GDP. Quản lý rủi ro của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam mới bắt đầu giai đoạn áp dụng thử các tiêu chí Basel 2 trong khi đó các nước khu vực đã áp dụng Basel 2 từ lâu và đang áp dụng một phần Basel 3 từ năm 2013. |
Hồng Phúc
Theo TBKTSG
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy