Vay dự trữ ngoại hối – chẳng khác nào “bán thóc giống đi mà ăn”
05/06/2015 17:48:55
ANTT.VN – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng nguồn dự trữ ngoại tệ của nước ta hiện nay có tăng nhưng vẫn thấp hơn so với thông lệ và các nền kinh tế tương tự, nên cần phải xem xét thận trọng, kỹ càng phương án cho ngân sách vay từ dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Tin liên quan

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã đề nghị Chính phủ sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ của NHNN làm nguồn cấp vốn thay thế.

Theo đó, NHNN sẽ chịu trách nhiệm chính và phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước để thêm vốn vào các hoạt động đầu tư phát triển mà không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia.

Cẩn phải xem xét thận trọng!

Trả lời PV ANTT.VN bên lề Hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng đây là một phương án mạo hiểm, Chính phủ và NHNN cần xem xét thận trọng và kỹ càng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần phải xem xét thận trọng phương án cho vay từ nguồn dự trữ ngoại hối

“Nếu Chính phủ sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ để làm nguồn cấp vốn thay thế sẽ chẳng khác gì “bán thóc giống đi mà ăn”. Khoản dự trữ ngoại tệ - “thóc giống của nền kinh tế” cần phải được đảm bảo, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, nhập siêu ngày một tăng cao” – bà Phạm Chi Lan cảnh báo.

Sau khi bắt đầu xuất siêu từ năm 2012, thì tới năm nay, nhập siêu đã quay trở lại và có dấu hiệu tăng mạnh. Theo Báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015 của Bộ Công thương, tính chung 5 tháng, cả nước nhập siêu 2,97 tỷ USD, bằng khoảng 4,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhận định khi Việt Nam hội nhập kinh tế với Trung Quốc hay ASEAN thì hệ quả nhập siêu tăng cao kể cả FTA với Hàn Quốc mới đây cũng có tình trạng tương tự.

Qua đề xuất có phần bất ngờ này từ phía Chính phủ, bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng ngân sách dành cho đầu tư và các khối tín dụng sự nghiệp đang vướng phải cái bí, cái khó.

“Tôi nghĩ cần phải xem xét và tìm cách khác. Điều quan trọng nhất hiện nay là tái cơ cấu đầu tư công, tiết kiệm và nâng hiệu quả đầu tư công. Một số lĩnh vực dứt khoát phải khước từ, không đầu tư công nữa mà để cho khu vực tư nhân làm. Chúng ta đã kêu gọi hình thức TPP – Nhà nước và tư nhân cùng làm, WB còn đứng ra chung vốn và bảo lãnh cho các dự án đầu tiên. Thế thì không lý gì chúng ta phải tiếc phần đó mà dùng tiền dự trữ quốc gia để đầu tư”.

Những số liệu mới nhất cho thấy NHNN đang nắm giữ khoảng 35 tỷ USD trong nguồn dự trữ ngoại hối vào cuối năm ngoái và dự đoán tiếp tục tăng trong năm nay nhưng vẫn nằm dưới mức trung bình ba tháng nhập khẩu.

Điều hành chính sách tỷ giá cần có sự kinh hoạt và có lợi cho nền kinh tế

Nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang thấp hơn so với thông lệ và thấp hơn ngay cả với các nền kinh tế khác như Bangladesh và Sri Lanka vốn có cơ chế quản lý ngoại tệ tương tự. Ngay cả khi so sánh với “hàng xóm” Campuchia – dự trữ ngoại hối còn đủ để dành cho 6 tháng nhập khẩu.

Lời nhắn nhủ Thống đốc Bình

Bên cạnh đó, bà Lan cho rằng NHNN không cần quá lo lắng về cam kết từ đầu năm “không điều chỉnh quá 2% trong năm nay” sau khi đã dùng hết biên độ đề ra chỉ trong vòng 5 tháng. Tỷ giá cũng như giá cả trên thị trường – thay đổi liên tục, giá cả của đồng tiền cũng thay đổi. NHNN không nên toan chấp quá để giữ ổn định từ nay đến cuối năm.

“Cần có sự linh hoạt, khi nào thấy nó có lợi cho nền kinh tế thì tại sao lại không điều chỉnh? Không lẽ chỉ vì sợ vi phạm cam kết của mình mà gây thiệt hại cho nền kinh tế? Đầu năm, khi thống đốc Bình đưa ra để các DN, nhà đầu tư yên tâm – đó là thiện chí- nhưng cũng cần chấp nhận sự linh hoạt phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Nếu như NHNN tiếp tục điều chỉnh vì cái lợi cho nền kinh tế thì xã hội hoan nghênh chứ không ai phê phán NHNN không thực hiện cam kết của mình” – bà Phạm Chi Lan chia sẻ.

Dẫu biết rằng, mục tiêu quan trọng của NHNN là ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng ổn định không chỉ đánh giá qua việc điều hành tỷ giá mà còn là lạm phát, tốc độ tăng trưởng hiệu quả hơn. Nền kinh tế hướng theo cách đó, Thủ tướng cũng đã có biện pháp đồng bộ để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời tăng trưởng dần dần – đó mới là cái quan trọng nhất.

“Tôi đảm bảo 1 mình tỷ giá thay đổi không đủ tác động làm mất ổn định toàn nền kinh tế Việt Nam. Nhưng nếu tỷ giá không đủ độ linh hoạt sẽ ảnh hưởng xấu, làm chặn bước đi của khả năng tăng trưởng, làm DN khó khăn hơn nhất là khu vực sản xuất để xuất khẩu của Việt Nam là khu vực rất rộng lớn, trong đó có sự tham gia của rất nhiều đối tượng” – nguyên thành viên tổ tư vấn Chính phủ bày tỏ quan điểm.

Hoa Liên

 

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến