Dọa dẫm đủ kiểu
Phan Duy Hiệp (sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng) cho biết, mình từng mất ăn mất ngủ với tín dụng sinh viên. Vì muốn lấy lòng cô bạn gái mới quen nên Hiệp quyết định “chơi lớn”, cậu tìm tới công ty tín dụng sinh viên có trụ sở chính tại phường 7 (quận 11) để vay 3 triệu đồng đóng góp kinh phí cho 2 người trong chuyến du lịch Đà Lạt cùng đám bạn.
Tại đây, Hiệp được tư vấn vay 3 triệu đồng trong vòng 3 tháng nên lãi suất là 5.000 đồng/triệu/ngày, 10 ngày trả lãi một lần, tính ra cả gốc cả lãi mỗi tháng Hiệp phải trả là 1,450 triệu đồng. Hào hứng, Hiệp không để ý đến khoản lãi suất cũng như quy trình trả nợ, nhanh chóng gật đầu ký vào biên lai vay tiền.
“Nhìn sơ thì có vẻ dễ trả nhưng không phải vậy. Sinh viên làm thêm cũng có tháng này tháng kia, tháng đầu tiên tôi trả sòng phẳng, tháng sau nhiều khoản chi phí nên không trả đúng hẹn. Vậy là tiền lãi cộng dồn với tiền gốc, lại thêm tiền phạt vì đóng lãi trễ, phạt tiến độ trả nợ không đúng hợp đồng... nên tôi trả hoài mà không hết 3 triệu đồng tiền vay ban đầu, thậm chí số tiền đội lên gần gấp đôi. Vừa phải gồng mình trả nợ, vừa phải hứng chịu những lời dọa nạt “đánh gãy giò”, những tin nhắn khủng bố vào bất kể giờ giấc, cuối cùng, tôi phải cầu cứu bạn bè giúp đỡ”, Hiệp kể về thời gian vay nợ.
Ma trận vay nóng phục vụ sinh viên có nhu cầu
Gọi vào số điện thoại 094128XXX mà Hiệp cho, chúng tôi được một người đàn ông tên là T., tự xưng là quản lý tài chính của trang csvvt.vn bắt máy. Thấy chúng tôi nói là sinh viên, đang cần vay tiền đóng học phí, người này nhiệt tình tư vấn về chế độ cho vay cùng thủ tục vô cùng đơn giản.
“Công ty anh thành lập gần 10 năm nay nên rất uy tín. Giám đốc cũng từng là sinh viên nghèo, được người tốt đỡ đầu nên thành đạt, giờ mới mở công ty để hỗ trợ sinh viên cùng hoàn cảnh những lúc khó khăn. Em không tin thì vào trang web của công ty sẽ rõ”, T. vừa quảng cáo vừa giục chúng tôi gặp mặt để giao tiền.
Khi chúng tôi hỏi về lãi suất và phương án trả tiền, T. cho biết, vay nhiều thì lãi thấp, vay ít thì lãi cao hơn một chút, lãi tính theo ngày, trả 10 ngày/lần, tiền gốc thu vào cuối tháng để đôi bên sòng phẳng. T. đưa ra mức lãi 3.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày, tính ra lãi suất tới 200%/năm, khi chúng tôi thắc mắc, trong trang web quảng cáo lãi suất không quá 6%/năm, T., liền trấn an: “Mức đó không cao đâu, mỗi tuần em trả trăm mấy ngàn đồng thôi. 6% cũng có nhưng số tiền lớn, có tài sản thế chấp, thời gian vay lâu dài. Sinh viên tụi em vay ít nên bên anh duyệt với tinh thần hỗ trợ, chứ ngần ấy tiền chẳng đủ đổ xăng đi thu tiền của tụi em”.
Cũng đang vay và trả góp theo hợp đồng đều đặn tại công ty F.C nhưng N.T.Nghĩa (sinh viên, Hà Nội) lại gặp một trường hợp trớ trêu khác. Nghĩa từng mua một máy tính cũ tại tiệm điện tử được công ty F.C liên kết, người tư vấn hứa hẹn đảm bảo và có nhiều lợi ích khác cho khách hàng khi vay tiền để mua hàng tại đây. Thủ tục vay tiền và mua bán diễn ra rất nhanh chóng, chỉ có điều, sau một thời gian sử dụng, chiếc máy tính tự dưng hỏng…
“Tôi mang tới cửa hàng sửa chứ không dám tự tiện động vào. Cửa hàng nhận rồi báo sửa sẽ mất nhiều thời gian. Nửa tháng sửa máy, công ty F.C hàng ngày gọi nhắc nợ tôi. Tôi chỉ nhẹ nhàng bảo, chiếc máy đang hỏng, nếu không sửa được, tôi muốn yêu cầu cửa hàng trả lại tiền, rồi sẽ thanh toán tiền trả góp, ngay lập tức nhân viên đổi giọng, nói chuyện máy hỏng không liên quan gì đến tiền phải trả góp, nếu không trả trước ngày 23 sẽ bắt đầu tính phí phạt, công ty không cần biết tới việc máy hỏng”, anh Nghĩa cho biết.
Trao đổi cùng quản lý của một cửa hàng điện tử uy tín được ủy quyền nhận tiền đóng trả góp của khách hàng cho công ty F.C, được biết, đã có rất nhiều khách hàng tới bức xúc về thái độ chăm sóc khách hàng và tình trạng siết nợ như “xã hội đen” của công ty F.C. F.C hiện đang thuê một bên chuyên “siết nợ” khách hàng chứ không trực tiếp thực hiện việc này nên mọi kiến nghị rất khó để được giải quyết.
Mắc bẫy vì thủ tục đơn giản
Biết đến công ty vay tín chấp F.C qua lời mời chào, giới thiệu nhiệt tình của một nhân viên tại công ty này, T.Trinh (sinh viên Học viện B., TP Hà Nội) quyết định mua điện thoại tại cửa hàng đồ điện tử có liên kết trực tiếp với F.C. Tại đây, Trinh đã được tư vấn mua chiếc điện thoại đời mới có giá 25 triệu đồng và nhân viên tư vấn vay tín chấp đã đề xuất gói vay trả trước 30% (tức là trả trước 7,5 triệu đồng), trả góp 2,5 triệu đồng/tháng trong vòng 9 tháng. Thủ tục vay tiền chỉ cần một sổ hộ khẩu, một CMND, xét duyệt hồ sơ người vay chỉ trong 20 phút.
“Chuyện chẳng có gì để nói nếu mỗi tháng tôi không bị thu quá số tiền đã thỏa thuận. Rõ ràng trong hợp đồng vay tiền ghi phải đóng 2,5 triệu đồng/tháng nhưng mỗi lần gần tới kỳ hạn đóng tiền, nhân viên công ty đó lại bắt tôi phải đóng thành 2,680 triệu đồng, tức là hơn số tiền thỏa thuận 180.000 đồng. Tôi thắc mắc thì nhân viên tổng đài đổi giọng rất “chợ búa”, cũng không giải thích”, chị Trinh bức xúc.
Rõ ràng, những “con mồi” sinh viên như trên không hiếm, nhất là với thủ tục luôn được quảng cáo là vô cùng đơn giản, giải ngân nhanh. Như Phan Duy Hiệp, chỉ 1 CMND, 1 thẻ sinh viên, số điện thoại gia đình và 1 cú điện thoại gọi về nhà, 15 phút sau Hiệp có 5 triệu đồng trong tay. “Quá nhanh, quá nguy hiểm”, Hiệp thốt lên như thừa nhận hệ quả nguy hiểm của vay nóng và ái ngại khi nghĩ đến những hoàn cảnh giống mình hoặc sắp giống mình.
Điều đáng nói, tín dụng sinh viên không mới. Báo chí đã vạch mặt nhiều nhưng không ít sinh viên vẫn trở thành con mồi của kiểu làm ăn chụp giật ấy. Từ bài học bản thân rút ra, Phan Duy Hiệp nhận định: “Thực ra, chúng tôi cũng biết cả nhưng sinh viên mà, vay mượn vài ba trăm ngàn còn khó, những lúc kẹt tiền mà có chỗ cho vay tới vài triệu đồng nên ham”.
Chính cái ham bất chấp cảnh báo mà tín dụng sinh viên vẫn tồn tại, thậm chí là sống khỏe. Minh chứng là ngoài trang csvvt.vn của T., giới sinh viên còn kháo nhau các địa chỉ vay tiền “dễ hơn mua rau” như trang T.vn với thủ tục online nhanh, gọn; F.C mức vay lên tới 50 triệu đồng chỉ cần điều kiện là sử dụng sim của nhà cung cấp Viettel; S.L (quận Bình Thạnh); vtn.info; vtn1s.com… đều được cam kết lãi suất thấp, vẫn tồn tại nhiều năm nay và vươn “vòi bạch tuộc” đi nhiều tỉnh thành, nhiều trường đại học, công khai tờ rơi phát đầy các giao lộ và cổng trường học, dán trên trụ điện, thậm chí được tiếp thị qua tin nhắn.
Theo Sài gòn đầu tư tài chính
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy